Đại đoàn kết dân tộc - bài học đắt giá từ hai miền Nam - Bắc Triều Tiên

Thứ bảy, 29/04/2017 20:16
(ThanhtraVietNam) - Năm nay là năm thứ 42 dân tộc ta nô nức chào mừng kỉ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Ngày non sông gấm vóc thu về một mối, chúng ta tự hào đã hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng được xây dựng nên bởi công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân.

Nhìn sang 2 miền Triều Tiên chia cắt hiện nay, chúng ta càng cảm nhận được sâu sắc hơn về giá trị thống nhất đất nước và rút ra bài học quý báu về âm mưu can thiệp của các thế lực bên ngoài.

Chia cắt để dễ trị

Hai miền Nam - Bắc Triều Tiên luôn ở trong tình thế đối đầu căng thẳng lâu nay, có nguyên nhân cũng là xuất phát từ âm mưu "chia để trị" của các thế lực bên ngoài đối với dân tộc Triều Tiên. Thay vì nhân danh chính nghĩa, trao trả cho nhân dân Triều Tiên quyền tự quyết lựa chọn một chính thể nào cho cả dân tộc, thì các thế lực bên ngoài lại lôi kéo, gây mâu thuẫn giữa 2 miền về lựa chọn chính thể, để chia cắt đất nước Triều Tiên làm vùng ảnh hưởng của mình. Khi đất nước bị chia đôi thì tất nhiên sức mạnh quốc gia cũng bị chia đôi. Do mất đi một nửa sức mạnh như vậy mà mỗi miền Triều Tiên đã không thể nào đủ sức tự lập trước vòng vây tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn, dẫn đến mãi phải lụy vào họ, chịu lệ thuộc các vấn đề an ninh quốc gia, do đó mà luôn bị các nước lớn chi phối vào mục đích của họ. Khi các nước lớn cần dàn xếp trao đổi lợi ích với nhau, thì những vùng lãnh thổ nhỏ phụ thuộc như 2 miền Triều Tiên sẽ thường được đem ra làm lá bài dàn xếp cho lợi ích của họ.

Chia rẽ dân tộc bằng 2 thể chế khác nhau để chia cắt đất nước

Bắc Triều Tiên đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa, còn Nam Triều Tiên theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng thực chất, đó lại đã là thực hiện theo ý đồ của các thế lực ngoại bang chia rẽ dân tộc Triều Tiên đi theo 2 hướng khác nhau để chia cắt đất nước Triều Tiên. Chính vì đi theo 2 thể chế chính trị khác nhau, cho nên 2 miền Triều Tiên đã luôn bị mâu thuẫn với nhau về đường lối phát triển đất nước, mà mãi không thể hòa hợp dân tộc để đi đến thống nhất 2 miền. Cũng từ việc khác nhau về thể chế, cho nên 2 miền Triều Tiên đã luôn đề phòng nhau, miền này lo ngại bị miền kia thôn tính chế độ khi sát nhập. Vì vậy mà xu hướng thống nhất của họ đã luôn bị chặn lại bởi sự khác biệt về thể chế, do đó con đường đi đến thống nhất 2 miền của dân tộc Triều Tiên sẽ là còn rất xa vời. Mà nguyên nhân của sự khác biệt đó, là kế sách sâu xa của các thế lực ngoại bang, đã biến một dân tộc Triều Tiên 2 miền ruột thịt lại trở thành đối thủ của nhau, chĩa mũi súng vào nhau, luôn đối đầu nhau để (thực ra là) phục vụ cho lợi ích của ngoại bang, thay vì lẽ ra là đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhau để phục vụ lợi ích dân tộc mình. Ở Việt Nam kế sách này của ngoại bang cũng được áp dụng cho 2 miền Nam Bắc với 2 chế độ khác nhau, chia cắt đất nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17.

Thật may mắn cho dân tộc Việt Nam, khi đứng trước âm mưu của các thế lực bên ngoài muốn "chia để trị" dân tộc ta như Triều Tiên, nhà lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sáng suốt, sớm nhận ra mối nguy hiểm tột cùng của thủ đoạn chia cắt 2 miền Nam Bắc lâu dài bằng 2 thể chế khác nhau này. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết tâm cao nhất, lãnh đạo nhân dân ta bằng mọi giá phải thống nhất đất nước càng sớm càng tốt. Cho dù phải chống lại đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, nhưng cả dân tộc ta đã không nao núng, quyết đem tất cả sinh mạng và của cải để giải phóng dân tộc ta thoát khỏi thân phận làm quân cờ chính trị cho ngoại bang.

Và cuối cùng, chính nghĩa đã không phụ lòng người, ngày 30/4/1975, 2 miền Nam Bắc ruột thịt đã thống nhất thành một khối, sức mạnh đất nước Việt Nam vì thế được nhân đôi. Kể từ đó, dân tộc ta đã đủ sức tự lực tự cường, theo đường lối độc lập tự chủ, tự quyết định được những vấn đề vận mệnh của dân tộc, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của nhân dân ta.

Ngày nay, chúng ta càng cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao cho vận mệnh dân tộc ta đã thoát khỏi hiểm họa chia cắt đất nước. Càng nhìn về 2 miền Triều Tiên đang chia cắt và thù địch nhau dai dẳng bởi tác động của các thế lực bên ngoài, chúng ta càng thấy được đường lối quyết đoán sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại và Đảng ta, đã kịp thời thống nhất 2 miền. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", có độc lập tự do thì mới có hạnh phúc từ quyền tự quyết của dân tộc, không bị đem ra làm quân cờ hy sinh cho lợi ích của các thế lực bên ngoài. Lời dạy sáng suốt đó dân tộc ta mãi mãi ghi nhớ là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng./.

                         Phạm Mạnh Hà

 



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra