|
|
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao Quyết định số 1712/QĐ – TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh niên đại từ năm 1954 đến 1969. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
|
|
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng các đại biểu, các thế hệ lãnh đạo Khu Di tích chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Công bố và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh niên đại từ năm 1954 đến 1969. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Sáng ngày 19/01/2025, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định số 1712/QĐ - TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh niên đại từ năm 1954 đến 1969. Đó là ba chiếc xe: Zit, Pobeda và Peugoet 404. Mỗi xe có công năng sử dụng khác nhau nhưng đều lưu giữ giá trị di sản vật thể và phi vật thể đặc biệt sâu sắc đối với quốc gia, dân tộc.
|
|
Ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh niên đại từ năm 1954 đến 1969 vừa được công bố là Bảo vật quốc gia. Ảnh: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch |
(1) - Ô tô Zit (ZIS), biển đăng ký HN 481
Kích thước xe: Dài 5m92; Rộng 1m82; Cao 1m75; Trọng lượng: 4280kg; màu sắc: Đen
Xe do Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch chiếc xe này được dùng vào những dịp đặc biệt như: khi đón tiếp một số đoàn khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ năm 1964 - 1965 chiếc xe chuyên thường trực phòng không phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng số km xe đã chạy: 15.788km.
(2) Ô tô Pobeda, biển đăng ký HN 158
Kích thước xe: Dài 4m45; Rộng 1m44; Cao 1m64; Trọng lượng: 1900kg; màu sắc: Ghi
Xe được Chính phủ Liên Xô tặng Chính phủ Việt Nam năm 1955 và đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 3/1957 cho đến cuối tháng 8/1969. Chiếc xe ô tô Pobeda được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thường xuyên nhất trong thời gian Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch. Loại xe này gầm cao phù hợp đường trường nên thường được sử dụng cho những chuyến đi thăm các địa phương xa Hà Nội. Tổng số km xe đã chạy: 39.436km.
(3) Ô tô Peugeot 404, biển đăng ký HNC 232
Kích thước xe: Dài 4m25; Rộng 1m40; Cao 1m40; Trọng lượng: 2300kg, màu sắc: Ghi bạc.
Xe do Việt kiều sinh sống ở Tân Đảo (New Cacedolia và Vanuatu - tên gọi trước đây của các quần đảo, thuộc châu Đại Dương) mang về làm quà tặng Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chuyến tàu Castern Queen thứ 11, cập bến Hải Phòng ngày 8/3/1964. Xe được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1964 đến năm 1969. Vào năm 1967, khi sức khỏe giảm sút, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi chiếc Peugeot 404 vì gầm xe thấp, thuận tiện lên xuống. Tổng số km xe đã chạy: 16.575km.
Ba chiếc xe ô tô đã đồng hành cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong gần 2.000 chuyến công tác và làm việc tại các địa phương cũng như tại Hà Nội. Không chỉ là phương tiện di chuyển, những chiếc xe còn mang giá trị biểu trưng sâu sắc về tình hữu nghị quốc tế, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của kiều bào và công sức vun đắp cho tình dân tộc, nghĩa đồng bào của Bác kính yêu. Ba chiếc xe là minh chứng sống động về một giai đoạn lịch sử đầy gian lao, bền gan vững chí, quyết giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà đồng thời truyền tải những bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
|
|
Toàn cảnh Lễ Công bố. Ảnh: Thu Hằng |
Phát biểu tại Lễ Công bố, bà Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch khẳng định: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với ba chiếc xe ô tô đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là sự tôn vinh giá trị di sản vừa khẳng định mạnh mẽ sức sống trường tồn của tinh thần đoàn kết dân tộc và sự bền chặt của tình hữu nghị quốc tế mà Bác Hồ đã đặt nền móng vững chắc.
Riêng đối với Khu Di tích, Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ đã tận tụy sớm khuya, một lòng gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Bác Hồ. Đây không chỉ là công việc, là trách nhiệm, nghĩa vụ mà trên hết, trước hết đó là tình cảm kính yêu dâng lên Bác, là khát vọng, là niềm mong mỏi được bảo tồn tốt nhất di sản và lan tỏa sâu rộng muôn vàn tình thân yêu Người để lại nơi này đến với đông đảo đồng bào trong nước và bạn bè thế giới.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã động viên và thúc đẩy bước chuyển tiếp sang một giai đoạn mới đối với Khu Di tích, vừa đón nhận vừa tự mình tạo ra những vận hội mới để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị bảo tồn, phát huy giá trị Bảo vật vô giá của quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Qua đó, góp phần làm sâu sắc giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Di tích Quốc gia đặc biệt, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá, “là nơi kết tinh linh khí của dân tộc, ghi dấu một vĩ nhân đã dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Từng góc nhỏ nơi đây khắc họa sâu sắc dấu ấn của vị lãnh tụ giản dị, gần gũi nhưng mang tầm vóc vượt thời gian. Đến đây, chúng ta càng thấu hiểu vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn được cả thế giới ngưỡng mộ, khâm phục” - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhấn mạnh.
Thay mặt Tập thể lãnh đạo, Hội đồng Khoa học Khu Di tích, bà Lê Thị Phượng cùng bày tỏ sự tri ân đối với những tình cảm đoàn kết tương trợ, ngợi ca, trân trọng của bạn bè quốc tế, kiều bào ở nước ngoài và những lặng thầm cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động Khu Di tích để chúng ta có những Bảo vật quốc gia quý giá hôm nay.
K. Dung