<p>5 tháng đầu năm nay trên cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn do sự tiến hành lao động gây ra vì bất cẩn, thiếu đi sự chuẩn bị để đảm bảo an toàn, khiến không chỉ những người trực tiếp tham gia lao động, mà còn cả những người tham gia giao thông, hay sống quanh khu vực có công trình xây dựng bị thương, bị chết. Điển hình là việc liên tiếp xảy ra tai nạn cho người đi đường do việc thi công tuyến đường sắt trên cao nội đô Hà Nội: khi thi công nhà ga Thanh Xuân 3, một cây thép đã rơi từ trên cao xuống đường khiến một người tử vong tại chỗ, hai người khác bị thương. Tại công trường đổ bê tông xây dựng bến xe Hà Đông, dàn giáo sập đè bẹp dúm một chiếc taxi. Tại công trường thi công nhà ga số 4, một cọc thép nặng hơn 600 kg rơi xuống suýt trúng hai người đi xe máy. Tại công trường Ngã Tư Sở, một xà beng rơi xuống làm hỏng một ô tô. Cũng hôm ấy sập cần cẩu suýt gây tai nạn cho người đi đường. Còn tại nhiều địa phương khác, đài báo liên tiếp đưa tin, đăng bài về các vụ tai nạn lao động ở hầm lò, ở các công trường xây dựng, trong một số nhà máy. Tuy vấn đề an toàn lao động đã đặt ra từ nhiều năm nay với không ít sự nhắc nhở, biện pháp phòng tránh, nhưng đến năm nay tai nạn lao động lại có chiều hướng gia tăng. Còn năm 2014 theo thống kê của Cục an toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã xảy ra 6 .700 vụ tai nạn lao động với 6. 900 người bị nạn, 592 vụ tai nạn chết người với 630 người chết. Tai nạn nhiều nhất là ở lĩnh vực xây dựng, chiếm đến hơn 30%. Đó là con số thống kê được, còn trong thực tế, chắc số tai nạn lao động còn lớn hơn nhiều nhất là tính cả những vụ tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ở những nơi lao động tự do không có quan hệ hợp đồng lao động với chủ sử dụng, chỉ làm thuê. </p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_6/tai_nan_nha_ga_duong_sat.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><p>Đi tìm nguyên nhân, bộ chủ quản về lao động cho rằng do sự tuân thủ quy định pháp luật về an toàn lao động còn yếu kém. Theo sự đánh giá chung của nhiều bộ ngành, chuyên gia nghiên cứu về pháp luật và xã hội, nguyên nhân khiến tai nạn lao động gia tăng mặc dù mấy năm qua đã có các văn bản luật và dưới luật về lao động và an toàn lao động, một phần do sự yếu kém trong tuân thủ pháp luật, phần nữa là do luật pháp nước ta về an toàn lao động còn chưa hoàn chỉnh, nhiều điều chưa sát thực tế, hoặc thiếu phù hợp, có những kẽ hở. Cho nên trong kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội đã bàn thảo sôi nổi, kỹ càng Dự thảo luật an toàn vệ sinh lao động, với sự nhất trí chung là phải xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh có tác dụng quản lý nghiêm ngặt, đem lại hiệu quả cao. Đây là một đạo luật đã được Quốc hội chủ trương và tiến hành những công việc bước đầu từ sớm. Ngay từ sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban về các vấn đề xã hội, phối hợp với Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đối tượng có liên quan để chính lý dự thảo luật. Số đông ý kiến tán thành việc mở rộng đối tượng áp dụng luật đối với tất cả người lao động và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể về an toàn vệ sinh lao động đối với cả những khu vực không có ký kết kết hợp đồng lao động. Việc mở rộng đối tượng áp dụng với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động là thể chế hoá quan điểm của Đảng, điều 35 của Hiến pháp và các công ước quốc tế về bảo đảm an toàn cho người lao động. </p><div><br></div><div>Các hội nghị gần đây giữa các Bộ như Lao động - Thương binh - Xã hội, Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải luật hoá với nội dung hoàn chỉnh và chặt chẽ nhất về bảo đảm an toàn lao động, trong đó có việc nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở tổ chức, sử dụng lao động, vai trò, trách nhiệm kiểm tra của chính quyền, các bộ ngành từ việc thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động, cho đến cả các việc cụ thể để đảm bảo cho sự làm việc được an toàn, như thiết bị lao động, bởi đây là một nguyên nhân gây ra tới 18% tổng số vụ tai nạn lao động. Thiết bị cũ kỹ, kém chất lượng thường thấy trong các công trình xây dựng, tác hại của những cần cẩu giàn giáo là quá lớn do kỹ thuật không đảm bảo, do người điều khiển không được đào tạo cơ bản, nhà thầu kém về kiểm tra giám sát, các chủ đầu tư thì chỉ nghĩ đến làm cho nhanh, chóng xong công trình, cố giảm chi tiêu cho an toàn lao động, lắp đặt ít thiết bị tốt cho nên dẫn đến tai nạn. Khi thảo luận Dự luật trên, các đại biểu Quốc hội không chỉ yêu cầu luật hoá về chất lượng thiết bị, về tay nghề của người vận hành thiết bị, mà còn chú ý đến cả sức khoẻ của người lao động trong các công việc đòi hỏi sự cẩn thận cao khi vận hành thiết bị, cả bệnh nghề nghiệp khiến họ không đủ sức khoẻ, độ tỉnh táo trong lao động nhất là lao động kỹ thuật. Dự thảo luật an toàn vệ sinh lao động cũng cần bổ sung quy định về bảo hiểm cho người lao động cũng như bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Luật cần có quy định đủ mạnh đối với chủ sử dụng lao động khi họ để mất an toàn lao động, gắn trách nhiệm của chủ sử dụng lao động với việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phải sử dụng lao động được đào tạo cả về nghề nghiệp cụ thể lẫn những hiểu biết về an toàn lao động, tránh thực trạng nhiều công trình xây dựng hiện nay vẫn sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, công tác giám sát thanh tra kiểm tra về an toàn lao động lại buông lỏng. Để chống lại việc này, cần kiên quyết xử phạt những nhà thầu vi phạm an toàn lao động, cần thiết thì tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, cấm tham gia xây dựng và đấu thầu trong một thời gian nhất định. Cũng cần xem xét lại các biện pháp đảm bảo an toàn lao động lâu nay vận dụng nhưng lại không an toàn, nhất là về thiết bị an toàn lao động với nhiều đơn vị còn hình thức, không đầu tư, ngại tốn chi phí, khi tổ chức đấu thầu các công trình xây dựng cần có sự đánh giá năng lực nhà thầu cả về vốn lẫn an toàn lao động, khả năng vận hành thiết bị. Luôn phải chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn lao động, đào tạo đội ngũ thanh tra viên để thường xuyên thanh tra, giám sát việc đảm bảo an toàn lao động. </div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>