Theo quy định trong Luật Viên chức và các Nghị định, Thông tư về quản lý, đánh giá viên chức, muốn thăng hạng, giữ hạng, hay nâng ngạch, viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp… Do đó, mỗi viên chức đều phải “tìm mọi cách” có được những chứng chỉ đó nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn ngạch, bậc theo quy định. Trong đó, những viên chức ngành Giáo dục cũng không nằm ngoài phạm vi này.
Thực tế cho thấy, hàng triệu viên chức của nhiều ngành, nghề đã phải mất công sức tìm chỗ thi và làm sao để chắc chắn có được chứng chỉ đó. Để nhanh chóng có được chứng chỉ, nhiều người đã đăng ký vào các lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian ngắn, không đảm bảo chất lượng, thậm chí “mua” chứng chỉ. Tuy nhiên, khi đã có những chứng chỉ này, nhiều viên chức cũng không sử dụng phục vụ cho công việc hiện tại của mình. Chính vì vậy, việc rà soát, đánh giá để bỏ bớt những chứng chỉ không thực chất mà lâu nay vẫn được ví là những “giấy phép con” đối với đội ngũ viên chức là điều cần thiết.
Ngày 19/3/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc một số cơ quan báo chí phản ánh về những vướng mắc, bất cập của quy định sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với viên chức, nhất là đối với giáo viên cơ sở đào tạo công lập trong việc thi thăng hạng, bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức. Bộ GDĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.
Ảnh minh hoạ, nguồn internet
Là ngành đi tiên phong trong việc bỏ một số chứng chỉ, ngày 02/02/2021, Bộ GDĐT đã ban hành 04 Thông tư, gồm: số 01/2021/TT-BGDĐT; số 02/2021/TT-BGDĐT; số 03/2021/TT-BGDĐT; số 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Việc ban hành các Thông tư nêu trên nhằm triển khai thực hiện Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Đáng chú ý, các Thông tư này đã bỏ các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với viên chức ngành Giáo dục. Cụ thể, giáo viên là viên chức muốn thăng hạng, bổ nhiệm, ngoài yêu cầu về chuyên môn, đạo đức thì cần có thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Như vậy, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học kể từ ngày 20/3/2021 đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho đội ngũ giáo viên công lập.
Mới đây, Bộ GDĐT tiếp tục có Công văn số 1800/BGDĐT-QLCL gửi các Sở GDĐT; các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm; Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng; Cục Đào tạo – Bộ Công an về việc tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ. Trong đó, Bộ GDĐT nhấn mạnh, kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các đơn vị nêu trên đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Do đó, Bộ yêu cầu các đơn vị ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản về quản lý văn bằng chứng chỉ theo đúng nội dung, yêu cầu quy định tại Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Nội dung văn bản phải quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, cá nhân, chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm và chỉ quy định những nội dung Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý quy định.
Riêng nội dung kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trong việc việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp các loại chứng chỉ, Bộ GDĐT yêu cầu kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm.
Cụ thể, đối với chứng chỉ ngoại ngữ, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đối với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT- BTTTT ngày 21/6/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Các trung tâm sát hạch phải đủ điều kiện về tư cách pháp nhân, nhân sự; cơ sở vật chất, ngân hàng câu hỏi thi, phần mềm tổ chức thi…
Ngoài ra, Bộ cũng hướng dẫn cụ thể đối với chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh; chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
“Tổ chức kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của nước ngoài trên địa bàn. Chỉ cho phép thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn đối với các đơn vị, tổ chức được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”, Bộ GDĐT nhấn mạnh.
Có thể nói, xét về một khía cạnh, các chứng chỉ nghiệp vụ vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, yêu cầu chứng chỉ nào đối với nghề nghiệp, vị trí nào là hơp lý và việc quản lý cấp văn bằng, chứng chỉ mới là điều quan trọng nhất./.
Hoàng Minh