Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ năm, 08/06/2017 11:23
(ThanhtraVietNam) - Từ nửa thế kỷ XX trở về trước, ở nước ta chỉ mới có các hoạt động vui chơi, kết hợp với lễ hội mùa xuân, hay tham quan danh lam thắng cảnh, chứ chưa có nhiều hoạt động du lịch phong phú như ngày nay. Khi du khách trong và ngoài nước ngày một đông, việc khai thác lợi ích cũng như thu nhập từ việc đưa đón khách du lịch, làm dịch vụ giao thông, khách sạn, ăn uống… đã nâng hoạt động du lịch thành một ngành nghề kinh tế.

Kể từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế đất nước đã được Đảng, Nhà Nước ta xác định. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng năm 1996 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực...” Văn kiện Đại hội Đảng lần IX năm 2001 cũng đã khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ra Nghị quyết khẳng định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 đón được 17- 20 triệu lượt du khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm các nước phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây là mục tiêu dựa trên tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch của Việt Nam với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, sự mến khách của người Việt Nam, cùng nhiều khả năng đáp ứng dịch vụ, làm hàng mỹ nghệ kỷ niệm...

30 năm đổi mới đã tạo ra không gian mở, thuận lợi giao lưu, phát triển cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật đường không, đường bộ, đường biển dễ dàng cho du khách đến Việt Nam. Việc chi tiêu ít tốn kém của khách du lịch đến Việt Nam so với đến các nước khác cũng khiến cho khách du lịch thích đến nước ta hơn.

Tuy nhiên, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Việt Nam còn phải cố gắng nhiều mặt, khắc phục những bất cập, rào cản. Bên cạnh việc khai thác những thuận lợi hỗ trợ từ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà Nước, các doanh nghiệp làm du lịch cần quan tâm đến những định hướng và biện pháp cụ thể của các cơ quan quản lý trực tiếp và các ngành chức năng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Trên thực tế, nhiều thủ tục hành chính còn khó khăn phức tạp. Du lịch vốn là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, làm thế nào để có thể cùng phát triển với các vùng, các ngành? Về quản lý nhà nước, cần bộ máy và năng lực mạnh hơn vì du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp. Ở Trung ương cũng như ở các địa phương cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện các chức năng nhiệm vụ, mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Hiệp hội Du lịch trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đề xuất cơ chế chính sách hiệu quả đối với các thành viên, có định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian phát triển sắp tới.

Những yêu cầu xem xét lại và điều chỉnh kể trên cần được luật hóa. Nước ta đã có Luật Du lịch năm 2015, song sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh mặt tích cực hiệu quả, cũng đã bộc lộ không ít yếu kém, chưa sát thực tế. Do vậy, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, nhất là ý kiến của các doanh nghiệp ngành du lịch. Vấn đề này đang được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Với một số nội dung của Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Cụ thể, có ý kiến về việc xem xét có nên xây dựng đô thị du lịch hay không? Chiếm nửa số ý kiến được tập hợp thiên về phương án một là không quy định trong Luật Du lịch về nội dung lập đô thị du lịch. Bởi quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì quy định đó khó đem lại hiệu quả. Cũng nhiều ý kiến cho rằng quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền công nhận. Các ý kiến ủng hộ việc xây dựng đô thị du lịch dựa trên căn cứ thực tiễn là sự xuất hiện đô thị du lịch không những đáp ứng nhu cầu thực tế mà còn là sản phẩm mô hình đặc trưng của du lịch Việt Nam. Nước ta đã có những đô thị du lịch: Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An đã và đang tạo nên thương hiệu, sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách trong, ngoài nước. Nếu Luật Du lịch không quy định về đô thị du lịch thì những đô thị du lịch đó vẫn phát triển một cách khách quan, nhưng ngành du lịch sẽ bị động, lúng  túng trong quy hoạch, hoặc khó đề xuất những chế định hay quy chế đặc thù để quản lý phát triển những đô thị du lịch đó. Tuy nhiên, cũng có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nếu cần thiết phải quy định đô thị du lịch ở trong luật thì phải làm rõ câu hỏi: quy định đó nhằm mục đích gì, có gắn bó với định hướng phát triển của từng điểm du lịch như thế nào? Nhiều ý kiến cũng bàn về quy định cơ sở lưu trú, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, luật cần tạo sự đột phá và phát huy lợi thế của du lịch Việt Nam.

Việc ký quỹ để lập doanh nghiệp du lịch trong luật cũng nên quy định phù hợp hơn, tránh làm giảm cơ hội tham gia thị trường kinh doanh du lịch của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đa dạng, có chất lượng cao, nhưng phải chịu chi phí gia nhập quá cao, khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, Luật cũng cần khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp lữ hành. Bởi nếu tiếp tục giữ hàng rào để bảo vệ doanh nghiệp truyền thống thì sẽ làm giảm cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp mới  tham gia.

Việc sửa đổi Luật Du lịch cũng cần được xem xét, xác định sao cho không xảy ra mâu thuẫn với các luật liên quan như Luật Xuất nhập cảnh, Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thanh tra, Luật Phí và lệ phí, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự, Luật Cạnh tranh... Nhìn chung, các ý kiến đóng góp cho Luật Du lịch sửa đổi đều nhằm mục đích thực hiện đúng và hiệu quả các chủ trương, chinh sách của Đảng và Nhà Nước định hướng cho ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh, mạnh thành ngành kinh tế mũi nhọn.

                                                                                                                Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra