Đón nhận FDI dịch chuyển

Thứ năm, 16/07/2020 08:41
(ThanhtraVietNam) - Đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào, bao gồm cả Việt Nam. Những thiệt hại lớn lao ấy dẫn tới việc khi dịch bệnh đã giảm bớt, cần khôi phục hoạt động kinh doanh thì các doanh nghiệp FDI phải tìm ra những biện pháp thích ứng mới.

Trước việc dịch chuyển ấy, một số nước là đối tượng xem xét của các doanh nghiệp FDI dịch chuyển, cần phải có sự tính toán, cân nhắc xem khả năng của mình tiếp nhận sự dịch chuyển đó đến đâu để đôi bên đều có lợi. Đây cũng chính là vấn đề đang đặt ra đối với nền kinh tế nước ta, bởi nhiều doanh nghiệp FDI đang tính đến việc chuyển dịch đầu tư một vài nhà máy từ Trung Quốc hoặc một nước Châu Á khác tới Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên tiếp nhận sự dịch chuyển đó không, tiếp nhận ai và theo cách nào?

Để trả lời câu hỏi này thì trước hết cần xem lại tình hình nước ta tiếp nhận và duy trì FDI mấy năm gần đây như thế nào. Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì đây là một cơ hội ngàn năm có một, bởi: Trước hết là sự thay đổi của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ - Trung đang rất căng thẳng và mối quan hệ Trung Quốc - EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản cũng xấu đi, nói lên một thực tế là thế giới thay đổi nhanh chóng, cái mà chúng ta quan tâm nhất sau đại dịch là phải nghiên cứu sự thay đổi của thế giới và tác động của nó đến Việt Nam như thế nào, nhất là liên quan đến FDI.

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trên thế giới tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, họ sẽ thay đổi cấu trúc doanh nghiệp và chiến lược quốc tế. Chiến lược kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, EU sẽ thay đổi, liệu Việt Nam có nằm trong tầm ngắm của họ hay không? Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nghĩ tới sự liên quan tác động của các hiệp định FTA như EVFTA tới việc hoạt động của các nhà máy mà sự dịch chuyển FDI mang tới. Thứ hai, cũng cần xem xét việc tiếp nhận sự dịch chuyển FDI đó đối với Việt Nam có liên quan lớn đến sự phục hồi kinh tế như thế nào. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đồng lòng để nền kinh tế tăng trưởng 5% trở lên, như vậy chứng tỏ sức chống chịu của nền kinh tế vẫn lớn. Vậy nên đây là thế mạnh lớn của Việt Nam, tạo ra một cơ hội lớn bây giờ hoặc không bao giờ, mà chúng ta phải tận dụng để bứt phá, tăng tốc rút ngắn thời gian thực hiện khát vọng thịnh vượng.

leftcenterrightdel
 Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế thu hút FDI

Để tận dụng cơ hội này đạt hiệu quả cao, thì chúng ta phải làm nhanh hơn một số nước ở Châu Á cũng là đối tượng được xem xét chọn lựa, ví như Ấn Độ đã tiếp nhận nhiều tập đoàn kinh tế lớn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang. Về phía ta, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nhiều việc để đón làn sóng chuyển dịch FDI. So với một số các nước khác như Ấn Độ và Indonesia, chúng ta có những thuận lợi hơn so với họ: Vị trí của Việt Nam gần Trung Quốc nhất nên nếu dịch chuyển đầu tư thì các doanh nghiệp FDI sẽ không phải di chuyển nhiều. Thứ hai, chúng ta có cộng đồng ASEAN, có hiệp định đầu tư ASEAN, nhà đầu tư FDI vào Việt Nam cũng là nhà đầu tư tại ASEAN, có thể thuận lợi khi bán hàng ra ASEAN. Đây là thị trường có 650 triệu người, lớn hơn nhiều so với thị trường EU và tổng GDP gần 4 nghìn tỷ USD. Nhà đầu tư FDI sẽ có lợi thế lớn khi tiếp cận thị trường ASEAN 600 triệu dân. Thứ ba và cũng là quan trọng nhất là việc Việt Nam có lợi thế lớn về an toàn chính trị, an ninh kinh tế sau đại dịch, viêc kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm khiến chúng ta có ưu thế hơn so với các quốc gia khác.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để đón tốt dòng đầu tư FDI dịch chuyển lúc này, Việt Nam phải sớm tuyên bố với các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới là chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư, hiện đang có hơn 350 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế ven biển mà một nửa diện tích còn đang để trống tuy hạ tầng tương đối tốt, giao thông thuận tiện, rất tiện lợi đón các doanh nghiệp FDI vào. Giá cho thuê đất của Việt Nam khá rẻ chỉ bằng 40% giá thuê tại Bắc Kinh, Thượng Hải. Lợi thế thứ hai là chúng ta có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam đang xuất hiện sự lo ngại là nếu cứ thoải mái mở rộng việc đón nhận FDI dịch chuyển sẽ khiến nước ta trở thành bãi rác thải của thế giới. Để ngăn chặn việc này thì chúng ta phải yêu cầu các doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam không được mang thiết bị cũ và phải làm nhanh các thủ tục để họ đến là bắt tay vào sản xuất được ngay. Mặt khác để giữ súc hút với đầu tư FDI, Việt Nam cũng cần phục hồi nhanh nền kinh tế, nhất là với các ngành nghề liên quan đến việc vận chuyển và nâng cao tâm lý vui vẻ, thoải mái như hàng không, giao thông và du lịch. Lâu nay chúng ta đã có sự lựa chọn dự án đầu tư, có sự chú ý đúng mức đến FDI, không dành những dự án đủ sức đón nhận FDI chỉ cho riêng các doanh nghiệp trong nước. Dự báo FDI 2020 vẫn có thể đạt mức 20 tỷ USD vốn thực hiện, thấp hơn 2 tỷ USD so với năm ngoái. Các cán bộ quản lý và chuyên gia kinh tế cũng có sự cảnh báo các doanh nghiệp trong nước là phải cảnh giác, cân nhăc kỹ khi tiếp nhận FDI chuyển dịch, đừng để một số tập đoàn FDI nước ngoài nhân lúc chyển dịch, tìm một số doanh nghiệp Việt Nam đang quá khó khăn đình trệ sau đại dịch Covid- 19, để họ bỏ vốn ra, mượn các hình thức đầu tư, hợp nhất mua bán doanh nghiệp mà mua rẻ các cơ sở sản xuất, nhà máy, cửa hiệu, bỗng dưng làm cho doanh nghiệp Việt Nam bị chấm dứt sản xuất kinh doanh, xóa sổ thương hiệu trên thị trường.

Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế thu hút FDI. Cuộc họp thường trực Chính phủ cuối tháng 5/2020 đã bàn về triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng đầu tư mới khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thu hút FDI hậu Covid-19.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, cho đến nay chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã tương đối đầy đủ. Nghị quyết 50 xác định chủ trương tạo tiền đề cơ bản nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn FDI. Việc thay đổi điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp, chính sách đã theo đúng định hướng thu hút FDI một cách có chọn lọc. Nghị quyết đặt ra mục tiêu xu hướng sản xuất công nghiệp là theo công nghệ cao, nhưng để thu hút công nghệ cao thì phải tạo dựng cư sở hạ tầng đầy đủ. Một số quy định mới trong quản lý đất đai cũng đã hỗ trợ cho việc này bằng việc dành đất cho các khu công nghiệp để tiếp nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI. Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể lựa chọn dự án nào, lĩnh vực nào cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế từng ngành nghề. Từ đó xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư công nghệ cao có chương trình xúc tiến đầu tư bài bản để tìm đúng đối tác mình cần, chọn được rồi thì tạo điều kiện từ mặt bằng, đến lao động chất lượng cao.

Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu ý kiến: Chính phủ cần hướng dẫn các bộ ngành, địa phương, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng đòi hỏi của những tập đoàn kinh tế lớn khi chuyển nhà máy sang Việt Nam, phải chuẩn bị sẵn đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin về giá thuê đất, điều kiện giao thông, thông tin, đảm bảo điện nước. Phải công khai minh bạch đơn giản hóa thủ tục cấp phép để rút ngắn thời gian thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư bằng cơ chế một cửa. Cũng theo hiệp hội Đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần coi trọng hình thức đầu tư xí nghiệp chế xuất. Trên tinh thần đó, nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tất cả đều muốn vượt lên một thực tế là năm 2019 càng về cuối năm thì quy mô dự án FDI cứ giảm dần, vốn trung bình chỉ còn 4-5 triệu usd/dự án. Những năm gần đây ngành công nghiệp chế biến chế tạo liên tục giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn nhành công nghiệp cũng như nền kinh tế thì bây giờ với việc tiếp nhận FDI chuyển dịch nhất là có liên quan đến công nghiệp chế biến chế tạo, thì ngành công nghiệp nước ta sẽ tiếp tục dẫn dắt kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn.

Các ý kiến, luận cứ đánh giá kể trên đã cho thấy khả năng cũng như tương lai, hiệu quả của việc tiếp nhận FID chuyển dịch là cao, là tốt. Vấn đề còn lại là sự hoạt động tích cực, thiết ứng, phù hợp của các cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước đối với đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có dạng đầu tư hoàn toàn vốn nước ngoài có sự dễ dàng các thủ tục hành chính, thuận tiện mặt bằng đất đai và giao thông vận tải, đi liền với bảo vệ môi trường, không gia tăng rác rưởi do sự tiếp nhận FDI dịch chuyển đem lại. Chuẩn bị tốt mọi sự như thế thì ta cứ việc mở rộng cửa đón các sự dịch chuyển FDI hậu Covid-19 vào./.

                                                                                                      Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra