<p>Trước đó TPA cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Nước ta đã chủ trương và tiến hành đàm phán để gia nhập TPP, nên xem đây là tin mừng. Một khi TPP được chính thức hình thành và nước ta là thành viên, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, lợi thế trong hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung, với các nước tham gia TPP nói riêng, đặc biệt là ưu thế, biệt đãi cho ngành dệt may. Đây là ngành kinh tế quan trọng cả về nội thương lẫn ngoại thương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người, hàng năm thu về một lượng tiền không nhỏ nhờ xuất khẩu hàng may mặc. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam có mức tăng gần 17% và đạt con số 24,5 tỷ USD. Sản phẩm dệt may của ta được xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khả năng xuất khẩu hàng dệt may sẽ tăng mạnh nhờ cơ hội rộng mở khi tham gia TPP vì được loại bỏ hàng rào thuế quan, có những nước, những thứ hàng được hưởng mức thuế quan 0% ngay từ đầu tham gia, miễn thuế sau 10 năm đối với sản phẩm dệt kim và sau 12 năm đối với sản phẩm áo len dệt. TPP cùng như các quan hệ kinh tế, thương mại giữa nhiều nước trên toàn cầu đều rất coi trọng việc sản xuất cũng như giao thương hàng may mặc vì đây là thứ sản phẩm luôn thu hút sức mua cao của người tiêu dùng.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_7/may_viet.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Vốn dĩ con người luôn có hai nhu cầu cơ bản và quan trọng hàng đầu là ăn và mặc, kinh tế càng phát triển, thu nhập càng cao thêm, mức sống cải thiện, nhu cầu, thị hiếu về mặc cũng gia tăng theo. Hồi cố lịch sử, người thượng cổ sau khi thoát khỏi hang động, biết làm ra thức ăn và biết cách dùng lửa nướng, nấu chín thức ăn thì cũng đồng thời tìm cách che thân, ấm người từ vỏ cây, tiến dần lên đến dệt vải, may quần áo. Con đường tơ lụa, Trung Quốc đã thiết lập để đi đến các nước từ rất sớm. Việt Nam bên cạnh trồng lúa, cũng sớm biết trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, hình thành, duy trì và phát triển nghề dệt vải dệt lụa. Tiếng guồng quay tơ, thoi dệt cửi đã là âm thanh gần gũi, sống động đẹp thêm nhiều làng quê, đi vào lời thơ, tiếng hát. Bài thơ Mưa xuân, hay bậc nhất của nhà thơ Nguyễn Bính, được phổ nhạc thành bài hát cũng tuyệt hay, là nói về tâm sự nỗi niềm yêu đương của “ Em là con gái trong khung cửi, Dệt lụa quanh năm với mẹ già, Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa.” Cho đến khi nước ta bắt đầu có máy móc trong sản xuất, thì các nhà máy sợi, nhà máy dệt thuộc hàng có sớm nhất, lớn lao, đông hàng nghìn thợ như nhà máy dệt Nam Định, phát triển sau, nhưng quy mô lớn như nhà máy dệt 8 tháng 3 trên Hà Nội. Sang thời kỳ đổi mới ngành dệt không phát triển bằng nghề may vì nhu cầu hàng may mặc trong nội địa tăng nhanh, gia công cho nước ngoài và xuất khẩu cũng thuận lợi hơn. Thu nhập từ ngành hàng may mặc, nhất là kim ngạch mỗi năm mỗi tăng, song có điểm chưa thực ưng cái bụng, ấy là với thị trường trong nước thì mẫu mã cũ kỹ, ít thay đổi, dần mất thiện cảm người mua, khiến họ đua nhau mua hàng may mặc ngoại nhập, còn xuất khẩu, tiếng là thế, kỳ thực, phần nhiều là may gia công. <br></div><div><br></div><div> Với cả hai thị trường nội, ngoại, ngành dệt may nước ta cùng có một chỗ yếu kém chung, ấy là muốn tiến lên phải tự lực nguyên liệu, song lại thiếu vải do thiếu xơ sợi. Trồng bông còn nhiều hạn chế, nuôi tằm chưa đáp ứng yêu cầu, mặt hàng lụa gần đây đã pha sợi ni lông làm mất đi danh tiếng. Vì vậy ta phải đẩy mạnh trồng bông, nuôi tằm ươm tơ, xây dựng các nhà mấy sợi. Như gần đây ta đã xây dựng nhà máy sợi Đình Vũ, sản phẩm đạt chất lượng tốt, tiếc rằng giá thành cao hơn nhiều giá sợi nhập khẩu, nên khó chào mời các nhà máy dệt, đề nghị tăng thuế nhập khẩu xơ sợi, liền bị phản đối, bởi sản phẩm của nhà máy sợi Đình vũ chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy dệt, họ vẫn phải nhập khẩu sợi với số lượng lớn, thuế tăng, giá đầu vào tăng, họ sẽ hoặc thua lỗ, hoặc bán theo giá thành cao, sẽ ế hàng. Theo Hiệp hội dệt may, ngành Dệt may Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh về năng lực sản xuất, mỗi năm sử dụng 8,2 tỷ mét2 vải, song lại phải nhập khẩu tới 6,5 tỷm2 vì vải sãn xuất nội địa mỗi năm chỉ đạt 1,7 tỷ mét2. Với tốc độ tăng trưởng của ngành Dệt may, nhất là xuất khẩu, từ 24 tỷ USD năm 2014, sau 10 năm lên 40 tỷ, năm 2025 nhu cầu vải cần khoảng 12 tỷ mét vuông, sẽ phải nhập khẩu vải bao nhiêu đây nếu sản xuất trong nước vẫn cứ ỳ ạch, ít ỏi cả sợi lẫn vải?. Những lợi ích do các hiệp định thương mại vừa mở ra cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may trong nước, nhưng cũng sẽ khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Muốn ngành Dệt may trong nước cạnh tranh được với cả hai thị trường trong, ngoài nước, nhà nước phải có chính sách để công nghiệp dệt may phát triển bền vững từ xe sợi, đan dệt, nhuộm in, hoàn thiện vải thời trang. Nhiều công ty dệt may cho biết, họ sẽ tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia tham gia TPP. Chỗ khó là quy định của TPP buộc phải dùng sợi trong các nước thành viên, nhưng ta lại chủ yếu là nhập khẩu sợi, còn các nước khác trong TPP cũng không có thế mạnh về cung cấp sợi. Vì thế Việt Nam buộc phải đầu tư cho ngành sản xuất sợi, nhưng các doanh nghiệp dệt may nội địa lại không đủ tiềm lực, nên đây là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài nhất là những quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực. Tuy nhiên, sản xuất sợi, dệt, nhuộm vải lại dễ gây tác hại xấu đến môi trường nên không thể mở toang cửa cho các dự án dệt nhuộm, thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố đã lắc đầu với các dự án loại này. Được biết, Hiệp hội dệt may và Hiệp hội da giầy đã kiến nghị Chính phủ có chính sách cho hai ngành này có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư vào phát triển cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu như da, dệt, nhuộm in ở từng khu vực, qua sản xuất tập trung sẽ xử lý nước thải tốt hơn so với phân tán, trên cơ sở đó mà giải quyết được một phần nguyên liệu cho ngành Dệt may. </div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>