Vừa qua, Cơ quan công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một phụ nữ (sinh năm 1982) trú tại khu đô thị Kỳ Bá, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình và bốn đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Thông tin ban đầu được xác định người phụ nữ này đã thuê người hành hung anh V.V.P cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình do anh P. có đơn tố cáo ông Đặng Xuân Hậu (chồng người phụ nữ), nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong về việc ông này cùng một số cán bộ, lãnh đạo phường trục lợi chính sách an sinh xã hội năm 2018, nhưng tới nay lại được tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025. Sau đó, cơ quan chức năng của Thái Bình vào cuộc theo nội dung đơn thư tố cáo thì ông Hậu bị kỷ luật cách chức chức vụ Chủ tịch UBND phường.
Tới ngày 18/6, Thành ủy Thái Bình đã làm việc với anh P. Chiều cùng ngày, anh P bị hành hung gây hậu quả chấn thương vùng mặt, bất tỉnh.
Sau khi bị 2 đối tượng lạ mặt đánh bất tỉnh, anh P phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: Intenet
Tới đây, vụ việc chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng của Thái Bình xử lý nghiêm. Song, nhìn nhận từ vụ việc xảy ra nêu trên, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chia sẻ, việc NTC bị trả thù, trù dập rất dễ xảy ra, đặc biệt người bị tố cáo (NBTC) lại là những người có chức vụ, quyền hạn, đây là nhóm người có nhiều vị thế, cơ hội cũng như điều kiện để thực hiện hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, ở vụ việc này là người nhà của NBTC đứng dậy trả thù bằng cách thuê “xã hội đen” thì khá nhức nhối và nghiêm trọng. Bởi vì, việc thuê “xã hội đen” thường liên quan tới vấn đề hình sự, người ta có thể trả thù, trù dập bằng cách khác như NTC làm cho NBTC thiệt hại về công việc, thiệt hại về thu nhập là hay xảy ra nhất, ít nhiều không nghiêm trọng như cách người phụ nữ trên thuê “xã hội đen” ở vụ việc xảy ra vừa rồi. Đây là vụ việc trước tới giờ ít khi xảy ra.
Những người có chức vụ, quyền hạn thường là những người có kiến thức, họ hiểu rõ việc thuê “xã hội đen” là việc rất dễ bị điều tra, phát hiện, như vậy thì trách nhiệm của họ rất lớn. Ở vụ việc này, không phải bản thân NBTC đứng ra thực hiện mà là vợ của NBTC thực hiện, đứng ra trả thù, chứng tỏ đây là hành vi rất manh động và thiếu suy nghĩ và là vụ việc có tính chất phức tạp.
Ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh, việc tố cáo mà dùng biện pháp đánh đập, gây thương tích là liên quan tới vấn đề hình sự, kể cả động cơ, mục đích của sự việc không rõ ràng, khi chủ mưu trong việc tổ chức đánh người thì cũng bị xử lý. Có thể nhận thấy, người phụ nữ và các đối tượng tham gia hành hung trên có dấu hiệu rất rõ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tố cáo của công dân, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ.
Theo ông Minh, nếu hành vi của người phụ nữ trên và các đối tượng khác gây thiệt hại về sức khỏe cho anh P. từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp được quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 – Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 thì các đối tượng liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Còn nếu kết quả giám định thương tích của anh P. có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thuộc các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì sẽ bị khởi tố theo khoản 2 Điều 134 với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đang chia sẻ với phóng viên. Ảnh: L.A
Theo chuyên gia pháp chế, từ vụ việc này cho thấy, việc bảo vệ NTC, đặc biệt là tố cáo những người có chức vụ, quyền hạn và tố cáo những hành vi tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp vì các mánh lới, hình thức trả thù rất đa dạng đối với NBTC. Đây là trách nhiệm của rất nhiều cơ quan liên quan. Ví dụ, trong việc vừa rồi ở Thái Bình liên quan tới cơ quan công an; nhưng ở vụ việc khác mà liên quan tới việc làm thì sẽ liên quan tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; nếu người đó là cán bộ, công chức thì lại liên quan tới ngành Nội vụ; hoặc nếu bảo vệ vấn đề thông tin thì lại trách nhiệm của cơ quan thanh tra… Mặc dù pháp luật có quy định rất cụ thể về việc bảo vệ NTC, tuy nhiên, từ phía nào, xảy ra khi nào, từ đâu thì không ai có thể xác định được. Chỉ khi nào NTC bị đe dọa, lúc đó NTC có căn cứ cho rằng mình bị trả thù bằng cách này, cách khác thì NTC có thể làm đơn đề nghị các cơ quan thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Thực tế cho thấy, việc tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng đôi khi NTC không am hiểu pháp luật dẫn đến vấn đề tố cáo không được quan tâm, bản thân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí bị đe dọa, trù dập. NTC rất dũng cảm, người ta phải đối diện với nguy cơ trả thù, trù dập rất lớn nhưng vẫn kiên trì và dũng cảm, chấp nhận cả sự trả thù nghiệt ngã để đấu tranh vì công lý và lẽ phải. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về bảo vệ NTC còn hạn chế, bất cập, nhất là chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ NTC. Từ trước tới nay, Luật cũng đã quy định, trước thì có một vài điều, hiện tại có hẳn một Chương quy định, thậm chí có hẳn Đề án bảo vệ NTC tham nhũng.
“Như vậy, theo tôi, ngoài trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vấn đề này rất cao, còn đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông, động viên, khích lệ từ phía xã hội, đặc biệt về mặt tinh thần. Nếu không làm được điều này, mọi người sẽ rất thờ ơ với các hành vi vi phạm, chúng ta sẽ bỏ lỡ mất một nguồn thông tin rất lớn, rất quý để giúp phát hiện ra hành vi vi phạm để xử lý kịp thời”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan tổ chức cá nhân (khoản 1 Điều 30), nghiêm cấm việc trả thù NTC hoặc lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (khoản 3 - Điều 30 - Hiến pháp năm 2013).
Mặt khác, Luật Tố cáo năm 2018 đã dành hẳn Chương VI, gồm 12 điều quy định cụ thể việc bảo vệ NTC nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm bảo vệ NTC là trách nhiệm của Nhà nước, thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo Luật Tố cáo năm 2018, phạm vi bảo vệ, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin của NTC (trừ trường hợp NTC tự tiết lộ); bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
|
Lan Anh