Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm - Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Thứ sáu, 10/05/2024 12:28
(ThanhtraVietNam) - Dù mới chớm vào hè nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã liên tiếp xảy ra, tập trung vào nhóm đối tượng là các em học sinh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của các em. Đằng sau lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian để biện minh là một khoảng tối mênh mông về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tình trạng đáng báo động!

Sáng 5/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 20 học sinh gồm 17 em trường Tiểu học Vĩnh Trường và 3 em Trường THCS Trần Hưng Đạo. Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang tiếp nhận 8 học sinh, ngoài ra, một em điều trị ở Phòng khám Đa khoa Phúc Sinh.

Đến trưa cùng ngày, UBND thành phố Nha Trang ghi nhận 28 học sinh thuộc hai trường nhập viện. Các bệnh nhân đều có biểu hiện nôn, ói, khó thở... sau khi ăn sáng. Các món ăn như cơm gà, sushi, thức ăn nhanh được người nhà mua tại các hàng quán trên địa bàn và trước cổng trường. Bác sĩ nghi các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Cũng tại Khánh Hòa, trong tháng 3, ngành y tế tỉnh này ghi nhận 10 học sinh Nha Trang rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà trước cổng trường; 369 người bị ngộ độc do ăn tại quán cơm gà Trâm Anh vì nhiễm khuẩn Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus...

Còn tại Đồng Nai, ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng trên đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh bán hơn 1 ngàn ổ bánh mì thịt cho khách hàng. Đến sáng 1/5, nhiều người trước đó ăn bánh mì của tiệm Băng có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Đến ngày 6/5, tổng số nhập viện khám và điều trị tại bệnh viện tổng cộng 568 trường hợp (hiện đang nằm điều trị: 300 người, chuyển viện: 11, xuất viện: 38 và cấp toa: 119 trường hợp).

Đáng chú ý, cơ sở bánh mì Băng mỗi ngày bán khoảng 1.000 ổ. Riêng trong ngày ngày xảy ra vụ ngộ độc cơ sở đã bán 1.100 ổ. Nguyên vật liệu được lấy từ nhiều cơ sở. Và thời điểm các cơ quan chức năng kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, UBND TP. Long Khánh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: internet 

Gần đây nhất, khoảng 22h ngày 8/5, 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lần lượt nhập viện do đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi ngộ độc thực phẩm.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết, các sinh viên vào cấp cứu từ 22h ngày 8/5 đến rạng sáng nay. Hầu hết họ đau bụng, một số kèm nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn chiều.

Sau khi xảy ra vụ việc, Trung tâm quản lý ký túc xá của Đại học Quốc gia đã yêu cầu căng tin dừng hoạt động, giữ nguyên hiện trạng phục vụ điều tra. Lực lượng chức năng lấy mẫu phẩm tại đây để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Trước đó, căng tin tại ký túc xá do một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức, công ty này không trực tiếp nấu ăn tại ký túc xá mà chỉ phân phối thức ăn.

Cần hành động quyết liệt, không chỉ ở cơ quan quản lý

Theo tìm hiểu, tại khu vực trước cổng trường học và các khu vực lân cận có rất nhiều hàng, quán, xe bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Điểm chung và dễ nhận ra nhất chính là tính tiện lợi, mô hình kinh doanh đơn giản, cơ động cao, chi phí đầu tư thấp, giá bán hợp lý - bên cạnh đó là các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất sơ sài, có thể nói là hầu như không có và không thực hiện.

Để được kinh doanh tại một cửa hàng hay ki ốt cố định, chủ cơ sở phải thực hiện nhiều thủ tục bắt buộc của cơ quản quản lý tại địa phương như đăng ký kinh doanh, khai báo tạm trú, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, vệ sinh của nhân viên,… thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đi kèm với đó là thời gian để thực hiện.

Trong khi đó, các điểm bán hàng lưu động trước cổng trường hầu như không phải thực hiện các thủ tục này, “rút ngắn, đơn giản thủ tục, tiết kiệm chi phí”, dễ tiếp cận các “thượng đế”. Và quan trọng là người tiêu dùng chúng ta cũng “thích” và “ưu tiên” lựa chọn các điểm bán hàng này vì tính thuận tiện, nhanh, không cần gửi xe, không cần xuống xe, ngồi trên xe, chọn đồ ăn, thanh toán là xong.

Điều tệ là, đằng sau lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian để biện minh ấy là một khoảng tối mênh mông về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu đầu vào thả nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, điều kiện chế biến, bảo quản bị hạn chế và không có các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi bán hàng.

Kinh doanh là lợi nhuận, nhưng mức lợi nhuận như thế nào để hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và khách hàng, trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội mới là điều quan trọng. Không thể một hướng chạy theo lợi nhuận, tối đa lợi nhuận bằng mọi cách mà nhập vào thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, bỏ quên chất lượng sản phẩm, bỏ quên sức khỏe người tiêu dùng; để rồi khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, bị cơ quan pháp luật xử lý thì lại không có một chữ “nếu” - Hơn lúc nào hết, trách nhiệm và đạo đức người kinh doanh cần được đặt ngang hàng với lợi nhuận!

Ông cha ta có câu, “nắm kẻ có tóc chứ không nắm kẻ trọc đầu”, rõ ràng bên cạnh các ưu điểm về tính tiện lợi thì các cơ quan quản lý cơ sở cũng cần có phải có giải pháp hữu hiệu để quản lý loại hình kinh doanh này, vì so với các cửa hàng “rõ phố, rõ tên, rõ địa chỉ” thì ở đây “không có gì để rõ” và rất dễ né đi khi có cơ quan chức năng kiểm tra; nhưng trên phương diện quản lý nhà nước, dù thế nào cũng phải “ nắm được”, với mục tiêu trên hết, trước hết phải vì sức khỏe của các em học sinh và người mua hàng là hàng đầu.

Và bản thân các “thượng đế” cũng phải tự ý thức là bảo vệ sức khỏe của chính mình là trước hết, thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn sản phẩm uy tín, đảm bảo vệ sinh của các cửa hàng, cơ sở uy tín, “3 rõ”, thay vì đặt lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian lên hàng đầu, mà bỏ qua yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dù khó, nhưng để bảo vệ người tiêu dùng thì chính quyền cơ sở nên công khai và thông tin rộng rãi về các cửa hàng, ki ốt, điểm bán hàng đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để các “thượng đế” biết, tránh mua phải thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và điều quan trọng là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, bảo vệ cái đúng, cái tốt, xử lý nghiêm cái xấu, cái sai, cố tình sai.

Chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ sở thực phẩm và người tiêu dùng; thông tin kịp thời các cơ sở thực phẩm chưa bảo đảm ATTP; lưu ý công tác bảo đảm ATTP trong trường học. Chủ động triển khai thực hiện các hoạt động lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm để giám sát mối nguy ATTP.

Bên cạnh đó, rà soát, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các lĩnh vực do ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về ATTP tại tuyến xã, phường…

Ngoài ra, tập trung công tác chỉ đạo tăng cường quản lý để ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Xử lý nghiêm khi phát hiện những trường hợp vi phạm các quy định về ATTP. Chủ động triển khai các hoạt động lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm để giám sát mối nguy ATTP...

Rõ ràng, tạo điều kiện để người dân kinh doanh thuận lợi, bố trí địa điểm để phụ huynh học sinh, sinh viên mua đồ ăn được thuận tiện, tiết kiệm thời gian là cần thiết, nhưng không vì thế mà buông lỏng quản lý trong khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các cơ sở chế biến suất ăn.

Hơn lúc nào hết, đạo đức người kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội cần được đề cao, ý thức của người tiêu dùng cũng cần nâng cao hơn nữa, và cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp cơ sở, không được chủ quan, lơ là, chúng ta cần những giải pháp quyết liệt hơn khi mùa hè với nhiệt độ tăng cao, đem theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - đang sầm sập tới!

Về vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 44/CĐ-TTg nêu rõ:

Để phòng ngừa, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra