Bàn về công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm sau vụ pate Minh Chay

Thứ sáu, 04/09/2020 14:13
(ThanhtraVietNam) – Hàng chục người bị ngộ độc được đưa vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu, điều trị trong tháng 8/2020 sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, chứa vi khuẩn Clostridium botulinum là trường hợp khá hiếm gặp. Vụ việc như một hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là khâu quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm.

Thực phẩm chay được kinh doanh tràn lan, khó kiểm soát

Trong những năm gần đây, do nhu cầu đa dạng của xã hội nên thực phẩm chay đang phát triển mạnh mẽ với đủ loại mặt hàng và chất lượng kể cả nguyên liệu hay thành phẩm chế biến sẵn (thực phẩm chay đông lạnh, chay khô, món ăn chay liền, đồ hộp ăn chay, các loại sốt chay…). Nhiều sản phẩm đồ chay, như: Lẩu chay, nem chay, pate chay, chả lụa chay, chà bông nấm hương, nem chay chua, heo quay chay tẩm gia vị… được bày bán rất nhiều tại các chợ dân sinh và cửa hàng bán lẻ, siêu thị.

Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin và dịch vụ phát triển mạnh, chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chay” Google đã có 228.000.000 kết quả liên quan đến vấn đề này. Không chỉ trên Google mà trên mạng xã hội Facebook cũng có rất nhiều page, hội, nhóm, chợ về thực phẩm chay. Điều đó cho thấy sự phong phú, đa dạng của nguồn cung thực phẩm cũng như nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn.

leftcenterrightdel
 Thực phẩm chay được bày bán rất nhiều ở các chợ truyền thống nhưng không có hoặc không ghi đầy đủ nhãn mác. (ảnh intenet)

Bên cạnh đó, có nhiều hình thức bán thực phẩm chay. Chúng ta có thể dễ dàng mua thực phẩm chay ở các chợ truyền thống, hệ thống các siêu thị hay một kênh bán hàng đang rất phổ biến hiện nay là mua online (website, facebook). Giá cả các sản phẩm chay cũng vô cùng đa dạng nhằm phục vụ được tất cả nhu cầu của người tiêu dùng.

Cô Mai Ngọc Lan (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Vào ngày mùng 1, rằm trong năm cô thường ăn chay hoặc ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy cô thường đặt cỗ chay ở chỗ quen trong chợ Khâm Thiên hay mua đồ chay về chế biến để thắp hương gia tiên. Vì một phần là do vấn đề tâm linh, một phần cô thấy đồ chay bây giờ rất phong phú, đa đạng và dễ mua, chế biến sẵn bắt mắt nên rất tiện”.

Tuy nhiên, đi đôi với sự đa dạng, phong phú trên các phương diện nêu trên thì công tác quản lý vì thế cũng trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với các mặt hàng chay “giả mặn” chế biến sẵn vì thường có hương vị và màu sắc rất bắt mắt, nguy cơ độc hại càng cao. Mặt khác, thực phẩm chay ở chợ và trên mạng phần nhiều là sản phẩm do cá nhân và gia đình tự làm, không qua kiểm nghiệm, không có thông tin nhãn mác rõ ràng, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ vụ pate Minh Chay – quản lý về an toàn thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo

Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngày 03/01/2020, Công ty được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 01/2020/NNPTNT-HAN cho loại hình: Chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc nấm); rang và đóng gói muối vừng các loại hạt (hạnh nhân, điều, thông, bí xanh, hướng dương, macca, óc chó, vừng).

Trong tháng 8/2020, đã có 9 trường hợp trên cả nước bị ngộ độc được đưa vào các bệnh viện lớn cấp cứu, điều trị sau khi ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới. Tất cả các trường hợp này đều có biểu hiện lâm sàng tương đồng nhau, như: Đau bụng, buồn nôn, yếu tay, chân, không làm được việc nặng, khó nuốt, yếu cơ mặt, sụp mí, nhìn mờ…

Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm cho thấy có độc tố botulinum trong pate Minh Chay. Theo các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra chất độc botulinum là vi khuẩn kị khí. Do đó, bất kỳ thực phẩm nào dưới dạng đóng kín, cũng có thể là môi trường cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển. Nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium botulinum có liên quan trực tiếp đến khâu chuẩn bị, chế biến, đóng gói sản phẩm và ngay cả cách ăn của người tiêu dùng. Đáng nói, độc tố botulinum tìm thấy trong pate Minh Chay có thể gây chết người chỉ với vài chục nanogam.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm pate chay chứa độc tố của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới. (ảnh intenet)

Trước đó, ngày 20/8, Đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới tại thị trấn Đông Anh theo chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra công ty không duy trì điều kiện vệ sinh, như: Vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước…

Như vậy, Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Song điều kiện sản xuất của Công ty không đảm bảo vệ sinh; sản phẩm không đảm bảo an toàn, chứa chất độc hại. Qua đây, có thể thấy, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sau cấp phép vẫn còn những hạn chế, kẽ hở. Doanh nghiêp sau khi được cấp phép thì hoạt động, sản xuất không đúng theo tiêu chuẩn, quy định đã được cấp phép trước đó.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức, đạo đức của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Có thể vì lợi nhuận trước mắt mà Công ty không chú trọng đến chất lượng nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào; không quản lý chặt chẽ, sát sao trong quá trình chế biến; coi thường sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, số lượng các công ty, nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay quá nhiều, trong khi đó lực lượng công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường còn mỏng, một số nơi trình độ chuyên môn còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc…

Cần siết chặt cấp phép, sản xuất kinh doanh thực phẩm

Việc phát hiện độc tố botulinum trong pate Minh Chay cho thấy, Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới đã vi phạm quy định tại điểm d Khoản 5 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2018 về những hành vi bị cấm: “Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép”. Do đó, ngày 1/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi công văn số 2013/ATTP-NĐTT tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đề nghị điều tra, xử lý vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới.

Theo quy định tại Điều 7 Luật An toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có quyền quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp; quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm cũng quy định rõ việc xử lý vi phạm: “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.

Điều này cho thấy, đến nay pháp luật chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp loại thực phẩm chay. Do đó, các quy định về an toàn thực phẩm nói chung sẽ được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề an toàn thực phẩm chay.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, trong thời gian tới, các cơ quan quản quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm. Qua đó, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) và răn đe các công ty, nhà sản xuất thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần thông thái trong lựa chọn thực phẩm. Không nên quá ham rẻ, mua những thực phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc; ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy; bao bì sản phẩm còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu căng lên hoặc móp méo. Màu sắc và mùi vị của món ăn bên trong không có dấu hiệu bất thường./.

Minh Nguyệt

 

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra