Xuất hiện clip nhạy cảm trong lớp học Zoom
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh các cấp I, II, III phải nghỉ học ở trường, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT và Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu (sau đây gọi chung là Sở Giáo dục và Đào tạo) tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình để tổ chức cho học sinh học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông năm học 2019-2020.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành 02 công văn hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình, gồm: Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/03/2020 về về bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 (áp dụng đối với các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm) và Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 26/03/2020 về việc hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19 năm học 2019-2020.
Bên cạnh hình thức dạy học trên truyền hình được nhiều tỉnh áp dụng, các hình thức dạy học qua Internet được ưu tiên lựa chọn, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn vì có sự tương tác trực tiếp nhiều hơn giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với học sinh.
Dạy học qua Internet là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến. Tương tự, các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm cũng được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo hoàn thành chương trình năm học, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai, được học sinh, sinh viên (HSSV), cha mẹ HSSV hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, thực tế triển khai hình thức dạy học trực tuyến này đã gặp phải những vấn đề ngoài ý muốn. Lợi dụng nhiều kẽ hở của phần mềm, một số kẻ xấu xâm nhập vào lớp học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, có dấu hiệu lạm dụng, bắt nạt... người học.
Điển hình, ngày 11/4, trên Báo điện tử Dân trí có đưa tin về việc một giáo viên dạy toán tại một trường THCS đã bày tỏ sự lo lắng khi lớp học online qua Zoom của mình xuất hiện hàng loạt clip sex ngay trong giờ học. Mặc dù, trước khi bắt đầu buổi học, giáo viên này đã yêu cầu học sinh để họ tên đầy đủ trong Zoom thì mới duyệt và phòng học. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau, 5 tài khoản trong lớp học đồng thời mở clip sex (bật camera lên và quay vào một màn hình khác để phát clip sex). Để được duyệt vào lớp, 5 người này đã để tên giống với 5 học sinh trong lớp.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Cần sự chung tay phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn cho các lớp học, ngày 13/4/2020 Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua Internet.
Cụ thể, các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (cơ sở đào tạo) tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HSSV và cha mẹ HSSV trong dạy học qua Internet.
Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GDĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch Covid-19.
Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, HSSV, cha mẹ HSSV và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng an ninh mạng trở nên hết sức cấp thiết nhằm kịp thời ngăn chặn, triệt tiêu các thành phần cố tình phá hoại, gây rối, làm ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của giáo dục. Như vậy, vấn đề học online tưởng như chỉ là việc của ngành Giáo dục, của các HSSV trong mùa dịch, nhưng thực chất đây là vấn đề của các cơ quan chức năng và của toàn xã hội. Bởi sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp "trồng người" - những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, đồng hành với ngành Giáo dục hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục trong năm học 2019-2020./.
Hoàng Minh