Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Gần đây, trên các trang mạng xã hội và một số sàn giao dịch điện tử, nhiều cá nhân đã rao bán những bộ kit test nhanh Covid-19. Theo quảng cáo, mỗi bộ kit này gồm 2 dụng cụ thử, được nhập khẩu từ Hàn Quốc, giá bán dao động từ 550.000 - 1.100.000 đồng/bộ.
Theo Bộ Y tế, 2 loại kit test nhanh Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, gồm: Bộ kit test do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Học viện Quân y sản xuất; bộ Covid-19 kit Thai Duong của Công ty cổ phần Sao Thái Dương.
Do đặc điểm vi rút lây lan dịch ở Bắc Giang là biến chủng Delta, với khả năng lây truyền mạnh, tốc độ nhanh. Đồng thời, đặc điểm dịch tễ xuất hiện ở khu công nghiệp nên số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ lên tới vài chục nghìn người. Do đó, việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng, phạm vi lớn. Trong khi xét nghiệm realtime PCR (RT-PCR) bắt buộc phải thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần có thời gian, vì vậy việc áp dụng test nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh (các test nhanh lựa chọn áp dụng có độ nhạy lớn hơn 70% và độ đặc hiệu lớn hơn 80%).
Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên nCoV không dùng để thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.
Bộ kit test nhanh Covid-19 bị cơ quan quản lý thị trường thu giữ. (Ảnh internet)
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 10/5, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, kit test nhanh Covid-19 thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên cũng được Tổng cục QLTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo tăng cường kiểm tra kiểm soát.
Gần đây nhất, ngày 3/6/2021, Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 Khu Đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 29 hộp Test thử nhanh Covid-19. Đáng nói, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp, đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng Internet không hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hiện nay việc sử dụng kit test và tiêm chủng đang là hai vấn đề được Thanh tra Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Chính vì vậy, người dân không hoang mang, lo lắng tự ý mua bộ kit test không rõ nguồn gốc, xuất sứ để tự kiểm tra cho mình. Nếu có biểu hiện của các triệu chứng nhiễm Covid-19 cần khai báo với cơ quan y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán an toàn, kịp thời.
Tuyệt đối không tiêm chủng vắc xin trôi nổi, không rõ nguồn gốc
Liên quan đến vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.
Bộ Y tế nhấn mạnh, các loại vắc xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi lô vắc xin phòng Covid-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vắc xin nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin theo quy định. Tất cả các vắc xin đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cảnh giác với lừa đảo về vắc xin Covid-19. (Ảnh minh hoạ, Bộ Y tế)
Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.
Đặc biệt, tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo./.
Hoàng Minh