Hỗ trợ thiết thực kinh tế tư nhân

Thứ hai, 15/05/2017 14:01
(ThanhtraVietnam) - Trong tuần này có một sự kiện quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm ngay từ đầu tuần, đó là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ 2 sau hơn một năm trong nhiệm kỳ của vị tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầy năng động.

Cuộc gặp gỡ lần trước diễn ra trong tháng 04 năm 2016 thu hút hơn 2000 đại diện doanh nghiệp tới dự mà ¾ số đó là doanh nghiệp tư nhân. Cuộc gặp lần này vừa là tiếp tục sự gần gũi, lắng nghe doanh nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng thời cũng là sự triển khai thực hiện một trong những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ năm. Đó là Nghị quyết về kinh tế tư nhân theo tinh thần thể hiện rõ quyết tâm của Đảng là tạo điều kiện thuận lợi và đột phá cho phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ, đúng đắn, lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết cũng là sự tiếp nối văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, chính thức xác nhận khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tinh thần mới đó xuất phát từ thực tế phát triển của kinh tế tư nhân những năm gần đây có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Ví dụ như GDP của khu vực kinh tế tư nhân bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39% - 40%; Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh sự trưởng thành đáng mừng đó, hoạt động của kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Trong đó, tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, năng lực nội tại còn thấp, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể và doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa, chiếm 97% của 600 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Trình độ công nghệ của phần đông doanh nghiệp tư nhân còn thấp và chậm đổi mới, trình độ quản trị doanh nghiệp, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh yếu kém, khả năng liên kết với các thành phần kinh tế còn nhiều hạn chế. Chính quyết tâm khắc phục yếu kém, vượt lên khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh sẽ là đề xuất, kỳ vọng của các doanh nghiệp tư nhân trong cuộc gặp gỡ, đối thoại lần thứ hai này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các doanh nghiệp mong có sự hỗ trợ thiết thực, hữu hiệu của Chính phủ, cùng những biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, trong đó, có cả việc chính thức ghi nhận doanh nghiệp siêu nhỏ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập khi xem xét Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần ghi nhận doanh nghiệp siêu nhỏ trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng ngành, lĩnh vực, đi liền với việc xem xét thực tế hoạt động của các doanh nghiệp loại này với tiềm lực tài chính ít ỏi, hạn chế, nhưng vẫn phải áp dụng các quy định phức tạp về sổ sách, kế toán, nhân sự. Do đó, cần có cơ sở pháp lý để họ được áp dụng các thủ tục thuế và kế toán đơn giản hơn. Phải có cách nhìn và xử lý một cách hiệu quả để hiện thực hóa chủ trương đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, chứ không vội đẩy họ lên cho đủ số lượng 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Hiện, cả nước có 4,57 triệu hộ kinh doanh, 80% số này là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 20% hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng. Vẫn biết, hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng lao động, điều kiện thu nhập, có sự chính danh để tham gia vào hệ thống doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và có khả năng phát triển rộng lớn. Nhưng để làm được điều đó cần đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính, có chính sách hỗ trợ thiết thực.

leftcenterrightdel
 Nhiều doanh nghiệp tư nhân nỗ lực tìm mọi cách để vượt qua mọi khó khăn
Một sự hỗ trợ nữa mà các doanh nghiệp tư nhân đang rất cần là giúp họ khả năng quản trị doanh nghiệp, để họ vượt qua tình trạng yếu kém theo kiểu quản lý tuỳ tiện, cảm tính, thiếu vắng các yếu tố quản trị bài bản. Kiểu quản lý không bài bản như thế khiến cho việc điều hành sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh hạn chế, lúng túng và chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh nhất là khi gặp khủng hoảng tài chính. Các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích và tạo điều kiện để sử dụng, theo kịp sự phát triển nhanh ghê gớm của công nghệ số, nhất là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi việc tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ số đang là cách thức tốt nhất đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cũng cần có quyết tâm thay đổi dựa trên nền tảng số hóa và sự hoàn thiện các quy định về quản lý mô hình kinh doanh mới theo xu hướng công nghệ mới.

Kinh tế tư nhân từng phải vật lộn với bao khó khăn thử thách nên cùng với Nghị quyết mới của Hội nghị trung ương Đảng, sự triển khai của Chính phủ và sự gặp gỡ doanh nhân, doanh nghiệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở ra cơ hội hỗ trợ cụ thể cho kinh tế tư nhân Việt Nam, giúp họ giải quyết các khó khăn thách thức họ đang phải đối mặt. Họ cũng kỳ vọng vào sự nâng cao tính minh bạch các chủ trương chính sách và thông tin kinh tế, tránh nhiêu khê, chống nhũng nhiễu, được tạo điều kiện thông thoáng để dễ dàng vay vốn, bảo lãnh nguồn vốn của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong và ngoài nước khi dự án của các doanh nghiệp tư nhân có tính khả thi cao. Hy vọng các nghị quyết, chính sách nói trên sẽ sớm được hiện thực hóa để đảm bảo công bằng thực sự giữa các thành phần kinh tế để mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân./.

                                                                                                      Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra