Đột phá trong phát triển kinh tế

Chủ nhật, 26/03/2017 23:18
(ThanhtraVietnam) - Sau 30 năm đổi mới, nhiều lĩnh vực kinh tế của nước ta đã chững lại, thậm chí tụt hậu so với chính mình, nhất là so với thế giới. Nhưng những năm gần đây, Chính phủ cũng như các cấp, các ngành, các chuyên gia kinh tế đã có nhiều chính sách, chiến lược theo chiều hướng hiện đại, thực tiễn, tạo sự đột phá cho nền kinh tế. Mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội và thách thức, đòi hỏi các ngành kinh tế, đặc biệt là hai ngành công nghiệp và nông nghiệp phải có sự đột phá để mạnh mẽ tiến lên.

Phải làm sao bứt phá lên để phát triển mạnh mẽ, bền vững nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với kinh tế thế giới. Chúng ta đang đứng trước một thực tế là khởi đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 2016-2020 không mấy thuận lợi. Thế giới diễn biến khó lường với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tuý, một số hiệp định thương mại đang ở vào thế mong manh tồn tại, như TPP, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng loạt chính sách mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam, có thể phải điều chỉnh cho phù hợp. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo, tăng trưởng thương mại giảm mạnh, hoạt động của thị trường hàng hoá kém sôi động, tác động tiêu cực đến nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Sự phát triển kinh tế trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa như vậy, chúng ta không thể nản lòng, mà phải kiên quyết vượt khó, tiến lên tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để phát triển. Trong năm 2016 Đảng và Nhà nước đã thông qua chương trình mới về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Sau Đại hội 12 của Đảng, Chính phủ đã nhanh chóng xác định và triển khai hai tuyến hành động lớn có ý nghĩa chiến lược xuyên suốt tạo thay đổi là: xây dựng nhà nước kiến tạo với một chính phủ liêm chính, hành động; coi khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng của cả nền kinh tế. Đây là bước tiến lớn, hành động mạnh mẽ theo chiều hướng hiện đại, thực tiễn, tạo sự đột phá cho nền kinh tế. Năm 2017 mở ra với nhiều tiềm năng, cơ hội và rủi ro, thách thức, đòi hỏi các ngành kinh tế, đặc biệt là hai ngành công nghiệp và nông nghiệp phải có sự đột phá để mạnh mẽ tiến lên.

Ngành công nghiệp có nhiều việc phải làm để khai thác tiềm năng rất lớn, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm ở các ngành hàng có khả năng xuất khẩu cao cũng như có chỗ đứng vững chãi trên thị trường nội địa khi mức sống của người dân tăng lên. Có rất nhiều việc phải làm để đưa sự phát triển công nghiệp sang thời kỳ mới, như phải rà soát để đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công nghiệp, ví như tạo điều kiện để cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ vượt khỏi sự bất cập, yếu kém, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo cơ chế để doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ, triển khai hoạt động thiết kế và chế tạo tại Việt Nam, giảm gia công lắp ráp và sử dụng nhiều lao động. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ sản phẩm mũi nhọn, Có thể vẫn cần chính sách công nghiệp ưu tiên trên quan điểm lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên nhằm vào một số sản phẩm cụ thể, định hướng chính sách công nghiệp ưu tiên phát triển một số lĩnh vực năng lực phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn của đất nước, thực hiện thật bài bản, kỹ lưỡng dựa trên thực lực công nghệ quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới.

Nông nghiệp cũng cần sự đột phá để phát triển. Trong bối cảnh thế giới và nhu cầu thị trường đang thay đổi, ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đa chức năng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tiến tới nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản với giá trị gia tăng ngày càng cao. Cần chuyển nền nông nghiệp thiên về gia tăng số lượng sản phẩm, sử dụng nhiều chất hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ với quy mô lớn, coi trọng hơn giá trị sản phẩm mang tính hàng hoá. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ. Chuyển diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát huy lợi thế của các vùng miền. Sửa đổi cơ chế chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, coi doanh nghiệp là đầu tầu trong liên kết. Các chính sách tín dụng, ngân hàng phải tạo điều kiện tốt cho sản xuất của nông dân và kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Việt Nam phải có thương hiệu nông nghiệp, có chỗ đứng chắc chắn, lợi thế trên thị trường trong, ngoài nước, nâng cao  cuộc sống cho người nông dân.

Tạo đột phá cho nền kinh tế không chỉ là các chủ trương chính sách của nhà nước mà còn phải là ý thức, hoạt động của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp ở mỗi ngành nghề cần đề xuất với nhà nước những yêu cầu có tình có lý để phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời tìm hiểu các vấn đề nhà nước đã chỉ đạo mà thực thi, cũng như theo dõi diễn biến của thị trường, từ đó có những hướng đi cụ thể phù hợp./.

                                                                                                               Trung Vũ

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra