Công văn số 622TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm đã nhấn mạnh: Các lãnh đạo địa phương và Bộ, ngành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương khác.
Hiện đã bước vào thời điểm nửa cuối năm 2020, song việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn bị ách tắc, khiến vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chủ trì nhiều phiên họp về các dự án đầu tư công, bởi việc chậm tiến độ thực thi các dự án ở một số bộ ngành, tỉnh, thành phố mà nguyên nhân được xác định là do chậm giải ngân vốn đầu tư công. Việc tiến hành các dự án đầu tư công từ lâu nay vẫn khó nhất là khâu ngân sách, nhưng sang đầu năm 2020, tiền và dự án đều có, nhưng chưa được giải ngân thì thực sự là điều khó hiểu.
Tại Hội nghị cuối năm 2019, bàn về việc giải ngân vôn đầu tư công giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn trong 6 tháng cuối năm 2019. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhất là giải ngân vốn ODA quá chậm mới đạt 37% vốn kế hoạch được giao giai đoạn 2016 - 2019. Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 32% so với kế hoạch, có đến 51 bộ ngành, địa phương giải ngân chậm, chỉ đạt dưới 30%. Cũng theo 2 Bộ trên, nhiều địa phương không chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chậm giải ngân bao gồm yếu tố khách quan và chủ quan, tuy nhiên trong đó, yếu tố chủ quan là chính, như việc cùng một mặt bằng quy định pháp luật vẫn có 6 bộ, ngành,13 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 50%; trong khi đó, có tới 35 bộ, ngành, 16 địa phương chỉ đạt dưới 30%. Các nguyên nhân tồn tại trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để, như: Năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư, xây dựng, chậm trễ chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; không giải quyết được công bằng, hợp lý công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương. Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa đáp ứng quy định pháp luật, sợ trách nhiệm. Công tác giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch chậm do phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định dẫn tới chưa giao kế hoạch chi tiết, thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài.
Cũng ngay từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị: Cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70 NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng, thủ tục thành toán, quyết toán, không để dồn vào cuối năm, tránh tình trạng đùn đẩy kéo dài thời gian nhằm né tránh trách nhiệm.
Cùng thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải từ bỏ tâm lý đầu năm thong thả, các Bộ, ngành địa phương phải quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn ngay trong quý I/2020, tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công, giải ngân đầu tư công, chậm một ngày là thêm một ngày lãng phí tiền thuế của dân. Theo sự chỉ đạo đó của Chính phủ, đến năm 2020 nhiều bộ, ngành địa phương đã thấm nhuần ý thức rằng: Do dịch bệnh Covid-19, các kênh đầu tư khác giảm sút, nên đầu tư công với số vốn có sẵn khoảng 700 nghìn tỷ đồng và có thể tăng thêm phải được xem là một lực đẩy để kinh tế phục hồi sớm, khơi thông vốn đầu tư công. Bởi chậm giải ngân, chậm đưa dòng vốn vào vòng quay của sự phát triển sẽ là lực cản của sự phát triển. Phải đối chiếu với pháp luật, cần truy trách nhiệm khi chậm trễ thực thi các quy định pháp luật về đầu tư công, xóa dần các thủ tục nhiêu khê làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
Theo các chuyên gia kinh tế, luật pháp, có 4 nguyên nhân tạo ra lực cản cho triển khai vốn đầu tư công từ quy định pháp luật. Trước hết là việc thẩm định phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện các thủ tục giải ngân có một số điều lại không sát thực tế, nên có giao vốn cũng không thể thực hiện chi tiêu để giải ngân. Thứ hai, do không đánh giá đúng và đủ về năng lực thực hiện của các nhà thầu, nhất là khả năng tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ sử dụng vốn, vốn giao về cả một cục lớn nhưng không giải ngân được. Nhiều nhà đầu tư chủ thầu kêu khó ở các thủ tục quyết toán và công vụ cụ thể của việc giải ngân quá chậm chạp. Nhiều kế hoạch chi được vạch ra cho năm mới, sau đó mới tổ chức các hoạt động chọn nhà thầu mà việc chọn nhà thầu thời gian vài ba tháng chưa xong. Vấn đề thứ ba là năng lực các chủ đầu tư được giao vốn và năng lực các nhà thầu yếu kém không sát dự án, không đúng thực tế đời sống. Vấn đề thứ tư là một số điều của Luật Đầu tư công năm 2019 còn chưa sát thực, trong đó có việc giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư không sát thực tế. Do vậy, Luật Đầu tư công cần có sự sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Các dự án xây dựng đều động chạm đến sử dụng đất đai nên phải có những nghiên cứu về Luật Đất đai cho sát thực hơn khi sửa đổi Luật Đất đai.
Những vấn đề chưa ổn kể trên đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc tới, kiểm điểm trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương trong các cuộc họp Chính phủ và bàn bạc với các bộ ngành gần đây. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhiều đến việc phải quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt, điểm nghẽn cho giải ngân đầu tư công là ách tắc trong giải phóng mặt bằng vì mọi dự án xây dựng công đều phải làm tìm mặt bằng xây dựng. Thực tế cho thấy, thỏa thuận tốt trong đền bù đất đai là một biện pháp hiệu nghiệm để giải phóng mặt bằng trong các công trình xây dựng, cũng là cách đầu tiên trong giải ngân vốn đầu tư công.
Sau những Hội nghị của Chính phủ họp với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương bàn về việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công, một số dự án xây dựng đã được giải ngân tiến hành xây dựng, nhất là mặt bằng xây dựng đã được giải phóng. Việc quy trách nhiệm cho từng người đứng đầu trong chậm giải ngân đã trở nên rất ý nghĩa và thêm giá trị giải quyết khi nhiều nơi đã kết hợp với việc chọn lựa người đề cử vào các chức danh mới trong đại hội Đảng bộ các cấp. Đây cũng là một cách để lựa chọn người tốt, người giỏi. Hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có một đội ngũ cán bộ được chọn lựa kỹ càng để giữ các chức danh quan trọng, thiết yếu từ trong Đảng ra đến chính quyền các cấp, là những người chỉ đạo và tiến hành tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đền bù giải phóng mặt bằng sao cho công bằng, hợp tình, hợp lý có trách nhiệm./.
Trung Vũ