Ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo sẽ bị xử lý nghiêm

Thứ năm, 01/10/2020 15:59
(ThanhtraVietNam) – Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có những quy định cụ thể về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp phụ huynh, học sinh bị “ép” mua sách tham khảo như dư luận phản ánh dịp đầu năm học 2020-2021. Đây là việc làm trái với quy định của Bộ GDĐT, cần xử lý nghiêm.

“Chuyện muôn thuở”

Năm nào cũng vậy, bước vào đầu năm học mới là một loạt các vấn đề “muôn thuở” lại trở thành vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm, bàn luận, như: Các khoản thu đầu năm, quỹ phụ huynh, đóng góp xây dựng trường lớp, chạy lớp chạy trường… và cả sách tham khảo. Và, như thường lệ, đầu năm học nào Bộ GDĐT cũng ban hành văn bản chấn chỉnh về các vấn đề nêu trên, nhất là tình trạng lạm thu và sách tham khảo. Các Sở GDĐT tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, cũng sẽ có văn bản hướng dẫn hoặc chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, một áp lực vô hình lại tạo ra sức nặng khiến những việc nêu trên thành điều hiển nhiên. Đầu năm học 2020-2021, tình trạng bị “ép” mua sách tham khảo hoặc nhà trường yêu cầu mỗi học sinh mua một bộ sách, trong đó không chỉ có sách giáo khoa mà kèm theo rất nhiều sách bổ trợ, tham khảo gây bức xúc trong dư luận. Nhiều phụ huynh thấy nhà trường bán cả bộ thì cứ đăng ký mua cho con, cũng có những phụ huynh biết nhà trường không chỉ bán sách giáo khoa mà kèm cả sách tham khảo, bài tập bổ trợ nhưng cũng “đành phải mua” cho con.

leftcenterrightdel
 Sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 thực hiện theo chương trình giáo dục mới, có 5 bộ để nhà trường tự chọn nên có nhiều phụ huynh lóng ngóng. (Ảnh internet)

Tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khi nhà trường thông báo mua sách đầu năm thì phụ huynh cứ đăng ký vì nghĩ tất cả đều là sách giáo khoa, trong khi đó nhà trường không chú thích rõ quyển nào là sách giáo khoa và quyển nào là sách tham khảo. Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý đăng ký mua tất theo khuyến nghị của nhà trường để con mình có đủ sách vở như bạn bè trong lớp. Cũng có những phụ huynh biết một số quyển trong bộ sách mua của nhà trường là sách bổ trợ, nâng cao, tham khảo nhưng không dám ý kiến vì tâm lý “ngại va chạm” với thầy, cô giáo, với nhà trường. Như vậy, vô hình chung việc mua sách giáo khoa kèm sách tham khảo từ nhà trường thành một điều “hiển nhiên” mà phụ huynh nào cũng tuân theo. Sau đó, nếu có bức xúc hoặc tâm sự thì lên các diễn đàn, mạng xã hội chia sẻ… chứ không dám thẳng thắn phản bác, không đồng ý hoặc trao đổi lại với giáo viên, nhà trường.

Pháp luật có đi vào cuộc sống?

Việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã được Bộ GDĐT quy định cụ thể tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014. Trong đó, tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 nêu rõ:

“2. Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.

3. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.

4. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.

Ngày 26/9/2020, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển năng lực diễn ra ngày 23/9/2020 cũng đề cập về sách giáo khoa. Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GDĐT “có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo”.

Về phía Bộ GDĐT, trước tình trạng thiếu sách giáo khoa xảy ra tại một số địa phương và vẫn còn một số cơ sở giáo dục giới thiệu sách tham khảo, kèm theo danh mục sách giáo khoa gây bức xúc trong dư luận đầu năm học mới 2020-2021, ngày 08/9/2020, Bộ đã có văn bản số 3453/BGDĐT-GDTH về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, đối với tài liệu tham khảo, Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổi thông thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 và Điều lệ trường học. “Trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc”, văn bản của Bộ GDĐT nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GDĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Như vậy, về mặt pháp lý, Bộ GDĐT đã có những quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng sách tham khảo, bổ trợ. Tuy nhiên, phần chế tài xử lý vi phạm lại chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, dẫn dến việc thiếu tính răn đe, cảnh báo đối với các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, vẫn có những cơ sở giáo dục không thực hiện nghiêm hoặc cố tình bán sách giáo khoa kèm theo sách tham khảo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cần sửa đổi, bổ sung quy chế và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm

Chiều 30/9/2020, Bộ GDĐT đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2020 trong đó vấn đề sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới và tình trạng phụ huynh, học sinh bị “ép” mua sách tham khảo được đông đảo phóng viên báo đài quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết, Luật Giáo dục quy định, chương trình giáo dục chỉ có sách giáo khoa, đây là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường, ngoài ra không có quy định nào khác. Sách tham khảo là sách của nhà xuất bản, xuất bản theo Luật Xuất bản và nội dung được kiểm soát theo đúng luật, được phát hành ngoài thị trường.

Về việc đưa sách tham khảo vào thư viện của nhà trường, ông Thành cho biết thêm, Bộ GDĐT đã có quy định cụ thể tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 như đã nêu trên. Tuy nhiên, đâu đó, nhà trường thực hiện sai quy định này thì trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cấp tiểu học và trung học cơ sở thì Phòng GDĐT phải có trách nhiệm quản lý vấn đề này; đối với giáo dục phổ thông, Sở GDĐT phải quản lý. Đặc biệt, Thông tư cũng quy định rất rõ trách nhiệm người đứng đầu nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc sử dụng sách tham khảo.

“Tôi mong các cơ quan quản lý ở địa phương (Phòng GDĐT, Sở GDĐT) và UBND các cấp phải có trách nhiệm quản lý sách tham khảo trên địa bàn. Không để xảy ra chuyện ép học sinh phải mua sách giáo khoa kèm theo sách tham khảo như đã phản ánh”, ông Thành bày tỏ.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT khẳng định, quy định tại Thông tư 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

“Thị trường sách tham khảo rất phong phú, số lượng sách tham khảo của các nhà xuất bản chiếm phần lớn trong danh mục bán hàng trong các cửa hàng sách. Sách giáo khoa chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có nơi không có.

leftcenterrightdel
 Sách tham khảo "bạt ngàn" ở các nhà sách khiến phụ huynh "choáng ngợp" khi lựa chọn. (ảnh internet)

Hầu hết các sách tham khảo này được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Còn Bộ GDĐT không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường sao cho hiệu quả hơn”, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT nhấn mạnh.

Thời gian tới, để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, ông Trần Quang Nam chia sẻ, Bộ GDĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 21/2014/BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.

Như vậy, mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng thực tế việc nhà trường “ép” phụ huynh, học sinh phải mua sách tham khảo vẫn xảy ra ở một vài nơi nên việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 21/2014/BGDĐT cho phù hợp với tình hình thực tiễn là cần thiết. Đáng nói, cần phải đưa ra chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bên cạnh đó, các nhà trường phải công khai, minh bạch trong việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra trong việc sử dụng sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục… đặc biệt, cần sự vào cuộc, tham gia, giám sát của các cơ quan báo chí, truyền thông./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra