Các giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Thứ hai, 26/07/2021 14:21
Theo nhận định của World bank, một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế số cần bốn trụ cột chính là: Giáo dục quốc dân; Phát minh sáng chế; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; Hệ thống thể chế các chính sách kinh tế.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet Việt Nam là 17,7 triệu người, đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của Tập đoàn Miniwatts Marketing (tính đến 10/2020), Việt Nam xếp thứ 13 trong tốp 20 quốc gia có dân số sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Trong hệ sinh thái số, có ba thị trường nổi bật là viễn thông, Công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã phát triển vượt bậc và đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội. Thương mại điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện ở mức 5,2 tỷ USD. Theo nhận định của WBI, một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế số cần bốn trụ cột chính là: (1) Giáo dục quốc dân; (2) Phát minh sáng chế; (3) Cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông; (4) Hệ thống thể chế các chính sách kinh tế.

Trụ cột thứ nhất: Phát triển nền giáo dục quốc dân

Trong nền kinh tế số thì cái quan trọng nhất, quyết định nhất chính là yếu tố con người được đào tạo và có kỹ năng. Những con người đó chỉ có thể là sản phẩm của một nền giáo dục chuẩn mực và có chất lượng cao. Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng đến giáo dục, coi giáo dục và quốc sách. Đầu tư cho giáo dục từ ngân sách quốc gia cũng không ngừng tăng lên qua các năm. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn có một khoảng cách. Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng của Việt Nam chỉ đạt 16% so với mức trung bình là 38% của EAP. Tổ chức Global Education Digest 2012 đã đưa ra các số liệu về kỳ vọng đời sống học đường đại học, tức là số năm học trung bình mà một thanh niên trong độ tuổi 17 có thể hy vọng theo học trong trường đại học trước khi bước vào cuộc đời lao động. Trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2004, kỳ vọng đời sống học đường đại học trên thế giới đã tăng từ 0,9 năm lên 1,0 năm; Thái Lan từ 1,6 năm lên 2,1 năm trong khi Việt Nam chỉ số này vẫn giữ nguyên 0,5 năm.

Trong kinh tế học hiện đại, giáo dục cùng với tập hợp các yếu tố trên đây tạo nên một khái niệm, được gọi là năng suất yếu tố tổng hợp TFP (Total Factor Productivity). Bảng sau đây cho biết TFP của một số nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam:

Stt

Tên nước

Chỉ số TFP

1

Indonesia

43%

2

Philipine

41%

3

Thái Lan

35%

4

Việt Nam

20%

Ở Việt Nam, tiềm ẩn đẳng sau những tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng là những dấu hiệu đáng suy nghĩ về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp của TFP chỉ còn khoảng 20% vào thời điểm năm 2010 trong khi chỉ số này ở các nước trong khu vực là tương đối cao (35% ở Thái Lan, 41% ở Philipine, 43% ở Indonesia).

Như vậy, một giải pháp rất cấp thiết mà Việt Nam cần phải làm nga là giải quyết tốt bài toán về phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thì Việt Nam rất cần một đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản và định hướng nghề nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đây là vấn đề còn thiếu trong chương trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đồ họa minh họa về kinh tế số. Ảnh:Vtv.vn

Trụ cột thứ hai: Đẩy nhanh các phát minh sáng chế, các công bố quốc tế

Trước năm 2010, số lượng các bằng phát minh sáng chế, các công bố quốc tế của Việt Nam được công bố trên các tạp chí chuyên môn có uy tín trên thế giới vẫn ở mức rất khiêm tốn so với lượng người làm công tác khoa học và công nghệ.

Hiện nay số lượng bằng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam, các công bố quốc tế đã tăng lên 62% so với giai đoạn 2006-2010.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố ISI của Việt Nam năm 2019 đạt 7.705, tăng gần 1,3 lần so với năm 2018 (5.927 công bố). Theo thống kê của Scopus, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ước đạt 11.461 công bố, tăng 1,3 lần so với năm 2018 (8.759 công bố). Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ số mới sáng tạo 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

Mặc dù có sự phát triển về số lượng các phát minh sáng chế, nhưng số lượng chủ trì của các tổ chức, cá nhân Việt Nam còn ít, chỉ chiếm khoảng 20%, còn chủ yếu vẫn là hợp tác nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Anh. Như vậy, việc phát triển các phát minh sáng chế, các công bố quốc tế có chỉ số ISI và Scopus một cách trung thực nhằm tạo ra nội lực khoa học thực chất của các trường đại học và các viện nghiên cứu, có khả năng giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước chứ không phải chỉ là để chạy theo các bảng xếp hạng của nước ngoài, là một giải pháp cơ bản để phát triển trụ cột thứ hai trong nền kinh tế số Việt Nam.

Trụ cột thứ ba: Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT và Truyền thông

Đây là trụ cột mà Việt Nam có những tiến bộ nổi bật hơn cả. Hiện nay, cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet của Việt Nam được đánh giá cũng như dịch vụ trên nền tảng Internet trong khu vực Đông Nam Á, hiện nay Việt Nam chỉ kèm Singapore và Malaysia. Thậm chí nhiều mặt còn hơn Thái Lan và Indonesia. Trong chiến lược phát triển CNTT và Truyền thông của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực ASEAN về xã hội thông tin và phát triển các ứng dụng của CNTT và Truyền thông.

Để có một cái nhìn tổng thể về sự phát triển của CNTT và Truyền thông Việt Nam, chúng ta hãy xem xét các chỉ số đánh giá của thế giới. Trong mấy năm gần đây, các tổ chức quốc tế như International Telecommunication Union, World Bank, World Economic Forum, UNDP, UNCTA đã đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của nền kinh tế tri thức của mỗi quốc gia. Các chỉ tiêu đó là: Chỉ số kinh tế số DE; Chỉ số tri thức KI (95/132 nước xếp hạng); Chỉ số cơ hội CNTT ITC-OI (111/183 nước xếp hạng); Chỉ số cơ hội số DOI (126/181 nước xếp hạng); Chỉ số sẵn sàng kết nối NRI (85/148 nước xp hạng) và Chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử ERI (65/69 nước xếp hạng)...

Số liệu thống kê trên cho thấy, mặc dù tốc độ phát triển CNTT và Truyền thông Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số nhưng do điểm xuất phát rất thấp nên vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới vẫn còn ở mức trung bình. Vì thế, một giải pháp cần thiết là tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT, phát triển các nội dung số trên nền tảng mạng Internet, phát triển các ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử.

Trụ cột thứ tư: Hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách kinh tế

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề hoàn thiện hệ thống các thể chế chính sách kinh tế nhằm nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, của các Bộ ngành và địa phương. Đề án cải cách hành chính đang được triển khai rộng rãi và được xác định là một khâu đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống quản lý của quốc gia.

Giải pháp trong lĩnh vực này trước hết và căn bản nhất là phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý (thể chế, chính sách, luật pháp, bộ máy). Nói theo thuật ngữ thông tin, đây chính là phần mềm hệ thống để vận hành xã hội một cách trơ tru và hiệu quả nhất.

Thực tế đã chứng minh rằng người Việt Nam có thể nắm bắt và làm chủ nhanh chóng các tri thức mới và các công nghệ hiện đại. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam thuộc nhóm trung bình của thế giới. Việc tiến hành cải cách quản lý, xây dựng một môi trường kinh tế xã hội lành mạnh là nền tảng để khuyến khích mọi sáng kiến cá nhân, phát huy mọi tài năng sáng tạo, đồng thời, cũng là tiền đề để hạn chế và loại trừ dần những yếu tố tiêu cực đang lan tràn trong xã hội hiện nay.

Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình lập chính sách, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật. Đó là những người luôn luôn tâm niệm rằng được phục vụ trong guồng máy nhà nước là một trách nhiệm công dân cao cả chứ không phải chỉ là một cơ hội để mưu sinh hoặc để làm giàu cho bản thân và gia đình mình.

Trong khung cảnh của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, nền kinh tế thế giới đã có những biến động to lớn, theo chiều hướng chuyển mạnh sang nền kinh tế số. Khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Đó là một thách thức nghiệt ngã đối với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Phát triển nền giáo dục quốc gia, đẩy mạnh các phát minh sáng chế và các công bố quốc tế một cách thực chất, tiếp tục phát triển và ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, hoàn thiện các thể chế kinh tế và hệ thống quản lý, đó là các giải pháp phát triển nền kinh tế số của chúng ta trong khung cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa./.

PGS.TS Hàn Viết Thuận

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra