Nhờ việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên từ đầu năm đến nay, kinh tế và đời sống xã hội nước ta mới có sự trở lại bình thường như bây giờ, vừa đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, vừa giữ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng không quá sụt giảm như lo nghĩ lúc đầu.
Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát từ Trung quốc, lan rộng nhanh trên toàn cầu đã gây khó khăn cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng sản xuất. Theo Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp nước ta ước tăng 6,3%, nhưng lại sụt giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành công nghiệp điện - điện tử vốn có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc phải nhập khẩu linh kiện nhiều nên chỉ còn đủ linh phụ kiện cho sản xuất đến cuối tháng 3. Ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% sơ sợi và 45% phụ liệu từ Trung Quốc, đa số các doanh nghiệp dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc tháng 4, nguy cơ sản xuất đình trệ hiện ra trước mắt. Trước những khó khăn đó, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định cấp phát gói kích cầu 280 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, ban hành Chỉ thị 11 với 7 giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều biện pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát huy hết năng lực sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước kết hợp với xuất khẩu hàng hóa. Bộ đã tổ chức chương trình “tự hào hàng Việt Nam”, Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã rất ý thức và tích cực tham gia chương trình này.
Chính nhờ sự chỉ đạo của Nhà nước đến nỗ lực của các doanh nghiệp cùng người tiêu dùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ kép phát triển kinh tế - xã hội và chống dịch bệnh, nên nước ta đã được Thế giới khen ngợi. Chỉ số tăng trưởng GDP vẫn đạt mức hơn 3%, xuất nhập khẩu vẫn đạt tỷ lệ cao, riêng ngành dệt may so với cùng kỳ năm ngoái chỉ thấp hơn khoảng 11%. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài FDI cũng vẫn được đầu tư vào nước ta, đạt hơn 80% so với cùng kỳ 2019, 400 nghìn tấn gạo đã xuất khẩu bình thường sau những khó khăn, phiền phức ban đầu, sau sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ.
Kinh tế dần phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 tương đối được kiểm soát (Ảnh: Intenet)
Khẩu trang cũng đã được xuất khẩu hàng chục triệu chiếc. Nhà nước cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hộ thuộc diện an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ rất nhiều tiền vốn cho các doanh nghiệp để họ khôi phục sản xuất kinh doanh, nuôi giữ được lực lượng lao động đông đảo. Cố gắng tránh được việc sa thải lao động, đình trệ sản xuất… Đã nhiều doanh nghiệp kết hợp với Công đoàn tiến hành tốt trong tinh thần kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 và tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ qua gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Do đó, ngành công nghiệp tăng 1,8 % so với cùng kỳ năm 2019.
Rất đáng mừng là kết thúc Quý 1 cũng là lúc nhiều ngành sản xuất khôi phục và phát triển kinh tế, kinh doanh trở lại, như giao thông đường bộ, hàng không, nhiều cơ sở du lịch, danh lam thắng cảnh đã mở cửa đón khách. Sản xuất nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đã kết hợp tốt với nhau để giải cứu nông sản ế đọng bởi hậu quả của dịch bệnh, kết hợp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu hoa quả vẫn vượt mức, chăn nuôi lợn cũng đang khôi phục, kinh doanh luôn đi liền với khâu tiêu thụ hàng hóa, thực tế đang cho thấy tâm lý của người tiêu dùng cũng như cách thức tiêu dùng đã bình thường trở lại theo kiểu thuận mua vừa bán, song, cũng có những điểm mới như phải kết hợp với phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích hỗ trợ các ngành hàng sản xuất đã gặp khó khăn thời kỳ dịch bệnh, giúp họ đủ sức khôi phục và phát triển sản xuất trở lại, ủng hộ việc mua bán hàng theo các phương thức thời kỳ công nghệ số. Tất nhiên người tiêu dùng cũng đòi hỏi các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa phải đảm chất lượng hàng hóa, tiện dụng hơn trong cách bán hàng, cần có lực lượng giao hàng nhanh. Các địa phương tiếp tục việc xây dựng các công trình công cộng cần thiết, như thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án xây dựng khu đô thị hiện đại phía Đông, nhà ga Metro số 1 đã xong, Hà Nội cũng xây sửa lại một số đường phố. Đặc biệt, đã có gần 18.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Còn nhớ ngay từ đầu, khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, kêu gọi sự đoàn kết thống nhất triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ vừa ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực. Điều này thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đầu chống đại dịch được thế giới ghi nhận năng lực tốt và đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem việc chống đại dịch là chống giặc. Còn Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì xem là việc yêu nước. Trong lời kêu gọi, ông nhấn mạnh: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại được nhân lên gấp bội. Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Cho đến thời điểm này, 15 ngày không có ca lây nhiễm mới, phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi, nhiều lần xét nghiệm âm tính. Điều này có thể coi như chúng ta đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, trong khi kinh tế - xã hội vẫn phát triển tương đối tốt, thực tế này đã cho thấy việc thực hiện những sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ thông qua những ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là hoàn toàn đúng đắn và hiệu quả.
Sang Quý 2 và những tháng còn lại của năm 2020, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những sự chỉ đạo trên để có một sự bình thường trở lại trong mọi hoạt động đời sống và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với một hình thức mới mẻ sau dịch bệnh Covid-19./.
Trung Vũ