“Đánh vật” với con chữ
Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp Tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt. Hơn nữa, Bộ GDĐT đã ban hành danh mục sách giáo khoa được sử dụng trong năm học 2020-2021 đối với lớp 1 gồm 5 bộ sách với 46 đầu sách và các cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, cả 3 đối tượng, gồm học sinh, phụ huynh và giáo viên đều “choáng” với tốc độ học môn Tiếng Việt. Nếu như sách giáo khoa Tiếng Việt theo chương trình cũ sẽ học theo trình tự từng chữ cái, từ gồm 2 chữ cái ghép lại. Ví dụ, bài 7 học chữ cái “ê” và “v”, phần đọc chỉ gồm các từ bê, bề, bế, ve, vè, vẽ, bé vẽ bê. Đến bài 15 mới bắt đầu học các chữ ghép có 2 chữ cái là “th”; phần đọc cả câu là “bố thả cá mè, bé thả cá cờ”…
Còn theo chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt ở bộ “Cùng học để phát triển năng lực” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bài 3A học sinh học chữ cái “l” và “m”. Đến bài 3B học sinh đã học chữ do 2 chữ cái ghép lại “nh” và đọc bài “Bé ở nhà bà: Bé Hà đỡ ho. Mẹ để bé ở nhà bà. Bà có na, có nho để dỗ bé” cùng với phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm bên dưới. Sang bài 3C, học sinh học chữ “ng” và “ngh”, đồng thời viết các chữ, gồm: ng, ngh, ngò, nghé. Tiếp theo bài 3D, học sinh học chữ “u”, “ư” và viết các chữ u, ư, nhụ, ngừ. Như vậy, chỉ đến tuần thứ 3 của năm học và trong vòng 1 tuần, học sinh đã học 7 chữ, có cả chữ ghép của 3 chữ cái, gồm: l, m, nh, ng, ngh, u, ư. Đồng thời, khi học đọc, các con sẽ phải viết luôn các chữ trong bài đọc từ ngữ.
Với học sinh lớp 1 mới chuyển từ môi trường mẫu giáo là rèn nề nếp sinh hoạt, học hát, đọc thơ sang học chữ, học viết với tốc độ “tên lửa” như trên thì học sinh và cả phụ huynh, thậm chí giáo viên cùng “sốc” là điều dễ hiểu.
Chị N.M, phụ huynh học sinh 1 trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt cũ thường các con chỉ đọc 1 câu mà đọc đến cuối còn quên, sách giáo khoa mới tận 4 câu và để học sinh tự trả lời câu hỏi. Thật sự chương trình học quá nặng so với con nhà mình. Mới được 3 tuần mà như thi học kỳ I vậy. Chương trình cải cách tưởng giảm tải cho các con, hóa ra nặng hơn trước gấp mấy lần. Con mình đi học mà bố mẹ con cái căng thẳng, khủng hoảng, con sợ đi học. Cuối tuần cũng không được nghỉ vì còn phải luyện đọc thêm cho con”.
Đây không chỉ là tâm sự, chia sẻ của riêng của chị N.M mà cũng là nỗi niềm của không ít các bậc làm cha, làm mẹ khi thấy chương trình học Tiếng Việt của các con quá nhanh so với nhận thức và lứa tuổi. Những chia sẻ ở mạng xã hội, trên các diễn đàn về việc cho con học đến 12h đêm để viết bài và luyện đọc là chuyện thường gặp trong những tuần đầu năm học đối với học sinh lớp 1.
Có thể thấy, nếu như những năm học trước, học sinh lớp 1 vừa học, vừa chơi, nhất là những tuần đầu là thời gian rèn thói quen ngồi học đúng tư thế, cầm bút đúng cách và làm quen với các chữ cái… thì chương trình giáo dục phổ thông mới đã “kéo” học sinh vào “guồng” rất nhanh. Đối với các học sinh được bố mẹ cho học lớp “Tiền tiểu học”, đã nhận biết được các chữ cái, đánh vần cơ bản và biết viết các nét thì việc theo học chương trình Tiếng Việt mới không quá vất vả. Tuy nhiên, đối với những bạn lần đầu tiên được tiếp xúc, được học chữ thì quả là vô cùng vất vả, “đánh vật với con chữ”.
Phần thưởng là những bông hoa đẹp dành cho các bạn lớp 1 có kết quả học tập tốt trong tuần tại 1 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. (ảnh: PV)
Phụ huynh nói “nặng”, Bộ nói chưa đủ căn cứ
Trước những ý kiến của phụ huynh, giáo viên, tại buổi Họp báo thường kỳ Quý III/2020 của Bộ GDĐT, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: “Hiện nay có một số phụ huynh viết trên các diễn đàn với một vài quan điểm cho rằng chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt 1 khá “nặng”. Tôi xin khẳng định, Bộ chưa nhận được một văn bản chính thức nào từ giáo viên, các cơ sở giáo dục hay các nhà khoa học chính thức gửi ý kiến về Bộ theo quy định”.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai có quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học và khung thời gian cho một năm học. Ví dụ, đối với môn Tiếng Việt, hết lớp 1 các em đọc 1 phút được bao nhiêu từ, đọc hiểu như thế nào… có quy định cụ thể chuẩn đầu ra. Và 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 trong chương trình hiện hành dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng, được thiết kế bằng các con đường khác nhau. Qua nhiều công đoạn, trong đó có thực hiện lấy ý kiến và được Hội đồng quốc gia công bố.
“Khi được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia với những quy trình làm việc rất chặt chẽ và hiện nay mới bước đầu được triển khai mà chúng ta nhận định như thế là chưa đúng thời điểm và chưa đủ căn cứ”, TS. Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Đối với lớp 1 có sự điều chỉnh, đó là cố gắng giúp các em đọc thông, viết thạo sớm, xem đó là điều kiện để học các môn khác. Chính vì vậy, ông Tài khẳng định, môn Tiếng Việt về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành nhưng thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết. Vậy tần suất học Tiếng Việt trong 1 tuần chắc chắn sẽ nhiều hơn so với chương trình cũ. Trong khi đó, môn Toán giảm đi 70 tiết. Sau khi học sinh hoàn thành lớp 1 có thể đọc thông viết thạo sẽ là cơ sở để tiếp tục học các môn khác ở các lớp tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Tài chia sẻ, chương trình mới có độ mở, độ linh hoạt. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, phản biện những việc phát sinh diễn ra trên thực tế. Khi có đầy đủ các giai đoạn, căn cứ khoa học, đánh giá tất cả các mặt của chương trình thì sẽ đánh giá tổng kết để có sự điều chỉnh kịp thời trong quá trình tiếp theo.
Bộ yêu cầu phân bổ hợp lý, không gây quá tải, không giao bài tập về nhà
Bộ GDĐT cho biết, ngay sau khai giảng năm học mới, chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai thực hiện với lớp 1, Bộ đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương. Kết quả cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.
Do đó, để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ngày 05/10/2020, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản số 3977/BGDĐT-GDTH gửi các Sở GDĐT về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học.
Trong đó, yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học/hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1.
Bên cạnh đó, các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Mặt khác, các nhà trường tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
Các Sở GDĐT phải tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở GDĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) theo quy định”, văn bản nêu rõ.
Như vậy, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được lựa chọn, thẩm định rất chặt chẽ, đúng quy trình. Điều quan trọng là giáo viên cần linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện, làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra. Đặc biệt, cần sự phối hợp với gia đình, không tạo áp lực, không đặt nặng thành tích học tập của con; để con được phát triển một cách toàn diện, phù hợp với năng lực, sở trường của mình./.
Minh Nguyệt