Đất sốt, dân "lạnh"

Thứ sáu, 29/11/2024 15:27
(ThanhtraVietNam) - Cuối năm, khi người người nhà nhà bận rộn dateline, deadline, lo cái Tết "ấm", thì thị trường bất động sản lại "bận" sốt. Mỗi mảnh đất bỗng như chiếc bánh chưng xanh, được gói thêm giá, nhưng khổ thay, không phải ai cũng được ăn.

Sốt đất, ai hưởng, ai chịu

Cuối năm, thị trường bất động sản lại nóng hơn cả mùa lễ hội. Những mảnh đất vùng ven đô như Hoài Đức, Đông Anh (Hà Nội) hay Nhà Bè, Củ Chi (TP.HCM) bỗng tăng giá vùn vụt, mỗi tuần thêm vài triệu đồng mỗi mét vuông. Thậm chí, tại Đồng Nai, giá đất nhiều khu vực đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng nửa năm.

Nhưng trong khi giới đầu cơ kiếm lời hàng trăm triệu đồng mỗi giao dịch, những người lao động nghèo lại rơi vào cảnh đứng nhìn. Anh Nguyễn Văn Hùng, một công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ: “Mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng, nhưng giá đất cứ tăng thế này thì làm cả đời cũng không đủ mua nổi một miếng đất nhỏ để xây nhà.”

Thực tế, cơn sốt đất đã biến những mảnh đất vốn là nơi an cư trở thành “hàng hóa” để lướt sóng. Người mua không hẳn vì nhu cầu ở, mà chỉ vì kỳ vọng giá đất tiếp tục tăng. Một mảnh đất có thể qua tay 3-4 người chỉ trong vài tháng, đẩy giá lên cao đến mức phi lý.

Hiện tượng sốt đất cuối năm không phải mới, nhưng theo cá nhân tác giả bài viết, năm nay nóng hơn nhờ vào ba yếu tố chính:

Thứ nhất, tâm lý đám đông và đầu cơ: Hễ có tin đồn về quy hoạch hay dự án mới, giá đất lập tức leo thang. Ví dụ, khi có thông tin về việc mở tuyến Metro số 2 nối Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM), giá đất vùng ven như quận 12 hay Hóc Môn tăng trung bình 20-30% chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy, khiến người mua sau cùng chịu rủi ro.

Thứ hai, quản lý lỏng lẻo: Quy hoạch treo và thiếu sự minh bạch khiến người dân dễ bị dẫn dắt bởi tin đồn. Nhiều khu đất được đầu cơ mua đi bán lại trong khi hạ tầng chẳng có gì thay đổi. Điển hình như tại Hòa Bình, giá đất nông nghiệp ven thành phố từng chỉ 3-5 triệu đồng/m², nay đã tăng lên 10-15 triệu đồng/m² chỉ vì có tin đồn xây khu nghỉ dưỡng lớn.

Thứ ba, thiếu kiểm soát giao dịch: Nhiều giao dịch bất động sản hiện nay không qua sàn hay cơ quan quản lý, khiến thông tin không rõ ràng. Người dân không thể biết giá trị thật của đất mà chỉ chạy theo cơn sốt do các “cò” bất động sản tạo ra.

leftcenterrightdel
Đã đến lúc cần những liều thuốc mạnh từ chính sách để đưa đất đai quay về giá trị thực - nơi bắt đầu của những tổ ấm chứ không phải những cơn sốt ảo. Đồ họa: Lan Anh 

Cần liều thuốc để “giảm sốt”

Hậu quả dễ thấy nhất của cơn sốt đất là đẩy giá nhà ở vượt xa tầm tay của người lao động. Nhiều gia đình trẻ không còn khả năng mua đất để xây nhà, phải chấp nhận sống trong những căn trọ tạm bợ. Chị Phạm Thị Hoa, nhân viên văn phòng tại Hà Đông (Hà Nội), tâm sự: “Hai vợ chồng tôi tiết kiệm nhiều năm mới có 500 triệu đồng, định mua mảnh đất nhỏ để dựng nhà. Nhưng giá đất cứ tăng mãi, giờ chỉ đủ trả tiền cọc.”

Không chỉ người dân, chính quyền địa phương cũng đau đầu trước tình trạng quy hoạch bị phá vỡ. Những khu đất vốn dự kiến phát triển hạ tầng công cộng nay bị “xé nhỏ” để bán, trong khi nhiều dự án nhà ở xã hội lại chậm tiến độ vì giá đền bù quá cao.

Để giải nhiệt thị trường bất động sản, cần những giải pháp quyết liệt như: Tăng cường kiểm soát quy hoạch; đánh thuế đầu cơ; phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, chính quyền cần công bố thông tin minh bạch về các dự án và loại bỏ những quy hoạch treo kéo dài. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin đồn sai lệch để thổi giá.

Việc áp dụng thuế cao với các giao dịch đất đai không sử dụng vào mục đích ở thực sẽ giảm bớt tình trạng đầu cơ. Nhiều nước như Singapore hay Hàn Quốc đã thành công với giải pháp này.

Không chỉ vậy, phải để người lao động tiếp cận được nhà ở giá rẻ, cần ưu tiên quỹ đất và chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở xã hội.

Sốt đất không chỉ làm nóng thị trường mà còn đẩy nhiều người lao động vào cảnh khó khăn, khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời. Đất đai vốn là tài sản quý giá, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, nó sẽ trở thành công cụ để đầu cơ thay vì phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Đã đến lúc cần những liều thuốc mạnh từ chính sách để đưa đất đai quay về giá trị thực - nơi bắt đầu của những tổ ấm chứ không phải những cơn sốt ảo./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra