Xử phạt phải đi đôi với công khai, minh bạch
Việc nâng cao mức phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ không nằm ngoài mục đích là giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, nhất là nâng cao mức xử phạt với các hành vi vi phạm phổ biến là căn nguyên gây ra tình trạng ách tắc giao thông, như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, vi phạm làn đường… Một khi đã hình thành nên văn hóa giao thông thì công tác quản nhà nước sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, lực lượng chức năng sẽ chuyển dần từ hình thức quản lý, xử lý trực tiếp sang hình thức quản lý, xử lý gián tiếp thông qua hình ảnh camera giám sát, phạt nguội, thông tin từ cá nhân, tổ chức cung cấp…
Sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, có ý kiến cho rằng, người dân còn nghèo trong khi mức phạt quả cao là nhận định không đúng. Bởi vì, trước pháp luật, người nghèo hay người giàu cũng đều phải bình đẳng, pháp luật chỉ xử lý những người không có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông chứ không xử lý người giàu hay người nghèo. Việc xử phạt phải đi đôi với nghiêm minh, công bằng, công khai, minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực, phải làm thường xuyên và không phân biệt đối xử. Như vậy, mới tạo ra sự lan tỏa, răn đe, bắt buộc mọi người phải chấp hành pháp luật giao thông đường bộ.
Và thực tế, sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì ý thức của người tham gia giao thông nâng cao. Xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp người tham gia giao thông như không còn đi lên vỉa hè, không đi ngược chiều, đội mũ bảo hiểm, dừng đúng vạch, không lấn làn, vượt đèn đỏ… đã trở nên phổ biến hơn (nơi mà trước đây thường xuyên xảy ra hành vi vi phạm) và đã tạo ra sức lan tỏa đến mọi người dân, từ đó cổ vũ, khuyến khích ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
|
|
Người tham gia giao thông ngày càng chấp hành nghiêm quy định. (Ảnh - PV) |
Để Nghị định 168 thực sự đi vào cuộc sống
Bên cạnh những vấn đề tích cực nên trên, thì vẫn còn nhiều việc phải làm để Nghị định số 168/2024/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống. Đó là việc củng cố và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ, như: Tăng cường rà soát, bổ sung, thay thế các biển hiệu, biển báo giao thông, nâng cấp đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao lộ, nhất là các nút giao thông cho phép rẻ phải để giảm ùn tắc giao thông... Tăng cường xử lý nghiêm hành vi lấn, chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán, vì việc này sẽ dẫn đến việc dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, làm cản trở các phương tiện tham gia giao thông và kẹt xe. Từ đó xảy ra tình trạng người tham gia giao thông sẽ có hành vi vượt đèn đỏ, lấn làn đường, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều… là điều không thể tránh khỏi.
Mặt khác, cần tăng cường quản lý phương tiện tham gia giao thông theo hướng nên giảm dần các phương tiện cá nhân (như xe mô tô, xe máy, xe đạp (máy) điện); nên có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt, taxi, tàu điện, các phương tiện giao thông đường thủy…). Khuyến khích người dân thực hiện nghiêm túc việc sang tên, đổi chủ đối với phương tiện cá nhân, việc này không chỉ là để bảo vệ quyền sở hữu đối với phương tiện mà còn là cơ sở để lực lượng chức năng thuận tiện trong việc xử lý hành vi vi phạm thông qua camera giám sát (phạt nguội).
Ngoài ra, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và không ngừng nghỉ. Tăng cường phạt nguội đối với các phương tiện có hành vi vi phạm. Việc xử phạt phải nghiêm minh, công bằng và không tiêu cực. Người vi phạm không chỉ bị xử phạt mà còn phải bị nhắc nhở, giáo dục tại cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Việc sử dụng các thông tin, hình ảnh vi phạm do các cá nhân, tổ chức cung cấp cần phải có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý và khen thưởng; các cá nhân, tổ chức khi lấy các thông tin, hình ảnh vi phạm phải đúng quy định; đồng thời, cũng phải có chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc cố tình gây rối, cản trở người thi hành công vụ.
Và một vấn đề hết sức quan trọng đó là, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 168/2024/NĐ-CP một sách sâu rộng, hiệu quả. Các quy định của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP phải được tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân thông qua cấp chính quyền cơ sở (thôn, tổ dân phố, mặt trận, đoàn thể), trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong từng cơ quan, tổ chức, trường học; đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông qua pano, áp phích, tờ gấp, tờ rơi… một cách trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Có như vậy, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP mới thực sự đi vào cuộc sống và được mọi người dân đồng tình, ủng hộ và nghiêm túc chấp hành. Qua đó, sẽ góp phần giảm thiểu tại nạn giao thông và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngày càng hiệu quả, văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp hơn./.