<p>Ao ước có nhiều máy nông nghiệp tốt, phù hợp là sự tiếp nối mong muốn của nông dân bao đời về sử dụng và cải tiến công cụ lao động, tiến tới có máy móc cho bớt nặng nhọc, vất vả, nhất là sản xuất kịp thời vụ, hạ giá đầu tư cho nông nghiệp, dành công sức cho người lao động nông thôn đi làm thêm các lĩnh vực khác, phát triển ngành nghề, một bộ phận ra làm việc tại các đô thị, đến các khu công nghiệp. Sự yêu cầu cao hơn về số lượng, chất lượng máy nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu của sự phân công lại lao động xã hội, giảm lao động giản đơn, tăng lao động có kỹ thuật sử dụng máy móc. Thoạt nghĩ chi phí cho máy móc sẽ cao, song tính toán kỹ thì rẻ hơn nhiều so với khi phải bỏ nhiều công sức của bản thân, nhất là thuê lao động thô sơ giá đắt lúc khẩn trương thời vụ cấy, gặt, nhất là lại gặp thiên tai bão lụt. Nói đến máy móc cho nghề nông, là phải nói đến việc làm ra chúng. Đáng buồn là cho đến nay ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp như máy cày, kéo, máy gặt đập lúa của ta mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường, chất lượng lại thiếu ổn định và hầu hết máy có công suất nhỏ. Qua lâu rồi cái thời các huyện đều có nhà máy cơ khí quốc doanh, trạm máy cày máy bừa. Các trường đại học cũng không đào tạo về cơ khí nông nghiệp nữa. Máy nông nghiệp ngoại nhập, phần nhiều đều không thích hợp với đất nền yếu. Nhiều đề tài nghiên cứu thuộc chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước và cấp bộ chưa gắn với nhu cầu thực tế về máy nông nghiệp, thiếu tính sáng tạo nên không đi vào sản xuất được. Cơ chế chuyển giao các đề tài khoa học công nghệ còn bất cập, sản xuất thử kéo dài nên chậm đáp ứng yêu cầu. Cả nước hiện có khoảng 100 doanh nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp song phần lớn là quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật kém, thiếu chuyên môn hoá, càng thiếu hợp tác liên kết với giới khoa học công nghệ, rất ít sản phẩm hàng hoá máy nông nghiệp có xuất xứ từ kết quả nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện công nghiệp. Hệ thống chính sách để phát triển ngành cơ khí trong đó có nông nghiệp còn được triển khai ít. Doanh nghiệp làm máy nông nghiệp, nông dân muốn mua máy đều khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Theo chính sách, nông dân mua máy được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng khó vay, giải ngân lại chậm. Tình trạng này dẫn đến chỗ các doanh nghiệp chỉ đi mua thiết bị từ nước ngoài về lắp ráp thành máy nông nghiệp. Lãi suất vay ngân hàng cao khiến cho các doanh nghiệp ngại đầu tư công nghệ mới cho sản xuất máy. Sản xuất máy nông nghiệp đang nằm trong tình cảnh chung của cơ khí hiện nay là thiếu vốn, thiếu lao động, quản lý, công nghiệp hỗ trợ. </p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_6/co_khi_hoa_nong_nghiep.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Tuy nhà nước đã có tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, song khó khăn, thách thức còn vô cùng lớn. Việc thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá còn chậm chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng rõ ràng nên hiệu quả thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém lạc hậu, thiếu tính kết nối dẫn đến chỗ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp còn chậm và kém hiệu quả, việc cung cấp máy móc cho sản xuất lúa màu chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Nhìn chung, công nghiệp nước ta nặng về quy mô, đến lúc này rất cần chú ý đến chất lượng, hiệu quả. Riêng với máy móc nông nghiệp, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tăng trang thiết bị gấp đôi hiện nay cho nông nghiệp. Đến nay trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước mới đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, tới đây phải phấn đấu lên 3,2 HP/ha canh tác. Bộ sẽ giao cho các cơ quan liên quan thành lập tổ rà soát bổ sung hoàn thiện cơ chế, tham mưu cho Chính phủ về chính sách nông nghiệp, trong đó có cơ khí hoá phù hợp, hiệu quả hơn. Bộ cũng sẽ tiếp tục xác định lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại hình máy móc thiết bị phù hợp. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị vào nông nghiệp, áp dụng nhanh cơ giới hoá vào các khâu cày ruộng, cấy trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Bộ cũng đã tổ chức nhiều hội nghị bàn việc đẩy mạnh cơ giới hoá tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.<br></div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>