Doanh nghiệp tiếp tục đồng hành vượt khó cùng Chính phủ

Chủ nhật, 24/05/2020 09:32
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện chương trình đã đề ra, với quyết tâm thực hiện tốt hai nhiệm vụ là chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi họp bàn phát triển triển kinh tế với các doanh nghiệp.

Ngoài số doanh nghiệp đến họp trực tiếp, phần lớn các doanh nghiệp còn lại dự họp với Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố qua hình thức trực tuyến. Cuộc họp dựa trên tinh thần như Thủ tướng nói, đất nước đã bước sang giai đoạn mới. Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố đã lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế để có những biện pháp xử trí kịp thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước sau mấy tháng khó khăn bởi dịch bệnh, đồng thời bàn các biện pháp mới để đẩy nền kinh tế đi lên. Một số thắc mắc của các doanh nghiệp đã được kịp thời xử lý, như sự minh bạch, phù hợp và nhanh chóng đưa các gói tiền hỗ trợ của Nhà nước đến với các doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Một số ngành kinh tế ngay sau cuộc họp đã kịp thời triển khai các hoạt động kinh doanh. Điển hình là ngành du lịch đã đưa ra các hoạt động phù hợp tình hình mới của đất nước tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch phong phú, như: Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai… vừa đưa khách đến các di tích lịch sử văn hóa, vừa kết hợp với du lịch làng xã, xem, mua hàng đặc sản của mỗi địa phương. Ngân hàng Nhà nước đã kịp chuyển 16.000 tỷ đồng tiền vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để kịp đem đến hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cấp lương cho người lao động.

Trong các biện pháp khôi phục nền kinh tế mà Thủ tướng chỉ ra, biện pháp được các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp rất hoan nghênh là khuyến khích tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước. Bởi vì đại dịch Covid-19 mà nhiều nước ngừng nhập khẩu một số mặt hàng của nước ta. Đây cũng là cách giúp cho người sản xuất và các doanh nghiệp kinh doanh có thể hoạt động trở lại, tạo được việc làm cho công nhân. Thực tế  cho thấy việc đẩy mạnh tiêu dùng và phát triển thị trường trong nước cũng sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển, như vận tải hàng hóa, khôi phục các chuyến bay nội địa của các hãng hàng không nội, cung cấp hàng, khuyến khích du lịch, tạo thuận lợi cho nhiều địa phương tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Tự thân các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý kinh tế và an sinh xã hội đã đưa ra nhiều phương thức để đáp ứng các mục tiêu phát triển thị trường nội địa trên, như duy trì hoạt động các chợ truyền thống, siêu thị, kết hợp với thương mại điện tử, khai thác lại tất cả các chuyến bay nội địa của các hãng hàng không. Để phát triển thị trường nội, theo các chủ doanh nghiệp, vẫn cần Nhà nước có sự bảo trợ, tiếp tục đẩy mạnh phong trào người Việt dùng hàng Việt, người Việt du lịch đất nước Việt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua sự tự thân cảnh giác kiểm tra của các cơ sở sản xuất ngay từ gốc. Điển hình là Hà Nội sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ chăn nuôi gia súc gia cầm, tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, mất an toàn thực phẩm.

Việc khuyến kích tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa tin rằng sẽ được tiến hành tốt, hiệu quả cao nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ và chính quyền các cấp, ý thức vươn lên hồi phục kinh doanh của doanh nghiệp. Công việc cần thiết và hữu ích cho kinh tế chung này càng tăng thêm ý nghĩa và tinh thần quyết tâm vì sẽ tiến hành kết hợp với các hoạt động kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn. Quốc hội cũng sẽ xem xét phê duyệt Hiệp định thương mại FTA giữa Việt Nam và EU. Ngành điện được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương sẽ giảm giá bán, và cho nhiều thành phần tư nhân tham gia vào việc tăng năng lượng bằng điện gió, điện mặt trời, tham gia mạng lưới truyền tải điện.

Tại Hội nghị, các nhà sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng đều bày tỏ quyết tâm bảo đảm chất lượng hàng hóa, sự tín nhiệm với người tiêu dùng, tăng cường chế biến nông hải sản thành các thực phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chủ trương nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch. Để khuyến khích tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa, nhiều gói hỗ trợ tín dụng hạ lãi suất của các ngân hàng sẽ được đến với cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, trích tiền quỹ từ bảo hiểm xã hội áp dụng vào việc đào tạo lại lao động, tạo sự phấn khởi cho người lao động làm ra nhiều hàng hóa tốt, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Theo Thủ tướng Chính phủ, để khôi phục kinh tế tốt, cần một cơ chế nhanh và các biện pháp linh hoạt hiệu quả, thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thông qua Hội nghị này, mối quan hệ đồng hành vượt khó giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thêm một dịp để tiếp tục kết hợp sâu sắc, bền chặt và hứa hẹn thành công lớn hơn cho sự phát triển nền kinh tế đất nước. Tại thị trường nội địa có nhiều mặt hàng được người tiêu dùng tín nhiệm thường được xuất khẩu, như gốm sứ, hàng dệt may, nay chưa xuất khẩu được nhiều thì hãy tập trung bán trong nước. Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, Chính phủ và các doanh nghiệp đã cùng nhau nêu quyết tâm như nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ vào chiều 27/3/2020 tại cuộc họp thường trực Chính phủ chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến 4 trong 1 giữa Chính phủ với các địa phương: "Phải vực dậy nền sản xuất trong nước để giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế, không để đổ gục trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19".

Cũng theo Thủ tướng, nước ta còn nghèo, còn nhiều khó khăn, nhưng trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới. Qua nội dung của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ họp với các doanh nghiệp và diễn biến hoạt động kinh tế ngay sau đó đã có thể tin được rằng những đoán định trên của hai tổ chức tài chính thế giới lớn và nhiều uy tín chắc chắn sẽ thành sự thật trong năm nay ở nước ta.

Với tinh thần cứu doanh nghiệp như cứu hỏa, những người lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam đã cùng tỏ ý mong muốn Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế để đưa ra các quyết sách kịp thời, giúp doanh nghiệp vượt khó, hồi phục, phát triển, đóng góp được nhiều vào nền kinh tế đất nước, giải quyết tốt công ăn việc làm cho đông đảo người lao động. Vẫn nhận thức đầy đủ về sự cần thiết hội nhập kinh tế, đón nhận và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp FDI, song các doanh nghiệp trong nước cũng nhắc nhau cảnh giác, tỉnh táo, đừng để bị chèn ép, thâu tóm./.

                                                                                                        Trung Vũ



Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra