Kinh tế Việt Nam cần tiếp tục chiến lược mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá

Thứ năm, 23/04/2020 14:50
(ThanhtraVietNam) – Cần tiếp tục chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn 5 năm là một nhiệm vụ thường kì và quan trọng của Chính phủ. Những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội này trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 để phấn đấu, nước ta trở thành 1 nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành 1 nước công nghiệp phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

leftcenterrightdel
Cảng biển là một thế mạnh để kinh tế Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Oanh Hữu  

Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 5 năm tới, với mức tăng trưởng bình quân của GDP là 7%/năm. Cả nước thực hiện những định hướng lớn bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát triển nhanh và bền vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế số nhằm nâng cao năng suất , chất lượng và hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch, tăng cường liên kết vùng với các mô hình kinh tế xanh.

Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, các loại hình vận chuyển phục vụ cho nền kinh tế, phát triển đô thị bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, phát triển kinh tế tập thể và tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong tương lai.

Qua những mục tiêu phấn đấu và những định hướng cơ bản cho sự phát triển của 5 năm tới, chúng ta thấy, nền kinh tế của Việt Nam phát triển trong điều kiện quy mô đã lớn hơn nhiều lần so với 10 năm trước đây.

Để đạt được mục tiêu trên, ngay trong năm 2021, đi đôi với phát triển kinh tế thì Việt Nam phải tiếp tục giải quyết những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh mà năm 2020 để lại. Ngoài ra, sự phát triển còn phải đối mặt với những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, ô nhiễm tài nguyên môi trường, những biến động địa chính trị, kinh tế trên thế giới với xu hướng bảo hộ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, phức tạp.

Xác định đi lên từ kinh tế trí thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là điều cần được cân nhắc trong 5 năm. Kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên cơ sở một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có khả năng chịu đựng những tác động bên trong và bên ngoài gây ra. Cần phải tiếp tục chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho sự phát triển. Phát triển kinh tế phải đi cùng với an sinh xã hội, mọi người dân đều được hưởng từ sự tăng trưởng GDP hàng năm. Không ai bị bỏ lại phía sau.

leftcenterrightdel
 Kinh tế Du lịch cũng cần được đầu tư phát triển trong tương lai. Ảnh: Oanh Hữu

Trong giai đoạn 5 năm tới cần chú trọng vấn đề đâu là trọng tâm của việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Không cách nào khác, đất nước phải đầu tư cho việc khởi nghiệp, công nghệ nguồn, công nghệ cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, trước hết theo tôi là phải công nghiệp hóa nông nghiệp, kinh tế biển là những ngành kinh tế mà Việt Nam có lợi thế vốn có từ nhiều năm, đồng thời kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ Quốc.

Trong phát triển kinh tế xã hội các thời kì, cần phải đặc biệt chú ý, cần phải đi đôi với quản lý chặt chẽ, chống tham nhũng lãng phí tiêu cực gây thất thoát nguồn lực của nhà nước và tiền của của nhân dân. Khuyến khích những tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nhà nước, đồng thời nghiêm trị những tổ chức cá nhân vi phạm. Bài học chống tham nhũng trong một vài năm gần đây do Đảng ta khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Dân tộc ta, nhân dân ta có truyền thống yêu nước, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn trong việc bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Những chính sách của nhà nước cần phải đáp ứng đúng những tâm tư nguyện vọng của mọi người dân và các doanh nghiệp. Từ đó, khơi dậy chí tiến thủ, chí quật cường và óc sáng tạo trong từng vị trí công tác của mình, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và vững chắc.

Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương Mại HN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra