Đảm bảo sức khỏe cho người dân, chứ chưa vội đánh đổi lấy sự phục hồi nền kinh tế

Thứ ba, 20/07/2021 16:32
(ThanhtraVietNam) - Đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với vài nghìn ca mắc mỗi ngày. Hiện nay, vắc-xin đang được nhanh chóng tiếp cận đến với toàn dân, trước tiên là những vùng đang có dịch, bởi mục tiêu quan trọng nhất lúc này vẫn là ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân, chứ chưa vội đánh đổi lấy sự phục hồi nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam chính là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị xã hội, các bộ, ban, ngành và cộng đồng. Bởi vì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng sớm nhất từ sự bùng phát của dịch Covid-19. Các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM thời gian gần đây là lời cảnh báo kịp thời đối với tình huống xấu hơn do Covid-19 còn gây ra và chưa rõ thời gian kết thúc. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều nước trên thế giới sau khi tiêm vắc-xin với tỷ lệ cao vẫn chưa thể phục hồi kinh tế như mong đợi. Theo các kịch bản, thông thường sản xuất sẽ tăng vọt trước, thúc đẩy các hoạt động thương mại song song và nhiều nền kinh tế ở châu Á đang dẫn đầu đà tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, lần này sẽ có một mô hình phục hồi thật khác biệt xuất hiện trong năm 2021 với mảng dịch vụ sẽ dẫn dắt chứ không phải do sản xuất. Đó là ý kiến của ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối kinh tế nghiên cứu châu Á của Ngân hàng HSBC. Cũng theo ông, sự phục hồi trở lại của nền kinh tế sau khi có vắc-xin quan trọng đối với các nước châu Á, và hầu hết các nền kinh tế vẫn chịu tác động rất lớn liên quan đến nhu cầu về hàng hóa được sản xuất trên toàn thế giới. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trên toàn thế giới đều giảm, những sự chuyển dịch từ nhu cầu dịch vụ sang nhu cầu hàng hóa đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu từ nhiều nền kinh tế châu Á. Sự tăng trưởng sản lượng xuất khẩu theo thời gian của các nền kinh tế tiên tiến và các nước châu Á mới nổi. Tất nhiên vắc-xin cũng sẽ tạo ra nét khác biệt cho sự phát triển của mỗi địa phương.

leftcenterrightdel
 Vắc-xin đang dần tiếp cận đến toàn dân, nhưng vẫn chưa vội phục hồi nền kinh tế (Ảnh: Interrnet)

Theo dự báo gần đây của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nếu vắc-xin được phổ biến vào cuối năm thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2021, sau khi tụt giảm 4,5%. Nhưng nếu tiến trình phát triển vắc-xin được đẩy nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu sẽ có thể tăng trưởng 7% trong năm 2021. Riêng tại Việt Nam, theo các dự báo quan trọng, triển vọng kinh tế năm 2021 vẫn sáng sủa. Ngân hàng đa quốc gia UOB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam chỉ ở mức 2,8% nhưng sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021. Trong Khi đó HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và đồng vốn FDI rất kiên định. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng đạt mức 8,1%.      

Dù sao đây vẫn là dự báo của các hãng tài chính, thực tế còn phải chờ xem tình hình phát triển của cả nước mà TP.HCM đóng vai trò quan trọng, nhưng lại đang chịu quá nhiều tác hại của dịch bệnh Covid-19. Bởi vậy, kinh tế có phục hồi được hay không còn phải bàn bạc và tính toán kỹ, chứ chưa thể vừa bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin đã nghĩ đến việc phục hồi kinh tế ngay được.

Lãnh đạo một thành phố lớn vừa chỉ đạo hiệu quả việc tiêm vắc-xin vừa đẩy mạnh nghiêm khắc các dịch vụ y tế để lấy việc chăm sóc sức khỏe nhân dân làm nhiệm vụ quan trọng. Về phía người dân thì cho rằng tiêm vắc-xin chống đại dịch cũng là cơ hội cho người dân chăm lo sức khỏe tốt hơn, sống chậm và trân trọng cuộc sống gia đình hơn.

Thực tế TP.HCM vẫn vận dụng các chính sách kinh tế xã hội, vẫn kiểm soát việc kinh doanh sản xuất gắn liền với việc tiêm vắc-xin phòng dịch, đặc biệt phải đặt việc phòng bệnh, chữa bệnh lên trên các hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nào không vận dụng đúng sẽ bị tạm ngưng sản xuất kinh doanh.

Đa số người dân đều tin tưởng rằng TP.HCM đang giãn cách nhưng lòng người không giăng dây, Sài Gòn vất vả vì dịch bệnh nhưng không cô đơn, chưa vội phục hồi kinh tế. Được biết Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương thúc đẩy quá trình sản xuất, tiếp nhận bảo quản vắc-xin để tiến tới tiêm chủng cho toàn dân, mà trước mắt là TP.HCM. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng họp với các bộ ngành và nêu rõ việc quan trọng nhất lúc này vẫn là bảo đảm sức khỏe cho nhân dân trước đại dịch Covid-19.

                                                                                                                 Trung Vũ

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra