Cần có chế tài xử lý mạnh hơn trong trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Thứ tư, 19/05/2021 14:38
(ThanhtraVietNam) – Những năm gần đây, cùng với việc số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) có xu hướng gia tăng thì số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cũng tăng theo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có không ít người lao động (NLĐ) cố tình vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trục lợi tiền TCTN. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn có những hạn chế nhất định và việc xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng có ý định trục lợi quỹ này.

BHTN đã và đang có ý nghĩa quan trọng đối với NLĐ, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc bị mất việc làm. Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ sẽ được hưởng TCTN hằng tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHTN. Đồng thời, NLĐ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế cho thấy, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN có xu hướng gia tăng. Tại Thủ đô Hà Nội, con số này tăng dần đều qua các năm. Cụ thể, năm 2020 có 93.316 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN (tăng 19,89% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 42,82% so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả, năm 2020 có 81.304 hồ sơ được duyệt hưởng TCTN (tăng 18,36% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 40,80% so với cùng kỳ năm 2018). Riêng Quý I/2021, số người nộp hồ sơ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là 12.612 hồ sơ; theo đó có 13.536 người có quyết định hưởng TCTN.

Đặc biệt, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của NLĐ. Nhiều người bị mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh. Chính vì vậy, số NLĐ đề nghị hưởng TCTN tăng cao. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, riêng trong tháng 3/2021 có tổng số 41.997 người được giải quyết hưởng mới BHTN, luỹ kế đến hết tháng 3/2021 con số này là 124.134 người, tăng 23,83% so với cùng kỳ năm 2020.

leftcenterrightdel
 Người dân tại Hà Nội chờ làm thủ tục trợ cấp BHXH khi chưa có dịch Covid-19. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Đáng nói, trong số NLĐ hưởng TCTN đã có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng. Nếu không có những biện pháp mạnh tay để xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi, thì nguy cơ mất cân đối quỹ BHTN sẽ xảy ra.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, có nguyên nhân từ cả phía NLĐ cũng như người sử dụng lao động. Cụ thể, NLĐ chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về BHTN nói riêng. Hơn nữa, NLĐ nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng bắt đầu tham gia đóng BHXH, BHTN mới bị cắt hưởng TCTN. Do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng lao động, NLĐ vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động.

Mặt khác, NLĐ vi phạm pháp luật về BHTN phần lớn là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự tại các doanh nghiệp này cũng chưa nắm chắc quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho NLĐ, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động. Chẳng hạn, nhiều trường hợp NLĐ thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội là mới vào thử việc tại doanh nghiệp, tuy nhiên trong thời gian thử việc, doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động chính thức bao gồm cả thời gian thử việc, dẫn đến việc NLĐ hưởng sai chế độ BHTN.

Về phía cơ quan BHXH, trong quá trình quản lý dữ liệu thu, chưa rà soát triệt để thông tin cá nhân của NLĐ dẫn đến cấp hai số sổ BHXH. Từ đó, NLĐ có quá trình tham gia đóng BHXH, BHTN bị trùng dẫn đến NLĐ phải thực hiện thu hồi TCTN.

Một trong những biện pháp được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm phòng chống việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHTN là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng lao động với NLĐ, tham gia BHTN cho NLĐ để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội, trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, cơ quan này đã thành lập các Đoàn kiểm tra để kiểm tra, rà soát hồ sơ của NLĐ hưởng BHTN có trùng thời gian vừa hưởng BHTN vừa tham gia BHXH. Qua đó, Sở đã kịp thời ban hành các quyết định thu hồi TCTN đối với các trường hợp hưởng sai chế độ; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 609 cá nhân với số tiền trên 899 triệu đồng. Có thể thấy, với thành phố đông dân thứ 2 của cả nước thì số tiền xử phạt vi phạm hành chính về BHTN trong hơn 1 năm còn “khiêm tốn” so với số lao động trên địa bàn.

Mặc dù, Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hành vi gian lận tiền BHTN sẽ bị truy tố hình sự với mức án cao nhất là 10 năm tù. Nhưng trên thực tế, có rất ít trường hợp bị truy tố, mà chủ yếu chỉ xử phạt hành chính. Xử lý nương nhẹ sẽ làm gia tăng các hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách BHTN; không có tính răn đe phòng ngừa đối với các đối tượng có ý định vi phạm.

Chính vì vậy, cùng với công tác tăng cường thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHTN tới NLĐ, người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác này, xử lý thật nghiêm nếu phát hiện vi phạm./.

Minh Nguyệt

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra