Cải tiến sản phẩm dệt may từ thị trường nội địa đến xuất khẩu

Thứ sáu, 27/03/2020 10:14
(ThanhtraVietNam) - Sau rất nhiều chờ đợi và vận động xúc tiến đàm phán, Việt Nam cũng đã ký được Hiệp định thương mại tự do với các nước trong khối EU (EVFTA), mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta nhất là sản phẩm dệt may sang các nước châu Âu, khi từ nhiều năm nay xuất khẩu dệt may của Việt Nam luôn thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Ngay 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt gần 20 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thì nhiều cơ hội mới từ EVFTA sẽ mở ra cho dệt may Việt Nam. Trước hết là trong vòng 7 năm, mức thuế hiện hành 15% sẽ được xóa bỏ dần về 0%.

Lợi thế thứ hai là với nhiều hiệp định thương mại khác như hiệp định xuyên Thái Bình Dương CPTPP thì quy tắc xuất xứ từ sợi là một thách thức lớn đối với hàng dệt may Việt Nam, vì lâu nay nguyên liệu làm ra sản phẩm dệt may chúng ta đều phải nhập từ các nước khác. Với EVFTA, quy tắc xuất xứ chỉ áp dụng từ vải, có nghĩa là hàng dệt may xuất khẩu sang EU chỉ cần đáp ứng điều kiện là hàng dệt may ấy sản xuất tại Việt Nam, hoặc chấp nhận nguyên tắc cộng gộp xuất xứ.

Theo ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, EVFTA mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rộng lớn vì nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của EU lớn nhất thế giới, khoảng trên 250 tỷ USD, gấp hơn 22 lần Hoa Kỳ. Đây là thị trường rất lớn với 500 triệu dân, chiếm 26% GDP và 20% thương mại toàn cầu. EVFTA có yêu cầu xuất xứ từ vải sẽ tạo ra lực hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản xuất các lĩnh vực trong ngành dệt may mà Việt Nam còn yếu. Đây là cơ hội rất lớn để giải quyết điểm nghẽn của ngành dệt may, tuy nhiên, cũng theo cán bộ quản lý kinh tế và chuyên gia kinh tế, EVFTA không phải chỉ tạo ra thuận lợi mà còn đòi hỏi những cải cách của Việt Nam cho ngành dệt may như phải nội luật hóa những quy định tại hiệp định đã ký trên, qua đó, doanh nghiệp dệt may được hưởng thuận lợi hóa thương mại và tất cả những vấn đề về hành chính, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến tháo gỡ những rào cản. Thị trường châu Âu từ lâu nay vốn quen thuộc, nếu không muốn nói là chủ yếu với ngành dệt may Việt Nam, nay có thêm EVFTA càng tạo điều kiện để ngành dệt may Việt Nam phát huy những ưu thế và thói quen kinh doanh cũng như quan hệ với các khách hàng sẵn có.

Mặt khác, khó khăn, thách thức mới là EVFTA là thị trường khó tính và đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao nhất là yêu cầu về vấn đề an toàn sản phẩm, vệ sinh môi trường lao động. Các doanh nghiệp châu Âu phần nhiều là khó tính, thường yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt chuẩn mới đặt hàng, do đó, các doanh nghiệp của ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể xuất hàng sang Châu Âu. Để cạnh tranh, thắng các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tự đổi mới về mọi mặt như công nghệ quản trị chất lượng. Năng lực cung cấp hàng hấp dẫn cả về số lượng, chất lượng lẫn giá cả cho khách là một khó khăn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ngành dệt may Việt Nam cần thực hiện tốt cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng hàng hóa, gia tăng kịp thời việc làm ra đủ số lượng và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, nên phải tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ thông minh, thay thế đồng loạt trong các khâu vận hành mà dệt may của ta lâu nay chủ yếu là lao động chân tay nên đồng nghĩa với việc phải cho nghỉ một lượng lớn lao động. Mặc dù vậy thì ngành dệt may Việt Nam vẫn cần phải theo công nghệ mới, nếu áp dụng 4.0 sẽ là một chuỗi quy trình có thể sản xuất độc lập toàn bộ theo tự động hóa hay bán tự động hóa. Hệ thống này sẽ cung cấp thông tin cho người vận hành quản lý một cách dễ dàng. Ngành dệt may Việt Nam đến nay vẫn yếu, các nhà sản xuất chủ yếu cạnh tranh về giá cả nhưng lại yếu về đầu tư công nghệ cao, do đó năng suất thấp khó có khả năng đạt đến trình độ sản xuất quy mô lớn để hạ giá thành sản phẩm.

leftcenterrightdel
Cải tiến sản phẩm dệt may cả bán nội địa và xuất khẩu  (Ảnh: Internet)

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, như mọi ngành nghề khác, ngành dệt may cần tìm lợi thế khi kết hợp thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương khác như EVFTA với hiệp ước CPTPP, hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (ERCEP). Sau 6 năm đàm phán, dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2020 tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có dệt may, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới. Tham gia hiệp định ERCEP này gồm 16 nước, trong đó có 10 quốc gia ASEAN và 6 quốc gia đối tác mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do. Hiệp định sẽ mở rộng cửa thị trường hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm các rào cản. Nếu ERCEP được ký kết sẽ tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại. Đây là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay, sẽ có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ vì nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhưng sẽ không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm, sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để thực hiện tốt các hiệp định thương mại với thế giới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần xây dựng nhanh mạnh thương hiệu quốc gia. Để xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa dịch vụ với chất lượng cao, Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2019 đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến 2030, nêu rõ yêu cầu thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp Việt về thương hiệu Việt. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam phải đạt mức tăng cao hơn mức bình quân cả nước, góp phần giúp giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng bình quân 20% mỗi năm theo thống kê đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Thương hiệu cho hàng Việt Nam là vấn đề mà Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành địa phương thực hiện trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, thông tin quảng bá sản phẩm hàng hóa, đi liền với xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu đi liền với phát triển thị trường nội địa, đưa hàng hóa đến người tiêu dùng trên cả nước kịp sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng mà việc mở rộng hội nhập kinh tế với khu vực và toàn cầu thì không còn cảnh ngành dệt may Việt Nam một mình một chợ mà phải cạnh tranh ngay trên sân nhà với hàng hóa dệt may nhập khẩu thường là có chất lượng cao và đẹp về mẫu mã, giá bán lại không cao. Vì thế các doanh nghiệp dệt may cần phải theo kịp với khuynh hướng tiêu dùng mới của người Việt.

Người tiêu dùng hiện nay ngoài việc quan tâm tới giá cả còn quan tâm tới chất lượng và thương hiệu. Xu hướng tiêu dùng đang hình thành theo các thế hệ. Thế hệ trẻ ngoài sự thích hàng đẹp còn muốn tiện lợi tối đa trong mua sắm. Cũng như các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng đến khuynh hướng tiêu dùng mới của người mua hàng. Thực tế là khách hàng ngày nay thường chọn mua hàng theo thương hiệu, qua quảng cáo và cách thức bán hàng. Thị trường hàng may mặc trong nước phải đi liền với sự thay đổi cách thức bán lẻ, các chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và bán hàng dệt may cần nắm bắt xu hướng thị trường để làm vừa lòng khách hàng. Trải nghiệm khách hàng là yếu tố quyết định thành công trong bán lẻ hiện nay, xu hướng khách hàng đã không dừng ở sự hài lòng về sản phẩm mà còn qua trải nghiệm về không gian cửa hàng, dịch vụ hỗ trợ và đánh giá thương hiệu.

Một cái khó nữa của ngành dệt may là khai thác nguyên liệu nhiều năm qua chủ yếu từ Trung Quốc, với những khó khăn mới, không còn thuận lợi như xưa từ nguồn nguyên liệu này, nên cần tận dụng những điểm mở trong các hiệp định thương mại với các nước về giải quyết xuất xứ hàng hóa, tránh được khó khăn từ đầu với nguyên liệu làm hàng dệt may. Từ nhiều năm nay ngành dệt may đã được đánh giá là luôn giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam cả về sản phẩm làm ra, lẫn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động, gia tăng nguồn thu nội địa và kim ngạch xuất khẩu, nhưng nhiều khi vẫn còn bị đánh giá là chủ yếu chỉ làm hàng gia công cho EU. Thì nay với một hiệp định thương mại mới phong phú, đa dạng với EU, ngành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội mới và rộng lớn hơn để phát triển hàng xuất khẩu sang EU, cũng như qua làm ăn với các doanh nghiệp châu Âu mà học thêm cách nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn của hàng dệt may bán trong nước, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa từ nhiều năm nay vẫn luôn bán rộng rãi hấp dẫn nhiều người mua nhất là lớp trẻ các loại hàng dệt may của các nước Âu Mỹ bán ngay trên thị trường Việt Nam./.

                                                                                                 Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra