Học tập ngoại ngữ được xác định trong chương trình quốc gia đến năm 2030
Theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều quy định về nội dung, chương trình, hình thức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Mục tiêu của Nghị định nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định quy định rõ, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm: Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.
Nghị định nêu rõ, Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.
Về giá trị của Chứng chỉ được quy định một cách linh hoạt. Theo đó, Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức có giá trị thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức có giá trị thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng. Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức cùng hạng ở các chuyên ngành khác nhau có giá trị thay thế cho nhau.
Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết mẫu chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đến năm 18/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg Về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tập trung một số nhiệm vụ trong đó có đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam; dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định. Tiếp đó, đến hết năm 2021, bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Gần đây nhất, 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”. Đối tượng áp dụng gồm: Cán bộ trong các cơ quan nhà nước; Công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); công chức xã, phường, thị trấn (cấp xã) và Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế.
Đi kèm với đó, nhiều giải pháp đồng bộ được xác định trong đó, có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.
Tiếp đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao năng lực thực thi công vụ và làm việc được trong môi trường quốc tế; huy động các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chức danh, vị trí việc làm và yêu cầu thực thi công vụ; Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực, uy tín tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và Hoàn thiện các quy định về chứng chỉ và thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Một giải pháp quan trọng khác là phải thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực trong đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiếp cận chuẩn quốc tế. Cụ thể, thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và các chứng chỉ theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức thi, đánh giá năng lực.
Ngoài trách nhiệm chung của các Bộ, ngành, địa phương thì Quyết định 1659/QĐ-TTg cũng nêu rõ: “Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này”.
Chứng chỉ ngoại ngữ. Ảnh minh họa: Laodong.vn
Cần nhìn nhận đầy đủ, khách quan về chứng chỉ ngoại ngữ
Thời gian gần đây, vấn đề bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được dư luận quan tâm, thậm chí có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo TS Luật Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cần nhìn nhận khách quan rằng, Các chứng chỉ ngoại ngữ có chất lượng, đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức nghe, đọc, viết tốt ngoại ngữ là các chứng chỉ dành cho hoạt động thực hành chứ không phải chứng chỉ “chết”. Với những điều kiện thi công chức, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp thì phải có điều kiện tiếng Anh, tin học là phù hợp. Thời gian qua theo dõi nắm bắt thông tin cho thấy không ít trường hợp thi tuyển công chức, các loại hình thi nâng ngạch trượt do không vững ngoại ngữ, tin học, có khi vì học “giả dối”. Tuy nhiên, cần thực tế rằng, đối với điều kiện thi tuyển cho công chức, viên chức...hoặc điều kiện để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm,.. thì cân nhắc độ tuổi, tránh người sắp về hưu vẫn phải thi hoặc các chức danh tái bổ nhiệm cho nhiệm kỳ công tác cuối là không nên.
Do vậy, theo nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, đối với những chứng chỉ do các trung tâm cấp thì không thực tế, còn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các chứng chỉ quốc tế uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì phù hợp. Những cơ sở cấp chứng chỉ quốc tế có năng lực, được thẩm định kĩ rồi thì đảm bảo cho phục vụ nâng cao năng lực trình độ, đảm bảo học tập liên tục đến khi đạt trình độ thì không nên bỏ. Chất lượng của các chứng chỉ quốc tế cũng không ai có thể phủ nhận chất lượng và ứng dụng trong thực tế. Đây là điều kiện quan trọng để tiến tới hội nhập, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tới đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Anh cần được đổi mới. Ví dụ, tiếng Anh cho lĩnh vực tài chính, kế toán tập trung các từ vựng cho lĩnh vực tài chính kế toán và các giao dịch về tài chính, kế toán và liên quan. Còn tiếng Anh cho người hoạt động pháp luật thì cần được học về pháp luật về: Dân sự, hình sự, tư pháp...Đặc biệt, coi trọng tiếng Anh chuyên ngành gắn với các nghề nghiệp, vị trí việc làm của công chức, viên chức để giúp đối tượng này nâng cao trình độ, nghiệp vụ, phục vụ tốt cho công việc.
Theo một chuyên gia giáo dục nhìn nhận, phải khẳng định vững chắc rằng, chủ trương hội nhập quốc tế là một trong những chiến lược cơ bản, lâu dài mà Đảng và Nhà nước đã xác định để Việt Nam trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại. Trong đó, giáo dục giữ vai trò cực kỳ quan trọng, là quốc sách hàng đầu, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Thực tế, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030”, các Bộ, ngành, địa phương liên quan cũng đã có văn bản triển khai Đề án, bước đầu đã có một số Bộ, ngành triển khai hiệu quả. Đây là quyết sách đúng đắn, một quyết tâm chính trị có tầm nhìn xa và có cơ sở thực tiễn vững chắc.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, do chưa hoàn thiện hành lang pháp lý về khung đánh giá chuẩn, bên cạnh đó có nhiều vấn đề trong triển khai, dẫn đến tình trạng một số trường, một số đơn vị tổ chức việc đánh giá, sách hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ chỉ nặng về hình thức, không thực sự coi trọng chất lượng đào tạo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác đào tạo ngoại ngữ. Điều này gây nên bức xúc trong xã hội.
Song cần phân biệt cho đúng rằng, đây là bất cập trong đánh giá, kiểm định chất lượng của việc cấp chứng chỉ, chứ không phải bất cập trong chính sách. Và không phải từ bất cập đó mà bỏ chứng chỉ, vì chứng chỉ là tất yếu phải có cho một quá trình kiểm định, đánh giá. Nếu vì bất cập trong đánh giá, kiểm định mà bỏ chứng chỉ thì không lô gic. Giống như, lỗi ở vận hành chiếc đồng hồ mà bỏ luôn chiếc đồng hồ thì lãng phí và không có gì để đo thời gian.
Theo các chuyên gia, quan điểm đúng đắn trong mọi sự việc là sai đâu, sửa đó. Sai ở khâu kiểm định, đánh giá thì chỉnh sửa quyết liệt vào hệ thống cơ quan làm chuyên môn kiểm định, đánh giá và quy trình kiểm định, đánh giá để cấp chứng chỉ cho đúng chất lượng. Cần chọn lựa các đơn vị kiểm định, đánh giá năng lực ngoại ngữ đảm bảo trung thực, khách quan, theo chuẩn Quốc tế và chứng chỉ do các cơ sở đó cấp được áp dụng rộng rãi, được công nhận phù hợp với chuẩn tương đương các nước trong khu vực và thậm chí là trên thế giới.
Tràng An