Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã bàn luận nhiều về phương sách phát triển mạnh mẽ và bền vững nền kinh tế Việt Nam cho năm 2021. Các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế nước ngoài đều nhận định là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục so với phần còn lại của thế giới, chủ yếu nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đang hướng tới là tăng trưởng kinh tế không âm trong năm 2020 và duy trì lạm phát dưới mức 4% thì việc tìm ra các giải pháp hữu hiệu là không hề dễ, nhất là vừa phải hứng chịu thiệt hại lớn lao do mưa bão.
Nếu chỉ nhìn vào các con số tăng trưởng thì sẽ có thể thấy kinh tế Việt Nam nói chung đang trên đà phục hồi, song, có chuyên gia kinh tế cho rằng các con số đó không phản ánh chính xác bức tranh toàn diện hệ thống doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số liệu tháng 9/2020 từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp không gặp khó khăn bởi dịch bệnh, trong khi 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 75% doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với dòng tiền hoạt động âm và 2% đã giải thể. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dựa phần lớn vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò quan trọng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhóm người có thu nhập thấp, làm giảm đói nghèo và giải quyết tốt những vấn đề xã hội.
Vì những lý do kể trên, cũng theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế và các doanh nghiệp ở nước ta đang cần một sự hỗ trợ, nhưng không đơn thuần là hỗ trợ phát triển, mà chính yếu là một sự hỗ trợ nhằm đảm bảo sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Cũng có nghĩa là Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế có chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì cho cả nền kinh tế. Các gói hỗ trợ nên trực tiếp hướng vào giảm hoặc trì hoãn các chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của người lao động. Cần phải thấy vai trò của quỹ tiền tệ như là một công cụ đối phó với các vấn đề kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm các mức lãi suất cơ bản, nhưng thực tế cho thấy chính sách lãi suất thấp không tự giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng vẫn cần tiếp tục giảm lãi suất xem như là một giải pháp, nhưng cần phải có sự khớp nhau giữa kỳ vọng của ngân hàng và kỳ vọng của doanh nghiệp. Việc giảm lãi suất thêm nữa rất có thể sẽ kích thích đầu tư quá mức, không trúng, có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam lúc này cần một gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí hoạt động được tài trợ bởi chính sách tài khóa để đồng hành cùng quỹ tiền tệ. Các ý kiến từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý đến chuyên gia kinh tế đều cho rằng kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức bởi tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 đang làm cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng, nên trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ trên quy mô lớn và quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, đã ký kết và đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại quốc tế, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi không thể không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải có cách nhìn mới, với nhiều chính sách kịp thời, phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế.
Quý IV năm 2020 là khoảng thời gian quan trọng để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế bằng các giải pháp đồng bộ. Đây sẽ là nền tảng để năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua sẽ còn tiếp tục được phát huy trong quý IV/2020 và năm 2021. Đó là tăng cường xuất khẩu, tăng đầu tư toàn xã hội cả về lượng và chất lẫn tiêu dùng nội địa. Theo hướng cung những động lực cho tăng trưởng chính vào khu vực nông nghiệp, xây dựng và công nghiệp.
Năm 2021 sẽ là năm quan trọng, bởi là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021- 2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là năm kinh tế Việt Nam phải vượt qua những tác động tiêu cực của Covid-19, phải tận dụng những cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này. Năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế sau đại dịch với mục tiêu chính là giữ ổn định, tạo việc làm, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế bứt phá trong giai đoạn 2022 - 2025. Vì thế, trong quý IV/2020 và năm 2021 Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 vừa khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,5-3% và năm 2021 đạt khoảng 6,6-7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Từ thực tế cũng như theo các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế nhận định, cần có những sự đột phá cho tăng trưởng 2021 -2030:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ hiện đại, hội nhập, trọng tâm là các yếu tố sản xuất, quyền sử dụng đất, khoa học công nghệ.
Thứ hai, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giao dục, đào tạo trọng tâm, hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục đào tạo nhất là giáo dục đại học nghề nghiệp. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Thứ 3, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh - tế xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương, kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…
Thực tế, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoach phát triển kinh tế xã hội năm 2021 mà mục tiêu tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, chỉ số giá tiêu dùng bình quân là 4%. Nghị quyết nêu rõ là phải theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp đối sách ứng phó kịp thời hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh. Trong 12 Chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết nêu ra có những chỉ tiêu liên quan nhiều đến kinh tế và đời sống nhân dân rất đáng chú ý như : Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8% tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 91%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
Trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội, có những điều được dư luận quan tâm là từ thiệt hại to lớn mà các cơn bão vừa gây ra ở miền Trung nước ta cần rút ra bài học kinh nghiệm để không vấp phạm về sau. Đó là làm kinh tế không được chỉ nghĩ đến lợi nhuận thu về, nhất là các nguồn thu, ý đồ mưu lợi không chính đáng, mà phải gắn với lợi ích chung và tổng thể của đất nước cũng như mọi vùng miền, phải bảo vệ môi trường, nghĩ đến tác hại của biến đổi khí hậu, phải gìn giữ và làm tăng độ che phủ rừng, phải vừa phát triển vừa bảo vệ rừng, không thể chỉ chú ý đến rừng mới trồng mà là phải kiểm tra, thống kê lại để bảo vệ bằng được rừng nguyên sinh, xem xét kiểm tra, xử lý việc xây dựng các dự án thủy điện nhỏ làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của rừng và gây khó cho việc phòng, chống thiên tai, ngăn mưa bão lớn gây lũ lụt./.
Trung Vũ