Trong kỷ nguyên số, mỗi “con số” đều có ý nghĩa và đều được đo đếm một cách chính xác; đối với báo chí thì số người đọc, số người nhấn nút “đăng ký theo dõi thường xuyên”, số lượt tương tác… là những “con số” mang tính “sống còn”.
Xu hướng báo chí công nghệ
Mới đây, kênh tin tức tổng hợp trực tuyến MSN của Microsoft đã sa thải 27 phóng viên, biên tập viên và thay thế họ bằng phần mềm A.I (trí tuệ nhân tạo)(1). Thông báo cũng nói rõ: việc thay thế này là theo lộ trình ứng dụng công nghệ nằm trong kế hoạch kinh doanh của hãng, chứ không phải do tác động hậu dịch Covid-19. Đây là một trong những bước đi cho thấy công nghệ đang dần làm thay công việc của con người trong lĩnh vực báo chí. Và hãng Microsoft không phải là nơi duy nhất thực hiện bước đi này. Từ năm 2014 đến nay, hãng thông tấn AP sử dụng công nghệ Automated Insights (hệ thống phần mềm viết tin tức tự động) để cho ra đời hơn 2.000 tin tự động mỗi giây và hơn 1 tỷ tin tức tự động mỗi năm. Kể từ khi ứng dụng công nghệ viết tin tức tự động này thì năng suất lao động (tạo ra các bài báo) của AP đã tăng lên hơn 12 lần.
Trên thế giới hiện nay, nhiều tòa soạn đã có đội ngũ phóng viên robot, tự động viết bài thay phóng viên trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo như: New York Times (Mỹ), the Economist (Anh)… đã bắt đầu đưa tin bằng công nghệ thực tế ảo VR và công nghệ thực tế tăng cường AR.. cho độc giả thêm nhiều trải nghiệm mới thú vị khi theo dõi tin tức trên trang web hoặc qua các ứng dụng di động.
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra xoay quanh các công nghệ A.I (trí tuệ nhân tạo), Big Data (Dữ liệu lớn), Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa), IoT (Internet of things – vạn vật kết nối)… Các công nghệ này đều có thể hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí – truyền thông. Tại Việt Nam, nhiều báo điện tử đã ứng dụng công nghệ Big Data và AI trong việc cá nhân hóa nội dung người dùng; ví dụ: bằng cách “học” thói quen của người dùng thì nhiều trang báo điện tử hiện nay (như Zing News, VnExpres) đã có thể biết được sở thích công chúng và hiển thị các nội dung liên quan. Khi người dùng thích đọc tin về thị trường chứng khoán hay bóng đá, họ sẽ thấy những nội dung này liên tục được hiển thị ở vị trí dễ nhìn hơn… Ngoài ra, một số công nghệ tự động hoá như “chat-bot” – trả lời tự động hay “báo nói tự động” cũng đang được các tờ báo như Vietnamplus, Dân Trí, ICT News – Vietnamnet ứng dụng mạnh mẽ.
Các mô hình hội tụ truyền thông & hội tụ công nghệ ra đời giúp cho các loại hình sản phẩm báo chí mới dần khẳng định vị thế trong hoạt động báo chí - truyền thông như: Long-form (bài viết dung lượng lớn), Mega-Story, Data-Journalism (Báo chí dữ liệu), Mobile Journalism (Báo chí di động). Thay vì những bài viết theo kiểu truyền thống với độ dài hàng nghìn từ, các sản phẩm thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện, các video clip livestream… đang được công chúng đón nhận rộng rãi hơn. Vậy đổi mới về công nghệ thực sự mang lại điều gì cho các tờ báo?
“Chiến thắng công nghệ” mang lại điều gì cho báo chí?
Tháng 1 năm 2020, tờ New York Times (Mỹ) thông báo đạt 5 triệu thuê bao trả tiền thường xuyên để đọc báo điện tử. Sau 4 tháng, đến tháng 5/2020, con số này tiếp tục tăng thêm 1 triệu người, lập kỷ lục là tờ báo trực tuyến có lượng người đọc trả tiền lớn nhất thế với 6 triệu thuê bao và mức doanh thu đạt 443,6 triệu đô la Mỹ (khoảng 11.000 tỷ đồng). Trong khi doanh thu từ người đọc trả tiền tăng 5,4% thì doanh thu từ quảng cáo giảm 15,3%. Mục tiêu của tờ báo này là tới năm 2025 sẽ có 10 triệu người dùng đăng ký trả tiền để đọc báo trên trang báo điện tử nytimes.com. Cũng trong xu thế này, tờ Financial Times đã đạt mục tiêu 1 triệu người dùng đăng ký trả tiền ngay trong đầu năm 2020; còn tờ The Guardian (Anh) thì tăng trưởng “dương” trở lại sau nhiều năm thua lỗ, nhờ vào doanh thu đến từ hơn 1 triệu thuê bao người đọc trả tiền trực tuyến liên tục tăng trong 3 năm vừa qua. Khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, thì nguồn thu từ người đọc trực tuyến trở thành một xu hướng kinh doanh bền vững của nhiều tờ báo lớn nhỏ.
Theo ông Jon Slade, Giám đốc kinh doanh của tờ Financial Times (Mỹ) thì “nguồn thu từ người đọc và các công cụ tìm kiếm tạo ra nhiều triển vọng, trong khi nguồn thu từ quảng cáo đang trở thành nỗi lo lắng lớn nhất của mọi tờ báo”. Tháng 12 năm 2019, trong một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters Thompson, Đại học Oxford Vương quốc Anh với 233 người là tổng biên tập, giám đốc điều hành của các tờ báo lớn nhỏ tại 8 quốc gia (Anh, Mỹ, Đức, Tây Ba Nha, Phần Lan, Pháp, Na Uy và Áo) đã cho kết quả như sau: chỉ 14% trong số họ còn tin tưởng vào nguồn thu từ quảng cáo; 35% cho rằng nên kết hợp nguồn thu từ quảng cáo và nguồn thu từ người dùng trả tiền; trong khi đó có tới 50% các tổng biên tập tin rằng: nguồn thu từ người dùng trả tiền là “tương lai của báo chí”.(2)
Biểu đồ khảo sát ý kiến 233 lãnh đạo cơ quan báo chí tại 8 quốc gia về nguồn thu của báo chí trực tuyến năm 2020.
Không chỉ có các tờ báo lớn được hưởng lợi từ xu hướng báo chí trả tiền. Các tờ báo nhỏ hơn trên khắp thế giới cũng đang dần theo đuổi mô hình doanh thu từ người đọc. Một số tờ báo nhỏ như: tờ tin tức điều tra “Follow the Money” (Đi theo đồng tiền) ở Hà Lan; tờ Zetland ở Đan Mạch hay tờ El Mundo ở Tây Ba Nha đều đang chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức báo chí trả tiền, hay còn gọi là hình thức người dùng đăng ký thuê bao hàng tháng để đọc các bài báo, ấn phẩm trực tuyến. Bước đầu tiên trong chiến lược này là việc yêu cầu người dùng tạo tài khoản truy cập miễn phí để tạo thói quen đọc báo qua tài khoản cá nhân; bước tiếp theo sẽ là trả tiền cho những bài báo chất lượng mà họ quan tâm.
Để đạt được thành công, khiến người dùng trả tiền đọc báo và trả tiền đó hàng tháng, thậm chí hàng năm thì ngoài yếu tố nội dung, chất lượng của các bài viết - yếu tố công nghệ, phương tiện truyền tải, hình thức tiếp cận cũng vô cùng quan trọng. Sản phẩm báo chí trực tuyến có những tiêu chí riêng và công nghệ là nền tảng tạo ra những sản phẩm hấp dẫn người đọc. Theo Nick Rockwell, giám đốc công nghệ của tờ New York Times – thì họ không phải là một công ty phần mềm mà vẫn luôn là một tờ báo, nhưng là một tờ báo đặt công nghệ phần mềm vào “phần lõi” của các hoạt động. New York Times cho rằng giá trị cốt lõi của họ nằm ở các sản phẩm kỹ thuật số ứng dụng công nghệ như: trang web và ứng dụng di động. Đó là kênh phân phối sản phẩm báo chí của họ và họ luôn tìm mọi cách để tối ưu hoá trải nghiệm cho người dùng thông qua các sản phẩm. New York Times đầu tư mạnh mẽ vào việc sử dụng công nghệ để “truyền tải nội dung tới đúng đối tượng công chúng, theo cách đúng đắn và hấp dẫn nhất”(3)
Thành công trên nền tảng số như tờ New York Times, Financial Times hay The Guardian đòi hỏi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các tờ báo này đều có một điểm chung là chính sách đầu tư rất nhiều cho công nghệ. Các công nghệ số này hỗ trợ quá trình tác nghiệp của phóng viên cũng như tạo ra các sản phẩm tiếp cận và làm hài lòng đông đảo công chúng. Thành công về mặt công nghệ đã phần nào đem đến thành công về cả doanh thu lẫn hình ảnh đổi mới sáng tạo của tờ báo trong mắt công chúng.
Lời kết
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn “Báo chí & Công nghệ” năm 2019 đã từng nhấn mạnh: “Báo chí mang trong mình sứ mạng là làm cho xã hội tốt đẹp hơn và luôn hành động vì lợi ích cộng đồng. Trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động mạnh, đặt báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển thì công nghệ số đóng vai trò thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn”.
Trong cuộc đua công nghệ số, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, điều cốt lõi có lẽ không phải là chạy theo những công nghệ mới nhất mà là việc chọn lựa những công nghệ phù hợp nhất; có chính sách sử dụng công nghệ đó để hướng tới tôn chỉ mục đích là phục vụ công chúng tốt hơn. Cuộc đua chỉ mang lại giá trị nếu khi về đích - các tờ báo có được lượng độc giả, công chúng ổn định, trở thành một thương hiệu mạnh, có được doanh thu đảm bảo hoạt động lâu dài. Mặt khác, nếu không ứng dụng công nghệ để đổi mới các quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí phục vụ công chúng số, thì chắc chắn các tờ báo sẽ thất bại ngay ở vạch xuất phát./.
Nguyễn Đồng Anh
NCS Báo chí, Học viện Ngoại giao
Chú thích:
(1) Theo The Guardian (UK), Microsoft sacks journalists to replace them with robots, 30/5/2020
(2) Theo Nic Newman, Journalism, Media and Technology Trends and Predictions 2020, Reuters Institute, University of Oxford
(3) WNIO, NYT’s chief technology officer on how the newspaper harnesses technology to innovate, What’s New in Publishing, 2019.