Luận đàm về mối quan hệ giữa văn hóa tổ chức và văn hóa quản lý

Thứ ba, 22/12/2020 08:05
(ThanhtraVietNam) - Trong xây dựng văn hóa mới có một điều mà các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm ấy là mối quan hệ giữa văn hóa tổ chức và văn hóa quản lý bởi theo họ các giá trị cốt lõi của một tổ chức bắt đầu với sự lãnh đạo sau đó sẽ phát triển thành một phong cách lãnh đạo.

Xây dựng văn hóa văn minh hiện đại luôn là mong muốn của toàn xã hội với các ý tưởng tốt đẹp. Trong một xã hội đang phát triển kinh tế mạnh mẽ thì cùng với các cơ quan hành chính của hệ thống chính quyền, dư luận xã hội còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động và mối quan hệ với nhân viên và công nhân của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về văn hóa và kinh tế xã hội đã nói tới mối quan hệ giữa văn hóa tổ chức và văn hóa quản lý. Theo đó, việc xây dựng văn hóa trong một tổ chức kinh tế- xã hội là rất quan trọng, giúp trả lời câu hỏi: tổ chức đó có là nơi tốt với người làm hay không dù đang phải đối mặt với đại dịch Covid 19 và những tác hại ngày càng gia tăng của ô nhiễm môi trường cũng như tác động tiêu cực nhiều mặt của đồng tiền tới các quan hệ xã hội. Để cho phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển tốt đẹp thì người quản lý công sở, quản lý công ty và nhân viên công sở, công ty cũng như công nhân phải hành xử thế nào?

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nói đến văn hóa trong tổ chức là nói đến một loạt các quy phạm, quy định và hệ thống giá trị chung nhằm kiểm soát sự tương tác giữa các thành viên trong tổ chức đó với nhau và với các thành viên bên ngoài. Cũng có nghĩa văn hóa tổ chức là hệ thống những giá trị, những niềm tin, những quy định quy phạm được chia sẻ bởi các thành viên trong tổ chức và hướng dẫn hành vi của những người làm việc trong tổ chức đó. Theo một nhà nghiên cứu nước ngoài, văn hóa của một tổ chức được tạo ra bởi sự lãnh đạo chiến lược của người quản lý cao nhất, có thể là người sáng lập bởi họ sẽ in sâu các giá trị và áp đặt các giá trị đó cũng như phong cách quản lý của họ vào tổ chức đi kèm một nền văn hóa và tổ chức mà các thành viên có ủng hộ hay không. Do thế văn hóa tổ chức trước hết là sự quản lý của thủ trưởng sau đó thành tiếng nói chung của tổ chức. Cũng theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, văn hóa quản lý muốn tăng hiệu quả của tổ chức đó cũng như sự tương tác hiệu quả đối với các đối tác và môi trường xã hội khác cần phải chú ý nhiều hơn đến nội dung văn hóa quản lý, trước hết là của những người làm công tác quản lý biểu hiện bằng các giá trị vật chất và phi vật chất để định hướng, điều chỉnh, kiểm tra, đánh giá và động viên, chí ít là tôn trọng nhau , lịch sự với nhau, lắng nghe nhau, giúp mọi cá nhân trong tổ chức đều phấn khởi tin tưởng vào sự thành công, tự nguyện đóng góp cao nhất sức mình vào công việc chung tạo nên thành quả hoạt động của tổ chức đó, góp thành nguồn lực tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa- kinh tế, xã hội hiện đang có ba nguồn lực chính kể trên, đó là giới doanh nhân, giới những người trẻ tuổi, giới trí thức. Trước đây ở nước ta các thành phần cư dân cơ bản là sỹ, nông, công, thương. Nay trong thời kỳ đổi mới có thêm vai trò to lớn của kinh tế tư nhân thể hiện qua các công ty- doanh nghiệp, nên bản thân các công ty đó muốn kinh doanh tốt cũng cần xây dựng hệ thống văn hóa trong quản lý. Con số 60 vạn doanh nghiệp hiện có hôm nay cùng với mong muốn có một triệu doanh nghiệp năm 2020 cho ta một hy vọng tình thế đất nước sẽ thay đổ thuận lợi cho các doanh nhân và những người làm việc cho họ theo một hệ thống văn hóa mà họ cùng nhau xây dựng lên. Khái niệm giàu có cùng mục tiêu làm giàu sẽ là một cái đích hấp dẫn hòa đồng với nhu cầu xây dựng văn hóa của xã hội. Sau doanh nhân là đến lớp trẻ trong mọi cơ sở làm việc chung cũng như khởi nghiệp riêng dù muốn dù không cũng vẫn sẽ làm chủ tương lai trên bất cứ lĩnh vực nào. Lớp trẻ chiếm 40% tổng số dân có mặt khắp mọi  nơi xung yếu, đặc biệt là ở những tuyến đầu mũi nhọn đang qua hoạt động của họ mà phát triển nền kinh tế cũng như xây dựng một nền văn hóa mới, tạo môi trường văn hóa đạo đức lành mạnh trong các cộng đồng lớn nhỏ bắt đầu từ đơn vị gia đình và nhà trường, tìm được sự thân thiện rộng khắp của bộ máy công quyền  từ thấp lên cao, đi vào các công ty doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn vẽ lên bức tranh văn hóa sắc màu mới. Cuối cùng là giới trí thức khi mà xã hội học tập vào nền kinh tế trí thức đã thành khái niệm ở cửa miệng mọi tầng lớp hôm nay có thể hiểu là một nội dung văn hóa mới. Khởi đầu thời đại Hồ Chí Minh là sự tập hợp gần như tuyệt đối những gương mặt trí thức tiêu biểu được đào luyện qua nhiều năm. Nửa sau thế kỷ 20 là con số cực kỳ đông đảo của giới trí thức văn hóa thuộc mọi ngành nghề chuyên môn làm nên gương mặt văn hóa nghệ thuật, khoa học hiện đại. Thời hưng thịnh của bất cứ dân tộc nào cũng là thời mà trí tuệ và kiến thức, lối sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân đều được huy động, ghi nhận và cổ vũ. Với giới trí thức mà sản phẩm cơ bản là các ý tưởng họ cần có diễn đàn, tức là có nơi để phát ngôn một cách chính thức cho một thành phần quan trọng.

Trong xây dựng văn hóa mới có một điều mà các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm ấy là mối quan hệ giữa văn hóa tổ chức và văn hóa quản lý bởi theo họ các giá trị cốt lõi của một tổ chức bắt đầu với sự lãnh đạo sau đó sẽ phát triển thành một phong cách lãnh đạo. Cấp dưới sẽ được dẫn dắt bởi các giá trị và hành vi của các nhà lãnh đạo dẫn đến sự phù hợp. Khi hành vi thống nhất, các giá trị và niềm tin đã được phát triển thì một loại hình văn hóa tổ  chức mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Các nhà lãnh đạo phải tự nhận thức được tầm quan trọng của họ trong việc duy trì văn hóa tổ chức, điều này sẽ đảm bảo hành vi nhất quán giữa các thành viên của tổ chức, giảm xung đột và tạo môi trường làm việc lành mạnh cho các thành viên. Mối quan hệ giữa văn hóa tổ chức và văn hóa quản lý là yếu tố quyết định sự hài lòng với công việc của nhân viên. Cũng theo các nhà nghiên cứu, người quản lý có khả năng lãnh đạo tốt là người biết cách tạo ra sự tương tác nhóm và thỏa mãn được các mối quan hệ cá nhân tại nơi làm việc ý thức được các yếu tố ở cấp độ tổ chức như văn hóa tổ chức, văn hóa quản lý ảnh hưởng đến sự hài lòng với công việc của nhân viên. Các nhà quản lý nên thiết lập một cơ sở hạ tầng tổ chức bên cạnh việc cải thiện môi trường làm việc. Các quyết định  về công tác chuyên môn thường được đưa ra bởi một nhóm thay vì bởi một cá nhân duy nhất. Các nhà quản lý không chỉ thiết lập mối quan hệ trong các nhóm mà còn làm việc để cải thiện các mối quan hệ này tuy đây là một vấn đề phức tạp dễ ảnh hưởng đến thái độ và hành vi khác nhau của nhân viên. Văn hóa trong một tổ chức là rất quan trọng, đóng một vai trò to lớn trong việc tổ chức đó có phải là nơi hạnh phúc và lành mạnh để làm việc hay không, nên tạo môi trường cho các thành viên trong tổ chức đó hoạt động tốt để họ đáp ứng được những yêu cầu của tổ chức, góp phần tạo nên sự thành công bền vững của cả tổ chức mà họ là thành viên.

                                                                                                         Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra