Cần chặn đứng “virus” tin giả trên mạng xã hội

Thứ ba, 10/03/2020 10:06
(ThanhtraVietNam) – Tình trạng đưa thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng, chia sẻ những nguồn thông tin bịa đặt...trên mạng xã hội thời gian qua, đặc biệt là các thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID – 19 gây hoang mang dư luận không khác gì một loại “virus” trên không gian mạng. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xử lý nghiêm.

“Virus” tin giả hoành hành trên mạng xã hội

Ngày 18/02/2020, tài khoản Facebook cá nhân "Cuc Huong Cuc" có đăng tải nội dung thông tin "Phổ Yên Thái Nguyên có người mắc bệnh rồi ạ MN (mọi người) đi làm CTY nhớ đeo khẩu trang nh (nhé)". Ngay sau đó, Thanh tra Sở TT&TT Thái Nguyên vào cuộc, xác minh người đưa thông tin là phụ nữ trú tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngay sau đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng được đưa ra đối với người đã thông tin sai sự thật liên quan tới dịch bệnh COVID-19.         

Tương tự, do đăng thông tin sai sự thật liên quan đến COVID-19 (“Corona về Hà Tĩnh” cuối tháng 2/2020, ông Nguyễn Huy Long, Trú tại Phường Hà Huy Tập - Thành phố Hà Tĩnh cũng đã bị Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 51/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính với mức 10 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Một trường hợp đăng tin giả được Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh phát hiện, xử lý. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Tĩnh

Trong khi đó, thống kê từ 31/01/2020 đến nay, Sở TT&TT Cao Bằng phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xử lý 4 cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng gây hoang mang dư luận liên quan đến dịch COVID-19. Trong 04 cá nhân trên thì 03 người đã bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng, còn lại 01 cá nhân là viên chức đã được cơ quan có thẩm quyền quản lý xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Viên chức 2010.

Mới đây nhất, tin giả lại xuất hiện nhiều lần liên quan tới bệnh nhân dương tính với COVID-19 thứ 17 về lịch trình đi lại, tham gia sự kiện đông người, thậm chí có tin giả về thành viên Ban chỉ đạo dịch bệnh COVID-19 nhận định dịch bệnh sẽ bùng phát trong thời gian ngắn...Đây là những thông tin ngay lập tức được các cơ quan chức năng khẳng định là giả mạo và đề nghị xử lý nghiêm. Song, các loại tin giả này lại được vô tình hoặc hữu ý của không ít tài khoản mạng xã hội cá nhân chia sẻ, lan truyền nó như một loại “virus” được phát tán trên không gian mạng, gây ra những hậu quả hết sức khôn lường. Đáng nói, không chỉ người dân bình thường, viên chức mà việc đưa thông tin nóng vội về dịch bệnh, thông tin sai, hoặc thông tin chưa được kiểm chứng còn xảy ra với cả những ca sĩ, diễn viên điện ảnh những người có tầm ảnh hưởng, có lượng fan hâm mộ theo dõi lớn. Do đó, hậu quả nếu không lường trước sẽ rất nặng nề.

Tin giả sẽ bị xử lý nghiêm

Trên thực tế, hành lang pháp lý liên quan đến việc đăng thông tin trên môi trường mạng xã hội, không gian mạng, hoặc các trang thông tin điện tử...đã có đầy đủ. Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng, tại Điều 5 đã quy định rất rõ các hành vi bị cấm, trong đó cấm: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bên cạnh đó, tại Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp (Nghị định 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện) cũng quy định: 1.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật; Không xây dựng quy trình quản lý thông tin công cộng; Không lưu trữ thông tin tổng hợp tối thiểu 90 ngày kể từ thời điểm được đăng trên trang thông tin điện tử tổng hợp; Vi phạm một trong các quy định về quản lý thông tin điện tử trên mạng đối với các trang thông tin điện tử không phải xin giấy phép”. Đồng thời, “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước”.

leftcenterrightdel
 Luật An ninh mạng sau hơn 1 năm có hiệu lực đã có nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Ảnh: Internet

Thực tế, Luật An ninh mạng cũng quy định rất rõ tại điểm d, Điều 8: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Những trường hợp có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4) được đánh giá là có quy định rõ hơn, mạnh mẽ hơn và phạt nặng hơn so với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây. Nghị định này khi có hiệu lực cùng với Luật An ninh mạng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, đủ mạnh để chặn đứng “virus” tin giả.

Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triệu tập các đối tượng, buộc gỡ các thông tin sai, cam kết không tái phạm. Đồng thời, căn cứ vào quy định pháp luật để xử phạt những trường hợp nghiêm trọng. Nếu sau khi bị xử lý hành chính vì tung tin giả mà tái phạm và có đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lập "Tổ công tác đường dây nóng", để tiếp nhận, xử lý thông tin qua các kênh điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội do Phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đảm nhiệm. Cùng với đó, các giải pháp công nghệ cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra để chủ động phát hiện và loại bỏ “virus” tin giả. Đối với mỗi người dân, đừng để đến lúc cơ quan chức năng phải nhắc nhở, xử lý mà cần tỉnh táo, tìm kiếm thông tin trên các nguồn chính thống để “virus” tin giả “hết đất” lan truyền.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra