Để thực phẩm an toàn hơn

Thứ sáu, 28/04/2017 09:17
(ThanhtraVietNam) - Trong các nỗi lo chính yếu của mỗi người, mỗi nhà cho đến toàn xã hội thì điều lo ngại nhất vẫn là sự an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi vì miếng ăn nước uống mất vệ sinh, không an toàn sẽ dẫn con người đến chỗ chết oan, hay chí ít là bệnh tật.

Có đại biểu Quốc hội đã từng nói, con đường ngắn nhất là con đường từ dạ dày đến nghĩa địa. Thời gian qua, báo đài liên tiếp phản ánh về các vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn. Liệu nguyên nhân là do người dân không biết tự giữ mình, do tiểu thương vô lương tâm, hay cũng có thể còn do sự giám sát của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm không đến nơi đến chốn? Do vậy, nhân dân đành gửi sự kỳ vọng tới Quốc hội là tổ chức cao nhất của đất nước cả về soạn thảo pháp luật lẫn giám sát việc thi hành pháp luật. Rất mừng là Quốc hội đã và đang bàn thảo về nội dung này và coi việc giám sát tối cao chính là cách mà Quốc hội thực hiện trách nhiệm chính trị, kiểm tra pháp lý về an toàn thực phẩm. Thông qua các đợt giám sát kiểm tra thực tế theo kế hoạch và đột xuất, đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định, từ khi có Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành quy định chi tiết việc thi hành luật, rồi có sự giám sát của Quốc hội thì việc bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những tiến bộ rõ nét. Công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng hơn, ý thức của người dân về việc này đã tốt hơn, trách nhiệm của chính quyền các cấp thay đổi tích cực.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế và với tình hình cụ thể của Việt Nam, lẽ ra việc giữ gìn an toàn thực phẩm đã có thể làm tốt hơn, ngăn chặn được những vi phạm rất nghiêm trọng nguy hại tới sức khỏe và mạng sống của nhân dân. Trong gần 06 tháng đầu năm 2017, Quốc hội tiến hành giám sát tại 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam, qua 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm; Làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy tình hình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm còn nghiêm trọng, đôi lúc có nơi đã đến giới hạn báo động đỏ. Trong 5 năm trở lại đây, số vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm là gần 679. 000 cơ sở, chiếm 20,5% số cơ sở được kiểm tra giám sát. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, song chưa phải là phát hiện được hết tất cả các vi phạm. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm diễn ra còn nhiều hơn nữa. Kết quả kiểm nghiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%. Qua kiểm tra 54.000 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả cho thấy hơn 9.000 hộ vi phạm.

Vi phạm an toàn thực phẩm có nguyên nhân khách quan là trình độ nền kinh tế và xuất phát điểm của công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta thấp hơn so với các nước tiên tiến. Do vậy, tầm nhìn trong xây dựng văn bản quản lý, tổ chức thực hiện và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ những yếu tố chủ quan, nhất là khâu tổ chức thực hiện pháp luật, vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước chưa tốt cả về quản lý quy hoạch, tổ chức sản xuất. Nếu chúng ta muốn thực phẩm an toàn thì phải có sản phẩm sạch, trước hết là tổ chức sản xuất trên cơ sở sạch, nước tưới sạch, công nghệ sạch, bảo quản, chế biến sạch. Khâu kiểm soát an toàn thực phẩm cũng chưa tốt, mới làm được ở các cơ sở lớn, chứ chưa làm được ở các cơ sở nhỏ, các hộ nông dân. Việc không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm gây nhiều khó khăn cho khẩu kiểm soát hậu kiểm. Chính quyền nhiều cơ sở chưa thực sự vào cuộc, có nhiều vụ việc xảy ra rõ ràng, vi phạm công khai nhưng vẫn không tiến hành xử phạt. Chưa có sự phối hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị, còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, khoán trắng cho các cơ quan chức năng. Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm một số tỉnh, thành phố làm tốt nhưng vẫn còn thiếu cán bộ chuyên trách có đủ trình độ chuyên môn.

Những yếu kém trên cần phải chấn chỉnh. Người dân phải tẩy chay không sử dụng thực phẩm không an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm từ thí điểm đến mở rộng. Ở phương diện soạn thảo luật, theo ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, cần phải sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến an toàn thực phẩm, phải có quy định về xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý nhiều lần vẫn tái phạm, quy định rõ trách nhiệm đối với người có trách nhiệm khi thấy vi phạm mà không xử lý. Trong tổ chức thực hiện phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ thực tiễn và kinh nghiệm một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nên chăng là cần thành lập một Ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm, các địa phương trọng điểm có Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm để thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước về nội dung này./.

                                                                                             Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra