Mặc dù khí hậu không bảo đảm, hạn mặn xâm nhập nhiều ruộng lúa đồng bằng Sông Cửu Long, nông nghiệp cả nước chịu tác động tiêu cực nhiều mặt từ kinh tế thế giới, dịch bệnh Covid19, song nhờ quyết tâm cao của phần đông nông dân và các tổ chức kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, nhất là nhờ chính sách tốt của Chính phủ nên những dự đoán trên hoàn toàn có thể tin cậy là sẽ thành sự thật. Trong đó có cả việc đặt niềm tin vào những doanh nghiệp nông nghiệp khi nông nghiệp nước ta đang tiến nhanh theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2019 cả nước có 2.756 doanh nghiệp nông lâm thủy sản được thành lập mới, tăng 25,3%, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 26,23% so với năm 2018. Để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt mức kim ngạch cao thì không thể cứ giữ mãi lối xuất khẩu sản phẩm thô mà phải tăng cường chế biến, năm 2019 có 17 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng đi vào hoạt động. Về sự quan trọng của phát triển nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng hiện có trên 60% dân số và nông dân sống ở nông thôn nước ta. Do đó, nếu mất mùa gặp dịch bệnh lớn thì khó khăn trong giải quyết đời sống người dân. Phi nông bất ổn. Năm 2019 nông nghiệp nước ta có nhiều điểm sáng nổi bật là kết quả của công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản. Ngành nông nghiệp đóng góp ngân sách chưa phải lớn nhưng đóng góp rất lớn vào đời sống người nông dân, đặt nhiều mục tiêu xuất sắc nhất, trong đó có xuất khẩu nông sản. Chúng ta phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm”. Từ kết quả tích cực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ tướng đã tặng ngành nông nghiệp 10 chữ: Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết đạt chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng GDP năm 2020 lên 2,8 - 3%
Bên cạnh đó, năm 2019 ngay từ tháng 10 đã diễn ra Diễn đàn nông nghiệp chủ đề chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Diễn đàn đưa ra các nhận xét và kiến nghị như: Cần tích tụ tốt hơn đất nông nghiệp, tháo gỡ những điểm nghẽn việc tích tụ này vì hiện tại quy mô tích tụ đất ruộng còn nhỏ, khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Kể từ khi Luật Đất đai có hiệu lực năm 2013, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện đồn điền, đổi thửa, nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất để phát triển trang trại, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đang có xu hướng đầu tư vốn vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp này phải mua hoặc thuê lại quyền sử dụng đất của các hộ nông dân. Vì vậy, thời gian qua thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp đã phát triển nhanh, nhưng đến nay hoạt động tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn vẫn chưa đạt kỳ vọng của các nhà quản lý. Nguyên nhân chủ yếu là do những điều bất cập trong chính sách đất nông nghiệp hiện hành, bởi vậy, rất cần xóa bỏ những rào cản trong chính sách ruộng đất như hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, không quá 10 lần hạn mức được giao. Doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đặc biệt là quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo như các loại đất khác do chưa có sở hữu. Để phát triển nông nghiệp hỗ trợ đầu tư, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu cụm công nghiệp trung tâm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết trang trại hợp tác xã.
Ngoài ra, đã có nhiều hội nghị bàn về sản xuất lúa gạo bền vững, trong đó có hội nghị hợp tác công tư thúc đẩy sản xuất lúa gạo, Việt Nam phối hợp với một tổ chức hợp tác của Đức tiến hành hội nghị này. Hội nghị nhận định trong chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn 2030 Chính phủ Việt Nam đã xem nông nghiệp là mục tiêu quan trọng và đặt nông nghiệp là động lực cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Để đạt những mục tiêu trên cần phải hiện đại hóa ngành nông nghiệp dựa trên sử dụng hiệu quả vốn nhà nước và huy động được các nguồn lực đầu tư xã hội. Hợp tác công tư (PPP) được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư góp phần thiết thực phát triển nông nghiệp bền vững. Phải khắc phục những điểm còn yếu của ngành nông nghiệp mà như việc cơ cấu lại nông nghiệp chưa được triển khai đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá nhiều nông sản giảm. Lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong đó lao động thời vụ nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Ngành nông nghiệp Việt Nam cần đạt một số mục tiêu trong năm 2020 như đạt GDP 3% cao hơn năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp gấp 25 lần hiện tại, tiến tới có 35.000 hợp tác xã nông nghiệp gấp 2,3 lần hiện tại để làm nòng cốt cơ cấu ngành nông nghiệp, phấn đấu 83% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân dạt 80 triệu đồng/năm gấp hai lần hiện tại. Cán bộ ngành nông nghiệp phải giỏi chuyên môn, tận tụy với nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, phải bứt phá về đích hoàn hành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 nhất là năm 2020 diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết đạt chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng GDP 2,8 - 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản khoảng 2,29 - 3,05%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 42 tỷ USD. Theo đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2020 là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Để đạt các mục tiêu trên Bộ sẽ phát huy hiệu quả các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 01/1/2020 của Chính phủ, trong đó có việc thực hiện hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại hiệu quả, phù hợp theo từng ngành hàng sản phẩm và thị trường; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường từng ngành hàng sản phẩm và thị trường; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những nội dung trên đã được bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn thảo tại Hội nghị ngày 07/01/2020 triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2020 của ngành nông nghiệp và việc phát triển nông thôn. Còn theo cục Chế biến phát triển thị trường, nông sản xuất khẩu nông sản năm 2019 giảm nên sang năm 2020 cần khắc phục, chấm dứt sự yếu kém này qua việc chọn và tìm thị trường thích hợp nhất là khi một số thị trường truyền thống như Trung Quốc có nhiều biến động về kinh tế, dịch bệnh nên giảm mua hàng ngoại, doanh nghiệp ta cũng càng khó giao hàng. Cần khắc phục những hạn chế khi thực hiện xuất khẩu trực tuyến.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đổi mới phương thức, kế hoạch xúc tiến thương mại trong trung và dài hạn, có trọng tâm trọng điểm thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, cả Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều lưu ý các doanh ngiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản: điểm cốt lõi kinh doanh lâu dài và hiệu quả qua thương mại điện tử vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần chủ động trong việc đầu tư và nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, có kế hoạch xây dựng và phát triển bền vững./.
Trung Vũ