Chống dịch Covid-19: Trẻ con đập heo đất, cụ già góp “tiền hậu sự”, Giám đốc CDC Hà Nội làm gì?

Thứ bảy, 25/04/2020 20:52
(ThanhtraVietNam) - Những bị can bị khởi tố liên quan tới vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ( gọi tắt là CDC) đều là đảng viên và ít nhiều là những người liên quan tới ngành y tế, là đội ngũ nằm trong tuyến đầu “chiến đấu” với dịch bệnh. Tuy nhiên, vì vụ lợi, các bị can lại thực hiện những hành vi đi trái với đạo lý “tương thân, tương ái” của dân tộc.

Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Quyết định khởi tố bị can; lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với: Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc CDC thành phố Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC; Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông và Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động-xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Phải khẳng định hành vi mà các bị can đã thực hiện là những hành vi liên quan trực tiếp tới hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 của cả xã hội. Do vậy, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi mà các bị can đã thực hiện sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Về hoạt động tố tụng, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law firm cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi phát hiện những dấu hiệu bất bình thường, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để xác minh, sau đó, hoạt động khởi tố vụ án khẩn trương được thực hiện để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng. Đây không những thể hiện tinh thần quyết tâm, kịp thời trấn áp tội phạm mà còn là minh chứng cụ thể cho thái độ quyết tâm của Nhà nước ta trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Điều này chắc chắn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Khi cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu cơ quan công an chỉ khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 222 BLHS đã thực sự chính xác chưa bởi lẽ trong nhóm những bị can bị khởi tố có cả những bị can là người có chức vụ quyền hạn. Các bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Do vậy, cần phải khởi tố về tội danh trong nhóm tội về tham nhũng.

Rõ ràng, sau quá trình vào cuộc xác minh, có thể khẳng định, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các bị can đã thực hiện là liên quan trực tiếp tới hoạt động đấu thầu thiết bị y tế. Do vậy, Luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng việc cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu” là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, cần phải hiểu, khởi tố vụ án mới chỉ là hoạt động ban đầu để mở ra một quy trình tố tụng chứ chưa phải là hoạt động có ý nghĩa kết luận về tội danh mà các bị can thực hiện. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu nhận thấy hành vi khách quan mà các bị can đã thực hiện, tư cách chủ thể của các bị can… cấu thành một tội danh khác liên quan tới chức vụ, quyền hạn như các tội danh về tham nhũng thì khi đó CQĐT sẽ tiến hành thay đổi quyết định khởi tố đối với các bị can.

Theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự hiện hành về “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thì:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”

Cũng theo Luật sư Cường, để có thể khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về đấu thấu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 Điều 222 BLHS thì trước khi khởi tố vụ án phía CQĐT  đã xác minh, làm rõ được thiệt hại mà các đối tượng này gây ra là từ 1 tỷ đồng trở lên. Khi bị khởi tố ở khoản 3 Điều 222 thì bản thân các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên tới 20 năm tù. Đây là khung hình phạt của tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu bị kết án người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid 19 là một đại dịch nguy hiểm, lây lan nhanh trên địa bàn rộng lớn. Dịch bệnh hiện là mối lo hàng đầu của cả thế giới. Do hậu quả của dịch bệnh là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đặc biệt lớn tới sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như nền kinh tế của đất nước, hằng ngày, các cơ quan báo chí, truyền thông đã giành phần lớn thời lượng để đưa tin, tuyên truyền phổ biến để tất cả người dân nâng cao hiểu biết, cùng chung tay với Nhà nước nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Do vậy, bất cứ hành vi nào nào ảnh hưởng tới hoạt động phòng chống dịch bệnh đều đáng bị lên án và phải kịp thời bị xử lý, xử lý nghiêm.

Đáng nói, những bị can bị khởi tố trong vụ việc nêu trên đều là đảng viên và ít nhiều là những người công tác trong lĩnh vực y tế hoặc ít nhiều liên quan tới ngành y tế. Đây là đội ngũ nằm trong tuyến đầu “chiến đấu” với dịch bệnh, do vậy hơn ai hết, các bị can cần phải có ý thức cao trong việc làm tốt các nhiệm vụ của mình để đóng góp vào mục tiêu chung. Tuy nhiên, vì vụ lợi, các bị can lại thực hiện những hành vi làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động phòng chống dịch bệnh chung. Ở góc độ đạo đức xã hội, có thể đánh giá đây là một sự ích kỷ cao độ của nhóm các bị can. Vì lợi ích của bản thân, của nhóm các bị can đã phớt lờ đi sự an toàn của xã hội. Nó đi trái với đạo lý “tương thân, tương ái” hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Trước khi vụ việc xảy ra, ngày 16.4, ngay trong cuộc "Đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, “Chúng tôi đã cảnh báo không cho phép bất kỳ một tiêu cực nào trong bộ máy vận hành cơ chế chính sách. Tôi đã nói rõ điều này khi họp giao ban với 547 xã, phường trên địa bàn Hà Nội. Nếu cán bộ nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm!”.

Sau đó một ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, quan điểm của Thành ủy Hà Nội và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội là những trường hợp vi phạm thì phải được điều tra, xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che. Nếu vi phạm phải xử lý để làm gương cho những người khác. Nếu trong dịch bệnh mà có những hành vi sai trái thì phải xét thêm tình tiết tăng nặng.

Như vậy, với điều kiện, hoàn cảnh phạm tội nêu trên, khi vụ án được đưa ra xét xử, nhiều khả năng các bị can sẽ bị xem xét áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự hiện hành như tình tiết: Phạm tội có tổ chức hay tình tiết Lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội…

Đây quả thực là một bài học hết sức đau lòng dành cho với các bị can và cũng là bài học cảnh tỉnh chung cho những ai còn có ý định lợi dụng dịch bệnh để trục lợi mà quên đi lợi ích và sự an toàn của cả cộng đồng./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra