Không để “vàng hóa” nền kinh tế bằng giải pháp chính sách

Thứ hai, 25/03/2024 16:47
(ThanhtraVietNam) - Thông điệp của Người đứng đầu Chính phủ là dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia bằng nhiều giải pháp; trong đó, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng.

Hệ lụy của tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế

Sáng ngày 22/3, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 78,6 triệu đồng/lượng, bán ra 80,6 triệu đồng/lượng, giảm thêm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.

Tập đoàn DOJI điều chỉnh giảm giá vàng miếng SJC còn 78,5 triệu đồng/lượng mua vào, 80,5 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tiếp tục được duy trì ở mức cao 2 triệu đồng/lượng.

Không chỉ giá vàng SJC, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng được điều chỉnh giảm về 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 400.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng miếng SJC mất khoảng 1,4 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn giảm khoảng 700.000 đồng mỗi lượng.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 65,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 3,8 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng SJC khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng phi mã trong thời gian qua là do thời điểm cuối năm nhu cầu mua vàng phục vụ cưới hỏi, lễ hội, quà tặng tăng lên. Mặt khác, lãi suất liên tục giảm, thị trường chứng khoán nhiều biến động, bất động sản trầm lắng, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng “chảy” sang kim loại quý...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/internet 

Vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song, vàng tăng giá mạnh sẽ tác động đến nền kinh tế. Vàng trong nước tăng giá mạnh, chắc chắn sẽ có hiện tượng đầu cơ, nhập lậu vàng và việc ảnh hưởng đến tỷ giá là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, mỗi khi giá vàng tăng, về mặt tâm lý, vì lo lắng tiền đồng Việt Nam (VND) mất giá, một bộ phận người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Do đó, tâm lý người dân cũng sẽ quy giá hàng hóa theo giá vàng và có thể giá các loại hàng hóa sẽ tăng theo...

Kiểm soát để không gây ra những hệ lụy xấu đối với nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội”, và trước những hệ lụy của vàng tăng giá quá cao, người đứng đầu Chính phủ đã có Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế. "Không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia".

Thủ tướng cũng giao cơ quan này thực hiện thanh tra, kiểm tra thị trường, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá.

Đồng thời, rà soát toàn diện pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, trang sức. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện các nội dung trên trong tháng 3.

Ở một diễn biến khác, chiều ngày 20/3 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng, tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc này xuất phát từ thực tế, giá vàng miếng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng tại Nghị quyết 24 là giải pháp quan trọng kiểm soát chặt nguồn cung. Nhưng từ 2014 đến nay, cơ quan này chưa đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường và đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế ở mức cao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, thị trường vàng thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, giá trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, và Ngân hàng Nhà nước chưa có phản ứng phù hợp, giúp bình ổn thị trường này. Phải bắt đúng bệnh để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm Công điện 22/CĐ-TTg về quản lý thị trường vàng.

Hai ngày sau khi Công điện số 22/CĐ-TTg được ban hành, giá vàng trong nước đã giảm. Như vậy, có thể tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự chủ động vào cuộc của các cơ quan chức năng, thị trường vàng sẽ được kiểm soát và không gây ra những hệ lụy xấu đối với nền kinh tế. Khi niềm tin vào tiền VND được củng cố, thay vì "găm vàng" tích trữ, người dân sẽ chuyển dòng tiền vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững.

Trước đó, ngày 27/12/2023 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Người dân “găm vàng” nhiều thì ít tiền lưu thông, kinh tế không phát triển được. Vì vậy, trong Công điện số 1426/CĐ-TTg, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu: “Dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Việc cần làm ngay là, các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm công điện; khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao... Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, mà Đảng và Nhà nước ta gọi là “nhóm lợi ích”.

Đáng chú ý, tính từ tháng 6/2023 đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Như vậy, “thông điệp” của Chính phủ, của Người đứng đầu Chính phủ đã rõ, đó là dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Theo đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và triệt phá các nhóm lũng đoạn thị trường vàng, các “nhóm lợi ích” này liên minh với nhau để thao túng thị trường, tạo ra cung - cầu “ảo” và những “cơn sốt” vàng nhằm trục lợi bất chính, gây tâm lý bất ổn trong Nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước. 

Có thể nói, đây là giải pháp chính sách đúng đắn, phù hợp với thức tiễn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc đã bị thực tiễn vượt qua.

Hồng Dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra