<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Cùng
với công cuộc đổi mới của đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được
Đảng, Nhà nước khẳng định vị trí, cổ vũ khởi nghiệp, tạo thêm thuận lợi. Việc
Chính phủ chọn năm 2016 làm năm quốc gia khởi nghiệp càng làm rõ thêm điều này.
Trong Nghị quyết số 35/2016 NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát
triển doanh nghiệp đến năm 2020, một mục tiêu quan trọng đã được đặt ra là cả
nước ít nhất có 1 triệu doanh nghiệp, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm
là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng
tạo. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp
Việt Nam - động lực phát triển kinh tế đất nước” và tiến hành hàng loạt các cuộc
tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong sản
xuất, kinh doanh của họ. Những động thái kể trên của Chính phủ cho thấy rõ sự
nhất quán chủ trương, chính sách trong việc hoàn thiện thể chế tạo điều kiện
tối đa cho doanh nghiệp và người dân làm ăn. Nhờ những chính sách đó cũng như
việc tự vươn lên của doanh nghiệp, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, số doanh
nghiệp mới được thành lập đã là 81,4 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký
629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số lượng và 49,5% về số vốn so với cùng kỳ
năm 2015. Khả năng cả năm dự báo là sẽ có 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới bắt đầu có hiệu lực đã được các doanh
nghiệp phấn khởi đón nhận và triệt để khai thác cơ hội, lợi ích. Như vậy về
phương diện nhà nước đã rất thuận lợi, vấn đề chỉ còn là các hoạt động tự thân
của doanh nghiệp đến đâu cũng như sự liên kết thế nào để giúp đỡ nhau, học hỏi
kinh nghiệm, tạo lực cạnh tranh trong khu vực và cùng khu vực ASEAN cạnh tranh
với thế giới. Do đó, rất cần một hình
thức liên kết kiểu "buôn có bạn, bán có phường", đã hình thành, phát triển từ
nhiều đời rồi, bây giờ gọi là hiệp hội. Hiện thời, mỗi ngành hàng đều có các
hiệp hội và 450 hiệp hội ngành hàng đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của các
doanh nghiệp Việt Nam, đang hoạt động tích cực giúp nhau sản xuất, kinh doanh
và đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến, hay tham gia hội đồng
cải cách thủ tục hành chính, kiến nghị Nhà nước nhiều vấn đề về thuế, về lao
động, tiền lương, bảo hiểm, kinh phí công đoàn,... Các hiệp hội luôn đại diện
cho ngành nghề của mình làm cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ, các Bộ, cơ
quan quản lý kinh tế. Cũng qua hiệp hội, nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến thương
mại, xuất khẩu hàng hóa tốt hơn. Vai trò, lợi ích của các hiệp hội đối với
doanh nghiệp là không thể phủ nhận, nhất là trong việc tạo dựng môi trường kinh
doanh thuận lợi, kết nối rộng khắp để bảo vệ ngành hàng của mình.<o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Tuy
nhiên, trong khi nhiều hiệp hội ngày càng lớn mạnh thì cũng có một số hoạt động
cầm chừng, thậm chí có cũng như không, có hiệp hội có đến 1 vạn hội viên, song
có hiệp hội chỉ có vài chục, liên kết hời hợt, khó hoạt động vì không thu phí
hội viên, hội viên không đóng, nên khó hoạt động, nhưng cũng có những hội biết
kiếm tiền cho hoạt động của hội nhờ kết nối kinh doanh, nhận tài trợ từ các
doanh nghiệp làm ăn khá giả, tìm nguồn thu từ làm dự án với các tổ chức phi
chính phủ. Nhiều hiệp hội hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu nhân lực,
thiếu thông tin, chưa có được vai trò chủ động và tích cực cần thiết, sự góp ý
với các cơ quan quản lý kinh tế không sát thực tế, chưa thể hiện được hết tiếng
nói đồng thuận của các doanh nghiệp thành viên, liên kết hội viên trong hiệp
hội đã yếu, liên kết giữa các hiệp hội lại càng yếu hơn. Những yếu kém này cần
khắc phục, chấn chỉnh ngay. Một nguyên nhân khác làm yếu hoạt động của các hiệp
hội là thiếu luật, cần sớm hoàn thiện ban hành luật về hội để tạo ra một khung
khổ pháp lý an toàn hợp lý để các hội hình thành thuận lợi, phát triển ổn định.
Hy vọng rằng nếu luật về hội trong đó có hiệp hội được Quốc hội thông qua trong
kỳ họp này sẽ là cơ hội giúp các hiệp hội ngành nghề hoạt động tốt hơn. Bản
thân các hiệp hội cũng cần có các biện pháp tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt
động nhất là liên quan đến hội nhập kinh tế, có như thế hoạt động mới hiệu quả,
tính liên kết doanh nghiệp và hiệp hội sẽ tăng lên, hiệp hội sẽ như là cánh tay
nối dài của các doanh nghiệp, là điểm tựa cho doanh nghiệp, giúp cho các doanh
nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn là nhỏ lẻ, là cầu nối giữa doanh nghiệp với
thế giới hội nhập. Hiệp hội phải tiến tới là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, có
tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại ngân hàng, tổ chức hoạt
động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về
tài chính, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, điều lệ phải được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước đây, hiệp hội hầu hết là do Nhà nước lập
và thành viên cũng chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, hiệp hội chỉ như cánh
tay nối dài của Nhà nước để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Nhưng
ngày nay thì khác, số doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên, họ lập hiệp hội của họ
để liên kết phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình và đại diện cho tiếng
nói của họ với Nhà nước, là một mắt xích, cầu nối không thể thiếu giữa các
doanh nghiệp với Chính phủ và các Bộ, ngành. <o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Trong
quá trình hội nhập hiện nay, hiệp hội có vai trò ngày càng quan trọng làm chỗ
dựa tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các hội viên hoạt động chủ động tự
tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và theo đuổi
các mục tiêu của mỗi doanh nghiệp, điều phối sự hài hòa lợi ích với nhau và với
các lợi ích khác./.<o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right;"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">
<i> Trung Vũ</i></font><font face="Times New Roman, serif" style="font-size: 13pt;"><o:p></o:p></font></span></p>