Khi "nghề tự do" thành lớp ngụy trang cho sự thiếu trách nhiệm

Thứ hai, 16/12/2024 21:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, khi lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, một số cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn đã khai "nghề tự do" để trốn trách nhiệm. Hành vi này không chỉ lách luật mà còn làm dấy lên lo ngại về đạo đức công vụ và ý thức chấp hành pháp luật.

Đạo đức công vụ và câu chuyện trách nhiệm cá nhân

Có thể nói, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Đáng buồn hơn, không ít cán bộ, công chức, viên chức, những người vốn được kỳ vọng làm gương trong việc tuân thủ pháp luật lại trở thành đối tượng vi phạm. Thậm chí, để né tránh việc bị báo về cơ quan, nhiều người không ngần ngại khai man nghề nghiệp, tự nhận mình "làm nghề tự do".

Việc khai báo "làm nghề tự do" khi bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn có thể xem là một hành động lách luật nhằm trốn tránh trách nhiệm. Thực tế, đối với cán bộ, công chức, viên chức, thông báo vi phạm về cơ quan là một biện pháp quản lý hiệu quả, vừa giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, vừa tạo sức ép xã hội, góp phần giảm thiểu hành vi tái phạm. Tuy nhiên, khi những người này tìm cách "ngụy trang" nghề nghiệp, biện pháp này bị vô hiệu hóa, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh tại chỗ hoặc gửi yêu cầu đến cơ quan chức năng nơi cư trú của người vi phạm. Đây là một động thái cần thiết, thể hiện sự quyết liệt trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt với nhóm đối tượng có ý định lách luật. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: tại sao một bộ phận cán bộ, công chức lại sẵn sàng khai man nghề nghiệp để trốn tránh trách nhiệm?

Cán bộ, công chức, viên chức là những người làm việc trong bộ máy nhà nước, được giao phó trọng trách quản lý xã hội, thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân. Do đó, họ cần phải là tấm gương trong việc chấp hành quy định pháp luật. Hành động khai man để né tránh trách nhiệm cho thấy sự xuống cấp về đạo đức công vụ của một số cá nhân.

Đằng sau mỗi vụ vi phạm nồng độ cồn không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm cá nhân mà còn là hình ảnh của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.

Vậy, liệu những cán bộ này có nhận thức được điều đó? Hay họ đã quên mất rằng, đạo đức công vụ không chỉ nằm ở việc hoàn thành công việc hàng ngày, mà còn ở cách sống và hành xử trong đời sống xã hội?

leftcenterrightdel
  Cục Cảnh sát giao thông ra quân thực hiện nhiệm vụ đợt cao điểm Tết 2025. Ảnh: V.Tuân


Biện pháp nghiệp vụ, cần nhưng chưa đủ

Dù lực lượng CSGT đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ thông tin người vi phạm, nhưng điều này không thể giải quyết triệt để vấn đề. Một người có thể khai man nghề nghiệp một lần, hai lần, nhưng nếu không có các biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn, hành vi này sẽ tiếp diễn.

Liệu có nên áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi khai báo sai thông tin? Bởi rõ ràng, việc khai man không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý cán bộ và lực lượng CSGT. Việc xác minh thông tin nên được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo người vi phạm không có cơ hội lợi dụng sơ hở để lách luật. Đồng thời, thông tin về các trường hợp vi phạm cần được công khai minh bạch, như một lời cảnh báo đến những ai còn có ý định trốn tránh trách nhiệm.

Vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở biện pháp xử lý, mà còn ở việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Muốn làm được điều này, cần có những giải pháp mang tính chất dài hạn như tăng cường giáo dục đạo đức công vụ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; áp dụng hình thức xử lý nghiêm minh và tuyên truyền rộng rãi để thay đổi nhận thức xã hội.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự quyết tâm từ cả hệ thống, từ lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan quản lý đến chính bản thân mỗi cán bộ, công chức. Sức mạnh của pháp luật chỉ thực sự có hiệu quả khi được thực thi nghiêm minh và không có ngoại lệ.

Pháp luật là công cụ để quản lý xã hội và bảo vệ công bằng cho mọi người. Dù là công chức, viên chức hay bất kỳ ai, đã vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi khai man "làm nghề tự do" để trốn tránh trách nhiệm không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực - những phẩm chất mà một cán bộ, công chức không được phép có./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra