<p>Thế nhưng trên thị trường gỗ, đến các phố bán đồ gỗ của các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh,… lại thấy đồ gỗ ngoại nhập bày bán nhiều hơn đồ gỗ nội và phần đông người tiêu dùng trong nước đều thích ngắm, thích mua đồ gỗ ngoại hơn. Tại sao vậy? Câu trả lời dễ thấy là do đồ gỗ Việt Nam bày bán phần nhiều đều kém sự hấp dẫn khách mua về hình thức nhất là về chất lượng, nhưng giá cả lại còn đắt hơn đồ gỗ ngoại vừa đẹp, vừa chắc chắn về kỹ thuât, độ bền do được chế tạo tinh xảo, kỹ càng. Trong khi nước ta có nghề truyền thống về đồ gỗ, đến các công trình tôn giáo, văn hoá tại nhiều địa phương luôn thấy tính kỹ thuật và mỹ thuật cao, đến nhiều gia đình còn gặp những đồ gỗ bền đẹp. Vậy do đâu nghề gỗ hiện thời lại không phát huy truyền thống, mà để mai một, xuống cấp như thế?. Dẫn đến chỗ đồ gỗ nội đang thua trên sân nhà, đồ gỗ ngoại nhập chiếm tới trên 60% thị trường nội, sắp tới đây sẽ có thêm các hiệp định thương mại mới được ký kết, nhất là AEC, thuế hàng nhập về 0%, thì đồ gỗ nội càng khó cạnh tranh với đồ gỗ ngoại thừa thời cơ thuận lợi hơn để ồ ạt tràn vào. </p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_6/go.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Cũng có những ý kiến biện hộ cho sự thua kém trên sân nhà của đồ gỗ nội là do ngành gỗ nước ta đang quá chú trọng vào việc xuất khẩu gỗ và làm hàng gỗ gia công, theo đơn đặt hàng của các hãng kinh doanh gỗ và đồ gỗ nước ngoài nên lơ là thị trường nội địa. Cũng đúng là về số lượng hàng xuất và kim ngạch thu về thì ta đang là nước xuất khẩu đồ gỗ lớn bậc nhất nhì ASEAN và có mặt tại khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu gỗ và các mặt hàng gỗ của cả nước đạt 6,54 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2013. 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 2,56 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cả năm 2015 xuất khẩu về gỗ sẽ đạt độ 7 tỷ USD. Tuy nhiên ngay với việc làm đồ gỗ xuất khẩu, ngành gỗ nước ta lại phải chịu cảnh buồn lòng là đầu vào thiếu nguyên liệu trầm trọng, chủ yếu là phải nhập khẩu, trong khi xuất khẩu gỗ rừng của ta tới 60% là băm dăm gỗ để xuất khẩu. Xuất khẩu hàng gỗ mà phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều thì tuy kim ngạch có cao nhưng thực lãi ít, nhất là về gỗ, chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu gỗ tròn, gỗ sẻ, năm 2014 là 545 000 mét khối, song lại là tạm nhập tái xuất, chủ yếu là một số doanh nghiệp Trung Quốc qua Việt Nam để nhập khẩu gỗ từ các quốc gia khác đem về nước họ, đồng thời tranh lấy nguồn cung gỗ của nước ta, không có lợi gì cho nền kinh tế Việt Nam, lại làm hại đường sá. Chính vì vậy năm ngoái bộ Công Thương đã phải ban hành thông tư tạm dừng các thương vụ tạm nhập tái xuất gỗ từ Lào và Campuchia. <br></div><div><br></div><div>Với sử dụng gỗ và đồ gỗ ngoại nhập, mỗi năm nước ta tiêu tốn đến 2 tỷ USD mà 40% gỗ mua vào là để làm vật liệu xây dựng. Gần đây một số nhà đầu tư nước ngoài, mạnh nhất là doanh nghiệp từ Thái Lan, đến Việt Nam mua lại nhiều hệ thống siêu thị, rồi đem hàng gỗ nội thất nhập khẩu vào bán, nên ngành gỗ nội càng thua thiệt lớn. Nhập khẩu bột giấy số lượng cũng lớn khiến giá thành cao, giấy nội ế. Đúng là một nghịch lý khi chúng ta xuất khẩu nhiều gỗ thô, để rồi phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu làm giấy, bột giấy, giấy thành phẩm; mỗi năm xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn dăm gỗ chỉ với giá 110-120 USD/ tấn, song lại phải nhập hơn một triệu tấn bột giấy/năm với giá 900 đến 1000 USD/ tấn; xuất thô, nhập tinh đã khiến cho xuất dăm gỗ thực tế thu về chỉ vài trăm triệu USD/ năm, còn chi ra để nhập khẩu bột giấy lên đến hàng tỷ USD/ năm. Giá thành cao hơn giấy ngoại nên không cạnh tranh nổi trên chính sân nhà, năm ngoái tổng lượng giấy nội tồn kho đến 12,1% , năm nay vẫn thế, không có vốn đầu tư công nghệ tiến tiến khiến chất lượng giấy không được nâng cao càng khó cạnh tranh với giấy ngoại, huống nữa là khi thuế nhập khẩu giấy về 0%, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy đang đứng trên bờ phá sản. </div><div><br></div><div> Cái khó cho ngành gỗ Việt Nam để mất thị trường nội địa cũng như không hấp dẫn về đồ gỗ xuất khẩu là do yếu kém về chế biến gỗ, máy móc thiết bị lạc hậu, năng xuất lao động thấp, tay nghề kém, chi phí đầu vào cao. Bị thua ngay trên sân nhà là điều đáng để buồn khi nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ trong nước đang tăng mạnh. Đã đến lúc các doanh nghiệp gỗ cần chăm chút hơn cho thị trường nội địa, đa dạng hơn mẫu mã, sức hấp dẫn chiều theo thị hiếu của số đông người mua, cần chú ý hai thách thức lớn là nguồn gỗ hợp pháp và sự cạnh tranh trong thị trường nội địa với các nước ASEAN khi hình thành khối kinh tế AEC vào cuối năm nay. Cần sản xuất hàng có ưu thế cạnh tranh cao, như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre, chế biến ván nhân tạo thay cho dăm gỗ xuất khẩu. Các doanh nghiệp ngành gỗ cần có sự liên kết, phối hợp với ngành lâm nghiệp để tạo dựng, cấy trồng các vùng gỗ nguyên liệu đáp ứng đủ yêu cầu của các nhà máy chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>