Hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam

Thứ hai, 29/05/2017 09:47
(ThanhtraVietNam) – Từ thời xa xưa cho đến xa gần, ở nước ta, hàng hóa tiêu dùng chủ yếu do ngành tiểu thủ công nghiệp làm ra nên đâu có nhiều. Mặt khác, thu nhập của đại bộ phận người dân còn thấp nên sức mua ít. Khâu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu thường chỉ qua các cô hàng xén ở chợ quê và các cửa hàng tạp hóa nho nhỏ nơi phố thị mua buôn rồi bán lẻ đến người tiêu dùng là đủ, là ổn.

Đến khi công nghiệp nhẹ phát triển, hàng tiêu dùng được sản xuất ra nhiều, mức sống người dân tăng lên theo sự phát triển của nền kinh tế đất nước thì việc bán buôn, bán lẻ đã chẳng thể giản đơn như trước, mà cần đến các hình thức phù hợp, phong phú hơn. Nhất là khi nước ta mở rộng hội nhập kinh tế với thế giới, người tiêu dùng không chỉ có cơ hội chọn lựa các mặt hàng đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng mà còn được tiếp xúc với lối bán hàng văn minh, khéo chiều khách của các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm giữ thị phần trong nước. Thực tế này đặt ra thử thách mới không hề nhỏ với ngành bán lẻ Việt Nam về sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ngành bán lẻ nội địa có thể sẽ thua ngay trên sân nhà nếu như không có sự đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Rồi sự bùng phát của thương mại điện tử cũng đòi hỏi ngành này phải chạy theo kỹ thuật số nên càng không thể cứ bán hàng theo cách thức cũ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa
Để làm được điều này, trước hết, ngành bán lẻ Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về những hàng hóa chất lượng và cách thức phục vụ lịch sự, chiều khách, thuận tiện hơn. Một cuộc khảo sát mới đây của công ty Nielsen Việt Nam cho hay, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả cao hơn để mua sản phẩm tốt và dịch vụ tiến bộ, họ cũng muốn hàng hóa họ mua là sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, tốt cho sức khỏe. Họ đặt niềm tin vào thương hiệu mà họ lựa chọn. Vì thế, các nhãn hàng muốn xây dựng một niềm tin mạnh mẽ đối với người tiêu dùng thì phải tính toán và đầu tư chiến lược để tung các sản phẩm có cam kết chất lượng bền vững ra thị trường. Còn theo nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp hội Bán lẻ rất cần sự cam kết giữa các nhà sản xuất hàng hóa và ngành hàng bán lẻ về trách nhiệm với các sản phẩm làm ra và bán lẻ trên thị trường về chất lượng hàng, về bảo vệ môi trường ngay từ gốc, để người kinh doanh bán lẻ có những mặt hàng phù hợp với yêu cầu của người mua rồi mới đem ra giới thiệu và bán.

Trong suốt quá trình bán lẻ thì nhu cầu, các tiêu chuẩn đặt ra của người tiêu dùng có quyết định phần lớn đến sự lưu thông hàng hóa nên trong sự liên kết giữa nhà sản xuất và người bán lẻ còn phải có được sự thống nhất về khả năng dự báo nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu dự báo thiếu chính xác thì nhà sản xuất sẽ không bán buôn được hàng, nhà bán lẻ sẽ thua lỗ nếu nhập những mặt hàng không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng rồi đem ra bán. Tiếc thay, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và những người bán hàng lẻ dự báo nhu cầu theo cảm tính hoặc ít tìm hiểu thị trường, thiếu những khảo sát về nhu cầu của người mua. Nếu chỉ quan niệm là đa dạng mặt hàng, mẫu mã sẽ bán được hàng là chưa đủ, mà còn phải tìm hiểu được, dự báo đúng những sự đa dạng phong phú ấy có hợp với thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng không? Cấp độ chi tiết của dự báo là cần thiết cho mỗi ngành hàng theo những tổ hợp sản phẩm có những đặc điểm thương mại qua việc phân tích số liệu và hiểu rõ tâm lý của khách hàng, độ nhạy cảm với quảng cáo và khuyến mại. Trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường bấp bênh, hàng nhập ngoại đang chiếm nhiều ưu thế về chất lượng, mẫu mã, giá cả, còn doanh nghiệp bán lẻ nội chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ, tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Nếu muốn tồn tại, phát triển, hiển nhiên, các doanh nghiệp nội địa phải tự thân vượt khó, vươn lên, mở rộng quy mô, lớn thêm tầm vóc, chủ động liên doanh, liên kết để đủ tầm, đủ sức kinh doanh lớn mà thi thố với các đại gia bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, tiếp nhận, khai thác hiệu quả cao các chính sách, biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước và phải văn minh, hiện đại hóa nhanh cho kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới. Gần đây, thương mại điện tử được xem là kênh bán lẻ hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên ngành bán lẻ Việt Nam phải tiếp cận tốt kênh bán hàng này để có thể tăng được doanh số bán hàng; Để khỏi thua thiệt nhiều trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang bành trướng; Tận dụng mọi lợi thế do các hiệp định thương mại đem lại; Mua gom một số siêu thị bán lẻ để ra sức khai thác thế mạnh của thương mại điện tử khi mà 39% của hơn 90 triệu người Việt Nam đã mua hàng hóa thông qua dịch vụ trực tuyến. Năm 2016, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt 1,8 tỷ USD. Năm 2017, thói quen và nhu cầu mua sắm mới đang tạo nên những xu hướng mới và cũng đặt ra yêu cầu mới cho ngành bán lẻ nước ta là cần có công nghệ và công cụ mới để tương thức bán hàng trong đó, có kênh thương mại điện tử. Nhưng cũng cần phải biết rằng các doanh nghiệp bán lẻ muốn tiến hành hiệu quả cao thương mại điện tử thì phải luôn trung thực, không lợi dụng thương mại điện tử để lừa dối khách hàng, làm mất niềm tin giữa người bán hàng với người mua. Đặc biệt là phải cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng cáo đúng, không thể giới thiệu một thứ hàng này là tốt, là rẻ, rồi lại giao một thứ hàng khác vừa kém chất lượng lại vừa đắt.

Có tiến hành nhanh, mạnh những việc kể trên để hiện đại hóa chu trình bán lẻ thì ngành bán lẻ Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và hy vọng thắng, vượt được những khó khăn thách thức trên thương trường trong, ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh doanh cao./.

                                                                                                       Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra