Mới đây, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương mở các điểm bán hàng mới như: Điểm bán hàng tạm thời, điểm bán hàng dã chiến... để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội.
Phương án các điểm bán hàng lưu động, bán hàng dã chiến được tính đến. Ảnh: O.H
Các địa phương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động. Đồng thời, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân nếu trong trường hợp có các khu vực bị cách ly.
Các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến này sẽ được các doanh nghiệp tại địa phương phân phối tổ chức thực hiện. Và các Sở Công Thương có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với doanh nghiệp triển khai. Làm sao bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh (như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng…) hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.
Rau xanh là mặt hàng thiết yếu sẽ được tổ chức phân phối hợp lý đến tay người tiêu dùng trong diễn biến dịch bệnh phức tạp. Ảnh: O.H
Theo Vụ Thị trường trong nước, cơ quan này đã yêu cầu các Sở Công Thương hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, hoạt động hướng dẫn cho các Sở Công Thương tại các địa phương triển khai bán hàng lưu động, bán hàng dã chiến là rất hợp lý và kịp thời. Song điều quan trọng hơn là làm sao các mặt hàng thiết yếu khi đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý và thậm chí cả thái độ của những người bán hàng, phân phối hàng hóa. Bởi thực tế hoạt động tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu thời điểm giãn cách xã hội có nhu cầu tăng lên, tức là số tiền trong giỏ hàng nhiều hơn, tần suất mua hàng giảm đi. Do vậy rất cần giá cả, chủng loại, chất lượng hợp lý. Trong trường hợp phát sinh tình huống xấu hơn, ngành Công Thương cần có phương án phục vụ hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng theo từng khu vực bị cách ly.
Như vậy, việc Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương yêu cầu mở thêm các điểm bán hàng tạm thời, dã chiến... để bảo đảm nguồn cung, bảo đảm giãn cách xã hội là rất kịp thời. Hoạt động này đã cụ thể hóa Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Oanh Hữu