<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Chỉ
cần dạo qua một số phố sách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hay nhìn vào các
chiếu sách bày bán bên lề đường, hè phố đã thấy nhiều ơi là nhiều sách văn học.
Thôi thì đủ loại sách tác giả trong nước, sách dịch nước ngoài, sách in lậu,
chỉ không bán sách thơ và ít thấy những cuốn sách từng được giải thưởng hoặc
các báo chính danh, thông tấn lề phải
khen. Khiến người ta phải đặt câu hỏi: sách văn học bày bán ê hề như thế liệu
có phải văn học đã chuyển thành văn học thị trường? Vấn đề này cũng đã là chủ
đề của nhiều hội thảo, nghiên cứu mà mới đây nhất là Hội thảo khoa học quốc gia
“ Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn” do viện Văn
học tổ chức tại Hà Nội. Nhiều tham luận tại hội thảo đều chung một nhận định:
thực tế là văn học nước nhà đang tồn tại trong một xã hội cơ chế thị trường, xã
hội tiêu dùng, tâm lý đại chúng, nên rất có thể cũng đã hình thành thứ văn học
đại chúng, thuận mua vừa bán, nói khác đi, một thứ văn học thị trường. Ngược
trở lại lịch sử, thì cũng đâu phải đến hôm nay sách văn học mới ra thị trường.
Từ chỗ văn thơ sáng tác chép tay, cao sang nhất thì in vào tre nứa, để lưu giữ,
tặng nhau, đến chỗ hình thành kỹ thuật in và làm ra giấy, đã tạo điều kiện để
in các sáng tác văn học. Nhờ vậy sáng tác văn học vừa dễ phổ biến, lại cũng có
thể bán ít nhiều bù vào công in, có chút tiền nhuận bút đỡ phần nào cho “cơm áo
không đùa với khách thơ”. Tuy thị trường sách Việt Nam đến sau châu Âu, nhưng
từ nửa đầu thế kỷ thứ XX đã có Tản Đà thư điếm, nhà sách Tân Dân, nhà sách Mai
Lĩnh,… rồi đến các sách do Tự lực văn đoàn xuất bản. Ban đầu giấy còn đắt, tiền
in còn cao, nên giá sách cũng cao, khó cho người mua. Các hiệu sách mới nghĩ ra
cách kinh doanh là bên cạnh những sách đắt tiền thì in sách rẻ, quen gọi là
sách ba xu, giấy xấu, sách mỏng, in chữ to, dòng thưa, theo kiểu bán chữ kèm
theo bán giấy, in lại cổ tích, in truyện viết dễ dãi để không phải trả, hoặc
chỉ phải trả ít tiền nhuận bút, lấy đối tượng là thiếu nhi và những người lao
động giản đơn, các bà bán hàng ngoại chợ. Hai loại sách, một cao giá cả về chất
lượng văn chương lẫn giá in ngoài bìa, một rẻ tiền cả hai điều đó, cạnh tranh
nhau, hàng tôm nguýt hàng cá. Chê bôi nhau mãi, rồi đến lúc sách ba xu nâng cao
hình thức, chất lượng, thứ văn cao giá hạ mức xuống cả về giá bìa, lẫn bớt ý
tưởng chỉ viết cho giới thượng lưu, mà có chú ý đến thị hiếu của đám đông. <o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Sang
chế độ mới, ban đầu, vì những nhiệm vụ chính trị xã hội của thời kỳ vừa đánh
Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế còn nghèo, sách văn học có những hạn
hẹp về nội dung, số lượng in, sách văn học dịch, phần nhiều đều rất chọn lựa và
bán phân phối. Chỉ từ khi kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường định
hưỡng xã hội chủ nghĩa, việc xuất bản và phát hành sách, trong đó có sách văn học
mới cởi mở, thông thoáng hơn, nhu cầu có khác, giao lưu hội nhập mở rộng không
chỉ đem đến những sách hay để dịch, mà còn ảnh hưởng về thị hiếu, về cách làm
sách của nước ngoài, nhất là làm sách bán chạy. Người kinh doanh sách sẵn vốn
hơn, kỹ thuật in hiện đại đã tạo thuận lợi cho việc in sách, dễ đáp ứng số
người mua sách tăng lên. Các nhà xuất bản có sự liên kết với các công ty phát
hành sách, mà đã kinh doanh họ phải tính đến việc sách bán được nhiều, không
thể không chạy theo lợi nhuận. Cụm từ văn học thị trường xuất hiện, được nói
cho mềm đi, hợp lề phải thông tin, báo chí hơn, là văn học đại chúng, văn học
giải trí. Luật chơi khắt khe, người kinh doanh sách phải lựa theo thị hiếu của
số đông người tìm, chọn đi mua sách nhất là sách văn học dịch. Có nghĩa là khi
sách văn học cũng đã trở thành một thứ hàng hoá thì nó phải theo quy luật
thương mại, khách hàng là thượng đế, phải bày bán thứ mà đông người thích mua.
Đến một lúc kia, một số nhà văn cũng phải chuyển hẳn hoặc chuyển một phần sang
viết sách có thể bán được, vì có thế sáng tác của mình mới xuất hiện được và
nhà xuất bản không lỗ mới có thể chấp nhận in sách, nhà văn mới có thể có điều
kiện, dù là nhuận bút ít ỏi mà sáng tác. Tiếp nhận tác phẩm văn học là công
chúng số đông, giới sáng tác không thể bỏ qua điều này, nên phải hiểu được yêu
cầu thị hiếu của họ, phải có một sự thoả hiệp nhất định với người đọc. Do thế,
về phương diện giữa làm ra sách văn học và tiếp nhận sách văn học, sự ra đời
của văn học thị trường là khách quan, tất yếu, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận
công chúng. Không thể phủ nhận mà phải tôn trọng sự xuất hiện của văn học thị
trường, phải thấy nó đã tạo điều kiện để các khâu sáng tác, dịch thuật, in ấn
phát hành phát triển phong phú, đa dạng với những cách thức tiếp cận dễ lựa chọn
của độc giả. Vấn đề còn cần chú ý là chống thương mại hoá văn chương, không để
thị trường sách thiếu những tác phẩm chất lượng. Cần phải tìm được tiếng nói
chung giữa sách hay và sách bán chạy, có lui, có tới để các sản phẩm ra khỏi lò
văn chương chiếm tỷ lệ cao là sách hay nên bán chạy và ngược lại sách bán chạy
là sách hay. <o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align:justify"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2">Góp
phần làm nên những điều nói trên, là việc xây dựng thị hiếu thẩm mỹ, làm tốt
hơn khâu phê bình và giới thiệu sách. Trước khi có được sự dung hoà giữa sách
hay và sách bán chạy, hãy làm sao để văn học thị trường và văn học chất lượng,
tinh hoa không đối chọi nhau. Dù một bên nhằm thoả mãn và tạo nên mặt bằng rộng
rãi cho sinh hoạt tinh thần, gắn với giải trí, thư giãn của con người, nhất là
trước những bức bách của đời sống công nghiệp, đô thị và gắn với lợi nhuận của
một bộ phận doanh nghiệp làm nghề xuất bản, phát hành. Bên kia là một số nhà
văn vẫn kiên trì mục đích sáng tác theo hướng tìm kiếm các giá trị kết tinh của
văn chương, phát triển và nâng cao năng lực cảm nhận, tiếp thu cái đẹp trong
đời sống tinh thần con người, nên sách khó đến với đông đảo công chúng. Với cả
hai phía, đều vẫn cần sự điều phối uyển chuyển, hợp tình hợp lý, hiệu quả cao
từ chính sách văn hoá xã hội và quản lý, hỗ trợ nhiều mặt của nhà nước.<o:p></o:p></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right;"><span lang="EN-US" style="line-height: 115%;"><font face="Arial" size="2"> </font></span><font face="Arial" size="2" style="font-style: inherit; font-variant-ligatures: inherit; font-variant-caps: inherit; font-weight: inherit;"> </font><b><i><font face="Arial" size="2">Trung Vũ</font></i></b></p>