Để bảo hiểm xã hội thiết thực, hiệu quả hơn

Thứ ba, 04/08/2020 14:10
(ThanhtraVietnam) - Khi có đại dịch Covid-19, mới càng thấy vị trí quan trọng và hiệu quả lớn lao của bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc giữ an sinh cho nhân dân và hỗ trợ cho nền kinh tế đất nước. Thời gian vừa qua, BHXH đã phải rất khó khăn và quyết tâm lớn để vượt qua hậu quả xấu của dịch bệnh, như trợ cấp khó khăn cho những người mất công ăn việc làm, hoãn, giảm việc thu phí BHXH bắt buộc của các doanh nghiệp để họ còn vượt khó, cũng có nghĩa là BHXH thu ít đi nhưng lại phải chi nhiều lên.

Tuy thế, nhờ có BHXH, an sinh xã hội giữa khi đại dịch vẫn tốt. Đầu tháng 7/2020, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ, đề xuất từ cán bộ phụ trách BHXH, và đại diện các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế xã hội được đưa ra thảo luận một cách sâu sắc, thiết thực.

Theo báo cáo của lãnh đạo BHXH, 6 tháng đầu năm nay toàn ngành BHXH đã kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19 theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đồng thời thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ chính sách cho người tham gia với nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Việc quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm kể trên được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức bộ máy BHXH các cấp được kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ công chức viên chức, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý của ngành.

Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của BHXH, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng làm việc, khiến người lao động không có việc làm, thu nhập của nhiều người dân giảm do dịch bệnh nên một số người không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, hay BHYT hộ gia đình. Theo thống kê của trung ương và các địa phương, tính đến hết tháng 6 cả nước có khoảng 15,144 triệu người tham gia BHXH, 85,521 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 86,3% dân số. Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019. Chỉ có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 96.800 người, đạt 55,9% kế hoạch. Số thu toàn ngành đạt 45,3% kế hoạch cả năm. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn còn tỷ lệ cao, nhất là nợ do ngân sách Nhà nước đóng hỗ trợ BHXH có xu hướng tăng.

leftcenterrightdel
Tính đến hết tháng 6, cả nước có khoảng 15,144 triệu người tham gia BHXH 

Những khó khăn, thiếu sót 6 của tháng đầu năm đang dồn sang những tháng cuối năm, ảnh hưởng của đại dịch vẫn chưa hết nguy cơ với kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ khôi phục kinh doanh, nhiều người lao động có thể tiếp tục mất việc, vẫn ở ngoài hệ thống BHXH. Ngành BHXH đang quyết tâm vượt khó, cải thiện tình hình: Bằng mọi giải pháp phải đạt được tỷ lệ 90,7% dân số tham gia BHYT theo quyết định số 1167/QĐ-TTg. Với BHXH sẽ có các giải pháp phù hợp để làm tăng số người tham gia. Quỹ khám chữa bệnh BHYT khu vực phía Bắc hầu hết đã sử dụng 100% dự toán chi khám chữa bệnh trong khi số lượt khám chữa bệnh giảm. Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam tại các địa phương sẽ có giải pháp mạnh và cụ thể thiết thực trong quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, có sự phối hợp giữa BHXH với ngành y tế cho tới các sở y tế, xây dựng, thống nhất thực hiện các chương trình, kế hoạch, kiểm soát sử dụng hợp lý kinh phí khám chữa bệnh BHYT tại mỗi cơ sở.

Trước thực tế một số địa phương đang có hiện tượng bán mua sổ BHXH, thu gom sổ, yêu cầu thanh toán chế độ một lần, lãnh đạo ngành BHXH đã nhắc các địa phương phải đảm bảo tốt hơn nữa trách nhiệm thực hiện và kiểm tra thực hiện chính sách, phối hợp với các ngành bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như an toàn quỹ BHXH. Nhiệm vụ chung mà ngành BHXH đề ra là vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chỉ đạo của chính phủ: Chi trả, giải quyết chế độ, đảm bảo tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện chính sách theo thẩm quyền của ngành, tuyên truyền phát triển đối tượng.

Trong việc thực hiện BHXH thì quan trọng nhất, để xảy ra sai phạm nhiều nhất là BHYT. Để hướng tới mục tiêu hiệu quả, công bằng cho BHYT, thì trách nhiệm chung và trên hết là của ngành BHXH, nhưng còn là trách nhiệm của cả ngành y tế, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là sự kết nối tài chính y tế và cung ứng dịch vụ y tế. Theo sự chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu của xã hội, gần đây Bộ Y tế đã quyết định phối hợp với BHXH triển khai thí điểm phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo định xuất và theo nhóm chẩn đoán liên quan tại 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ninh, Yên Bái. Trên cơ sở thí điểm này, hai ngành sẽ rút kinh nghiệm hoàn thiện phương pháp tính toán sao cho phù hợp với thực tiễn, xây dựng văn bản hướng dẫn để triển khai rộng rãi vào năm 2021, giúp giảm bớt các vướng trở, thắc mắc và phù hợp với bối cảnh thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT nội trú vào năm sau. Để thực hiện những điều trên Bộ Y tế nhận trách nhiệm chủ trì, phối hợp với BHXH, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn BHXH thực hiện. Giao cho Sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tại 5 tỉnh thực hiện thí điểm tính toán xác định quỹ định suất và hệ số K, xác định suất phí cơ bản trong chi phí của từng nhóm chẩn đoán liên quan làm căn cứ giao quỹ cho các đơn vị thực hiện, chỉ đạo các sở y tế thực hiện nội dung thí điểm, theo dõi hỗ trợ kỹ thuật và giám sát triển khai. Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với BHXH nghiên cứu điều chỉnh các nội dung trong quá trình thực hiện và xử lý vấn đề phát sinh, tổng hợp, đề xuất báo cáo Hội đồng quản lý BHXH, Thủ tướng chính phủ với các vấn đề ngoài thẩm quyền trên nguyên tắc phù hợp với quy định hiện hành, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng kết đánh giá sau khi thí điểm để làm cơ sở hoàn thiện, ban hành Thông tư hướng dẫn trên toàn quốc. Ở 5 địa phương thí điểm, các sở y tế cần chủ trì phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh tính toán, giao quỹ cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, tạo thuận lợi cho người tham gia khám chữa bệnh BHYT, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện thí điểm, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, không để họ phải tự túc thuốc, hóa chất, vật tư y tế, chi phí dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Nếu kết dư quỹ vượt quá 25% quỹ được giao, cơ sở khám chữa bệnh, giải trình với sở y tế và BHXH tỉnh giám định đánh giá chất lượng.

Để hỗ trợ tốt việc phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong đó có BHXH thì Bộ Tài Chính cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, cung cấp tài chính theo đúng yêu cầu, chính sách cho ngành BHXH và BHYT. Ngành Bảo hiểm và toàn xã hội cũng cần đẩy mạnh sự phát triển BHXH tự nguyện nhất là với BHYT gia đình để tăng nguồn thu cho quỹ BHXH, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của người dân trong những trường hợp cần đến sự hỗ trợ của BHXH và cần khám chữa bệnh được chi bởi quỹ BHYT. Những vẫn đề này càng cấp thiết khi cả xã hội đang tiến hành việc khắc phụ hậu quả của dịch bệnh Covid- 19 và đề phòng sự tái phát dịch bệnh này lây lan ra nhiều nước, đặc biệt là nước ta./.

                                                                                                           Trung Vũ



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra