Để đáp ứng được những nhu cầu về chất lượng hàng nông sản, mấy năm nay nông nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi, chuyển biến lớn sang nông nghiệp hữu cơ với những khẩu hiệu như là nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch và câu cửa miệng người tiêu dùng trong nước là an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Nông nghiệp bây giờ đã xa vời với kiểu cũ là dùng phân hóa học và thuốc hóa chất để trừ sâu. Nhớ lại mấy chục năm xưa, nông nghiệp Việt Nam năng suất thấp vì không được chăm bón tốt, sâu phá hại lúa, màu nhiều vì không có thuốc diệt mạnh, khi Nhà nước cho nhập phân bón hữu cơ là phân lân, phân đạm và thuốc trừ sâu hóa chất thì các hợp tác xã rất hoan hỷ khi được ty nông nghiệp mỗi tỉnh, phòng nông nghiệp mỗi huyện phân phối cho mua, và dùng một cách phóng tay rộng rãi. Kết quả là năng suất cây trồng có cao hơn, bớt sâu cắn phá hơn, nhưng rồi đến lúc nhiều người nông dân bị nhiều căn bệnh hiểm ác do thuốc trừ sâu gây ra, thì nhiều nông dân sợ hãi, bảo nhau bớt dùng thuốc hóa chất trừ sâu. Hàng xuất khẩu nông sản bị trả về vì dư lượng thuốc trừ sâu hoặc phân bón hóa chất. Bởi thế, nông nghiệp Việt Nam đành phải học theo nông nghiệp nhiều nước trên thế giới là loại trừ thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất, quay trở lại lối canh tác cũ là bón phân hữu cơ và diệt sâu cho lúa ngô bằng các biện pháp thủ công và các chất chiết xuất từ cây thuốc, các sự thay đổi này đồng nghĩa với kinh nghiệm cũ là phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, tiềm năng lớn, khả năng hội nhập cao, song phải sử dụng rộng rãi phương thức canh tác hữu cơ hơn nữa. Vấn đề đặt ra cho bảo vệ sức khỏe nông dân canh tác, người tiêu dùng trong, ngoài nước và đẩy mạnh được xuất khẩu hàng nông sản là phải thúc đẩy hệ sinh thái cho nông nghiệp hữu cơ.
Việc vận dụng mới này cũng không dễ vì nhiều hộ nông dân và các đơn vị sản xuất cũng như hợp tác xã nông nghiệp đã quen với việc sử dụng hóa chất phân bón và thuốc trừ sâu, lại yêu cầu họ sử dụng phân hữu cơ sẽ mất nhiều công sức, thời gian hơn, chậm thấy kết quả hơn.
Một số mặt hàng nông sản hữu cơ (Ảnh: Internet)
Hàng hóa hữu cơ được kiểm tra không chỉ bằng máy móc mà còn phải có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Tuy đã cố gắng nhiều nhưng hàng nông sản Việt Nam để đạt đến độ hữu cơ cao vẫn gặp khó khăn, khó thắng được lối canh tác có hóa chất trong mấy chục năm trước, dẫn đến hậu quả là nông nghiệp tăng trưởng chậm. Năm 2019 tốc độ tăng trưởng nông nghiệp không được như năm 2018, năm 2020 báo hiệu khả năng tăng trưởng sẽ khó có thể cao. Theo một số cán bộ quản lý và chuyên gia kinh tế nông nghiệp, thực tế đang cho thấy nông nghiệp Việt Nam mấy năm nay chịu ba thách thức lớn. Một là, đà tăng trưởng chậm hơn so với dự báo của thế giới khiến yêu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam giảm xuống. Hai là, cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn đã làm ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ba là, dịch tả lợn Châu Phi hoành hành đã làm giảm tăng trưởng ngành chăn nuôi Việt Nam. Không chỉ với lúa và lợn, nhiều ngành nghề khác trong nông nghiệp như trồng cấy, tiêu thụ hoa màu cũng sụt giảm, như xuất khẩu sắn từng đã có lúc đạt đến 1 tỷ USD, nhưng nay khó có thể quay lại với mức xuất khẩu này. Cả nước hiện có hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ sắn lớn nhất của Việt Nam, hiện tại tổng sản lượng tinh bột sắn của Việt Nam có khoảng 2,4 triệu tấn, nhưng bị cạnh tranh rất quyết liệt và khó nhập sang thị trường Trung Quốc. Hiệp hội sắn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD, nhưng hiện tại thị trường Trung Quốc vẫn trầm lắng.
Để đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, các tỉnh chuyên canh nông nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản cần phải chú ý đẩy mạnh nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đặc sản của mỗi địa phương theo hướng mỗi xã một sản phẩm. Từ đặc sản OCOP mà tiến tới các đặc sản nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Triển vọng những năm tới là nông nghiệp Việt Nam được miễn giảm thuế, nếu ứng dụng tốt nông nghiệp hữu cơ thì giá trị nông sản xuất khẩu sẽ càng tăng thêm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói, Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích, là tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa liên minh Châu Âu và Việt Nam. Ngày 06/8/2020 Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện hiệp định EVFTA, trong đó phân công nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương để triển khai hiệu quả nhất các cam kết, tập trung vào 5 nhóm công việc: Công tác tuyên truyền phổ biến thông tin về hiệp định EVFTA và thị trường các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Với những lợi thế mới mà sự phát triển kinh tế của cả nước và thành tựu hội nhập kinh tế toàn cầu đem lại, nông nghiệp Việt Nam, nhất là nông nghiệp hữu cơ đang có thêm nhiều nhiều điều kiện ưu thế và thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Chính phủ cũng đã có đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với những chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực trong nông nghiệp. Bởi vây, các địa phương và từng lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp cần phải quyết tâm thực hiện nhanh và hiệu quả./.
Trung Vũ