Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực
Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB, cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn sang Việt Nam và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Báo cáo cũng nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.
Tăng trưởng kinh tế của châu Á lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ đầu thập niên 1960
Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm 0,7% cho khu vực Châu Á đang phát triển trong năm nay – đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ đầu thập niên 1960. Mức tăng trưởng sẽ đạt 6,8% trong năm 2021, một phần là do được đo lường tương đối trên mức tăng trưởng thấp của năm 2020. Do đó, kết quả của năm sau vẫn sẽ thấp hơn các mức dự báo trước khi có đại dịch COVID-19, cho thấy sự phục hồi theo đường chữ “L” thay vì chữ “V”. Khoảng ba phần tư các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể mong đợi con đường tăng trưởng khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2020. Nguy cơ kinh tế do đại dịch COVID-19 vẫn rất lớn, khi làn sóng bùng phát thứ nhất kéo dài hoặc các đợt bùng phát trở lại có thể thúc đẩy hơn nữa các biện pháp ngăn chặn. Những bước đi nhất quán và có phối hợp để giải quyết đại dịch, cùng với các ưu tiên chính sách tập trung vào bảo vệ mạng sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như bảo đảm an toàn khi trở lại làm việc và bắt đầu lại các hoạt động kinh doanh, sẽ tiếp tục có vai trò then chốt trong việc bảo đảm rằng sự phục hồi cuối cùng của khu vực là toàn diện và bền vững”.
Đại dịch COVID-19 kéo dài vẫn là rủi ro bất lợi lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm sau. Để giảm thiểu rủi ro này, các Chính phủ trong khu vực đã đưa ra những phản ứng chính sách đa dạng, bao gồm các gói hỗ trợ chính sách – chủ yếu là hỗ trợ thu nhập – lên tới 3,6 nghìn tỉ USD, tương đương với 15% GDP của khu vực. Những rủi ro bất lợi khác phát sing từ những căng thẳng địa chính trị, như sự leo thang xung đột thương mại và công nghệ giữa các nước lớn, cũng như những tổn hại về tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài...
Cũng theo dự báo, lạm phát cho khu vực châu Á đang phát triển được điều chỉnh giảm còn 2,9% trong năm nay so với mức dự báo 3,2% hồi tháng 4, do giá dầu tiếp tục ở mức thấp và nhu cầu yếu. Lạm phát cho năm 2021 được dự kiến giảm còn 2,3%./.
Lan Anh