Phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Thứ năm, 09/04/2020 14:00
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, thị trường hàng hóa vẫn có sự trà trộn của nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua hàng đang bị một số thành phần trong giới kinh doanh tước đi quyền lợi chính đáng là bỏ tiền ra mua hàng thì hàng nhận về phải xứng đáng, nhất là không gây độc hại, đảm bảo sức khỏe tính mệnh. Do vậy, cần thiết phải bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Thực tế, thị trường đang cho thấy cần phải báo động về sự thiếu nghiêm khắc của luật pháp về kinh doanh, cũng như giảm sút đạo đức kinh doanh. Về mặt luật pháp thì hàng chục năm qua, Nhà nước đã có nhiều luật và văn bản dưới luật điều chỉnh mối quan hệ kinh doanh. Gần đây, các cơ quan chức trách đã có báo cáo pháp luật kinh doanh công bố tại hội thảo ngày 26/12/2019, với chủ đề: Dòng chảy pháp luật kinh doanh. Báo cáo cho thấy pháp luật kinh doanh ban hành đã nhiều, thậm chí còn chồng chéo mâu thuẫn nhau khiến thương gia kinh doanh đã khó mà người mua hàng thực tế cũng không được bảo đảm về quyền lợi. Dẫn đến hậu quả quá đáng buồn là gần đây khi mua khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid -19 mà còn gặp sự gian dối thiếu trách nhiệm của người bán, khiến một lần nữa càng phải xem xét và có sự điều chỉnh văn bản cũng như cương quyết hơn trong thực thi pháp luật về kinh doanh. Những cố gắng của các cơ quan quản lý kinh doanh cho đến năm 2019 xem chừng mới chủ yếu nhằm mục đích tạo thuận lợi hơn cho những người kinh doanh hàng hóa qua việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Phải chăng vì vậy ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức kinh doanh ở một số doanh nghiệp doanh nhân lại từ lợi thế dễ dàng kinh doanh hơn mà gia tăng sự thiếu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng hóa tiêu dùng hiện nay ngoài ngoại nhập thì chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, gọi chung là hàng Việt Nam với cả một phong trào vận động người Việt dùng hàng Việt, nhưng để chấn chỉnh lại sự kinh doanh hàng Việt, chống buôn gian bán lậu, bán hàng hóa kém chất lượng, Bộ Công thương đang tiến hành xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm hàng hóa là sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Thông tư đang được lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu luật pháp, các doanh nghiệp doanh nhân nhất là người tiêu dùng.

Trong khi chờ Thông tư được ban hành, thiết nghĩ cả người bán hàng lẫn người mua hàng đều phải nâng cao ý thức về chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp phải nâng cao đạo đức kinh doanh, còn người tiêu dùng cũng phải kỹ càng hơn trong việc mua hàng. Giữa thời buổi thương mại điện tử phát triển không còn cảnh được mắt nhìn tay chọn hàng hóa như ở chợ truyền thống, hay siêu thị, nên người tiêu dùng cần cảnh giác hơn để tránh bị lừa dối.

Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến hàng thực phẩm, từ chính quyền các cấp đến các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân, những nhà sản xuất hàng hóa cho đến nông dân bán nông sản và đông đảo người tiêu dùng cần xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm. Việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cần được chú ý gắn kết thiết thực với phát triển thị trường kinh doanh, ví như phát triển kinh tế đêm thì phải có các biện pháp chống việc lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái.

leftcenterrightdel
 Người tiêu dùng cần thông thái để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái (Ảnh: Internet)

Gần đây, một số cuộc hội thảo, diễn đàn về đạo đức kinh doanh đã được một số hiệp hội tiến hành với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật và các doanh nghiệp doanh nhân, đều đi đến nhận định: Hiện nay, vẫn có không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật, chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của đạo đức trong kinh doanh, chỉ chú trọng thu lợi nhiều trong buôn bán, coi vấn đề đạo đức như là yếu tố phụ. Họ đã quên một điều hệ trọng là: Trong kỷ nguyên công nghệ bùng nổ như hiện nay, nếu kinh doanh mà bỏ qua đạo đức, thì dù một thương hiệu được gây dựng cả chục năm vẫn dễ bị tiêu diệt chỉ sau một cú nhấp chuột. Vì vậy tuân thủ đạo đức kinh doanh cũng là con đường tất yếu để các doanh nghiệp phát triển và duy trì bền vững cơ sở kinh doanh, cũng như thương hiệu.

Đạo đức kinh doanh được các chuyên gia kinh tế xem xét qua các cấp độ: Trách nhiệm với xã hội, với môi trường, với người mua hàng, tuân thủ nghiêm pháp luật. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã đổ vỡ thảm hại vì thiếu đạo đức kinh doanh khiến người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa mà họ chuyên sản xuất. Họ đã không ý thức được rằng muốn kinh doanh hiệu quả thì phải cạnh tranh, yếu tố cạnh tranh mạnh nhất là có đạo đức kinh doanh bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng khi bán hàng, để giữ và lôi kéo được nhiều khách hàng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân thành đạt thì đạo đức kinh doanh là nền tảng, tài sản quý giá của doanh nghiệp, là điều kiện phát triển nhân cách trong kinh doanh để kinh doanh bền vững. Kinh doanh hàng hóa luôn phải thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa người bán và người mua, cần có pháp luật và thực hiện nghiêm pháp luật để bảo đảm mối quan hệ này, mà trước hết là phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng theo đúng đạo đức truyền thống là thuận mua vừa bán. Bản thân người mua hàng cũng cần nâng cao ý thức không để thua thiệt, bám chắc vào cơ sở pháp luật, mà đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, sẵn sàng khiếu kiện để vừa không bị thua thiệt vừa tạo thêm sức ép của luật pháp, của dư luận xã hội lên sự đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng, chống gian lận thương mại. Các cơ quan quản lý kinh tế, pháp luật cần đứng trên phương diện hành chính nhà nước mà thường xuyên xem xét việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

                                                                                                           Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra