<p>Bởi vì từ bao đời nay việc xếp hạng bốn thứ cây lương thực chủ yếu luôn là: lúa, ngô, khoai, sắn, một sự xếp hạng sắn đứng thứ tư hoàn toàn đúng trong nhiều năm trước vì cây sắn kém về chất lượng nên cũng kém luôn về giá trị hàng hoá. Sắn là loại cây lương thực vừa khó trồng, chỉ thích hợp với đất vườn, đất đồi, vừa ăn không ngon, dễ bị ngộ độc, mau hỏng, đào lên, bóc vỏ ra, củ sắn trắng phau phau, để mấy hôm chưa ăn, bóc vỏ ra, củ sắn đã có các vằn đỏ, đen, dân ta quen gọi là sắn bị chảy máu, nếu ăn sẽ đắng và dễ bị nhiễm độc tố. Củ sắn với bao đời dân nước ta chỉ là thứ để thổi độn với gạo khi nấu cơm song lại có ít gạo, luộc ăn thêm lúc đói cơm, song không ngon, không nhiều chất và dễ ăn, ngon miệng như ngô, như khoai lang, làm thức ăn nuôi lợn thì thua cả khoai nước. Kém ngon, ít chất nên sắn thường giá rẻ, nông dân từng không muốn trồng nhiều sắn vì chiếm mất nhiều diện tích, rất hại màu đất, thu nhập lại không cao Đất vườn trồng rau và cây ăn quả thu nhập đem lại luôn cao hơn rất nhiều so với trồng sắn. Cho nên cây sắn chỉ được trồng nơi đất hoang hoá và trên đồi đất lẫn đá sỏi. </p><p><br /></p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_5/cay_san.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div><div>Mãi đến gần đây cây sắn mới được chú ý đến hơn do công nghiệp thực phẩm phát triển, sắn bước đầu được mua làm nguyên liệu và xuất khẩu phần nào cho các nước sử dụng trong công nghiệp thực phẩm hay công nghiệp chất đốt. Khi giá sắn bắt đầu cao lên thì cũng là lúc tâm lý phong trào đổ xô trồng sắn trong nông dân bốc cao đã khiến cây sắn nhiều nơi nhiều lúc trồng ào ạt để chịu cảnh chung của nông sản nước ta là thoạt đầu đắt, sau rẻ, giá sắn từng có năm đã hạ thê thảm, người trồng sắn không biết bán đâu cho hết sắn, đành không đào củ, hay đào lên rồi để hỏng, đổ đi. Ngay đến dùng sắn làm thức ăn chăn nuôi thì cũng nhiều khi không cạnh tranh nổi với nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã chế biến sẵn, hoặc các thứ làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Đó là chưa nói nhiều cơ sở chế biến sắn đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khiến dân chúng quanh vùng bức xúc tẩy chay cây sắn và sản phẩm công nghiệp từ sắn. Thực tế mấy năm qua cho thấy, tuy cây sắn đã có giá và được trồng nhiều hơn trước, song việc tiêu thụ sắn và giá sắn luôn luôn bất ngờ, thăng thụt, cây sắn không phát triển bền vững. Theo cục Trồng trọt, diện tích trồng sắn cả nước trong giai đoạn 2011-2015 là từ 544,1- 559,8 nghìn ha, năm 2014 là 551,1nghìn ha, riêng Tây Nguyên là 152,2 nghìn ha. Một số vùng trồng sắn đã gắn với các nhà máy chế biến tinh bột, thực phẩm, cồn và xăng ethanol. Nhưng trên tổng thể thì diện tích sắn phát triển chưa theo quy hoạch, kế hoạch, mà phần nhiều còn tự phát, xu thế phong trào, việc liên kết sản xuất tiêu thụ rất lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch không kết hợp được với thu mua chế biến, sắn là thứ dễ hỏng theo thời gian nên chất lượng giảm thấp, ế thừa, lãng phí nhiều. <br></div><div><br></div><div>Mặt mạnh khiến giá sắn lên cao, thay bậc đổi ngôi ngang bằng với các cây lương thực khác là nhờ xuất khẩu được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, năm 2014 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn là 3,388 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,142 tỷ USD, tăng 8,4% về khối lượng và 4,2% giá trị so với năm 2015. 4 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu đạt 2,1 triệu tấn, thu về 626 triệu USD, tăng 60,3% về khối lượng và 45,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Philipin và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu nhiều sắn của Việt Nam để chế biến nguyên liệu. Hiện cả nước có hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng chưa đủ nguyên liệu nên mới phát huy được 60% công suất thiết kế, nếu đủ nguyên liệu thì có thể thực hiện mục tiêu thu từ sắn 2 tỷ USD/năm trong 5 hoặc 10 năm tới mà không cần tăng diện tích, chỉ cần tăng năng suất. Vấn đề đặt ra là phải khắc phục tình trạng hiện nay nông dân ở nhiều nơi không áp dụng quy trình sản xuất sắn một cách chặt chẽ nên làm gia tăng tác hại của sắn như xói mòn đất, xuất khẩu sắn thô chiếm tỷ lệ cao. Cây sắn do thế chưa đem lại thu nhập cao, có lãi, nếu cân đối đầu tư về đất trồng về chi phí phân bón, vật tư và sức lao động bỏ ra. Muốn phát triển sắn đem lại thu nhập có lãi cao, rất cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ canh tác đến tiêu thụ, chế biến sắn, chọn giống tốt, phòng trừ dịch hại, tưới đủ nước, có thể đưa năng suất nên 100 tấn/ha. Nếu làm được như thế thì cây sắn không những là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây trồng chiến lược làm giàu cho nông dân và đất nước. Rất đáng mừng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn chuyển đổi một số diện tích sang trồng sắn, đưa tổng diện tích này lên 550 nghìn ha, song cân đối thích hợp với diện tích cấy lúa và không phá rừng. Bộ cũng hướng dẫn, hỗ trợ để tăng cường liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, như doanh nghiệp cấp giống, phân bón cho vùng sản xuất sắn tập trung, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Việc đầu tư nghiên cứu tạo chọn giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cho tiến hành thường xuyên để chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các vùng quy hoạch trồng sắn. Bộ lưu ý: để gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, các nhà máy cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân theo giá cả hợp lý. Các cơ sở chế biến sắn phải lắp đặt đầy đủ hệ thống làm sạch chất thải, nước thải để không gây ô nhiễm môi trường. </div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>