Công trình xanh: Xu hướng phát triển tất yếu của xã hội

Thứ ba, 27/06/2017 16:06
(ThanhtraVietNam) - Màu xanh lá cây lâu nay vẫn được sử dụng để tượng trưng cho sự sạch sẽ, an toàn của môi trường sống, cũng như mục tiêu cuộc sống của con người ngày nay, như môi trường xanh, nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng xanh, hàng tiêu dùng xanh... Và thời gian gần đây có thêm khái niệm về nhà ở và các công trình xanh.

Trước hết, khái niệm về nhà ở và các công trình xanh được hiểu là các công trình xây dựng có thêm cây xanh. Tuy nhiên, thực tế cách hiểu như vậy chưa đủ để có thể xem là một công trình xanh, công trình xanh là phải xanh ngay từ quy hoạch, chọn địa điểm có môi trường trong lành xây dựng nhà, vật liệu và những cách thức xây dựng, sự tồn tại của công trình đó sao cho ít gây tác hại đến môi trường. Theo định nghĩa của Hội đồng công trình xanh thế giới (WGBC), công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường. Công trình xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.

WGBC cũng đưa ra các tiêu chí chính tạo nên ngôi nhà xanh: Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác; sử dụng năng lượng thay thế; có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế tái sử dụng; đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình; sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững; tính đến yếu tố môi trường chất lượng cuộc sống trong thiết kế thi công, vận hành; thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường.

Ngoài ra, theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua: sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo thống kê, ngành xây dựng, đặc biệt là phát triển xây dựng đô thị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước có thể tiêu thụ tới 70% vật liệu tự nhiên và 40% năng lượng quốc gia, 30% nguồn nước sạch. Trong đó nhà ở chiểm khoảng 70% các công trình xây dựng ở đô thị, chiếm trên 50% thời gian sinh hoạt, sử dụng tiêu hao năng lượng của người dân. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành nhà ở và các công trình xây dựng nói chung theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế xã hội của quốc gia và đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân, theo kịp với xu thế phát triển công trình xanh của thế giới. Trong bối cảnh trên thế giới nhất là các nước văn minh hiện đại thì công trình xanh đã trở nên phố biến không chỉ trong giới hành nghề xây dựng chuyên môn, mà còn cả trong giới đầu tư và các cơ quan nhà nước, cũng như đa số người sử dụng nhà ở, hay các công trình xây dựng khác.

Tại Việt Nam, khái niệm công trình xanh tuy đã xuất hiện từ gần chục năm trở lại đây, song việc vận dụng thì mới ở giai đoạn đầu. Muốn phát triển công trình xanh thì ngay từ quan niệm phải được hiểu một cách sâu sắc. Trước thực tế về tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng nhanh, sự ra tăng nhanh chóng của các tòa nhà cao tầng, công trình bê tông hóa kéo theo tăng hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, theo thống kê của tổ chức Tài chính quốc tế IFC, đến nay, số lượng công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 60 sau gần một thập niên phát động và tiến hành thực thi chủ trương xanh hóa các công trường (từ 2007 tới 2017).

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050, so sánh năm 2015 dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa 38%. Đến năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 50%, do đó công trình xanh phải phát triển nhanh, mạnh là điều vô cùng cấp thiết. Để đạt được điều này, cần thiết phải có sự chung tay của những nhà làm chính sách, doanh nghiệp và cả xã hội. Nếu như không muốn biển nước ta thành nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, phát triển công trình xanh phải trở thành một phong trào tự nguyện và rộng lớn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiển lược quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Xây Dựng đã cụ thể hóa bằng ban hành kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Song, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào cho sát thực, hiệu quả bởi phải thừa nhận rằng phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Hiện nay, đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các công trình nhà ở cao cấp nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có môi trường sống trong lành hơn. Còn với nhà giá thấp, giá trung bình, khu vực tiêu tốn năng lượng nhất thì khả năng chi trả người dân lại thấp, khó áp dụng các tiêu chí, thiết bị của công trình xanh.

Ngày 11/05/2017, Bộ Xây Dựng đã ban hành Quyết đinh 419 QĐ-BXD về kế hoạch hành động của ngành xây dựng đối với tăng trưởng xanh đến năm 2020 định hướng 2030, với các nhiệm vụ cụ thể điều chỉnh kế hoạch đô thị, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng, phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, để thực hiện việc tăng trưởng xanh rất cần sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ vật liệu xanh nhằm đảm bảo môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và sự tham gia phối hợp từ nhiều phía.

Ngoài ra, Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý với Chính phủ và các Bộ ngành trung ương để hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thiết thực, hiệu quả, khoa học để thúc đẩy phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam nhanh, mạnh và bền vững. Hội cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về công trình xanh cho các doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản, động viên các doanh nghiệp và cá nhân có nhiều đóng góp cho công trình xanh, kêu gọi các chủ đầu tư các nhà thiết kế cần trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển công trình xanh, kết hợp lợi ích cá nhân và cộng đồng trong đầu tư xây dựng công trình xanh./.

                                                                                                                    Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra