Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em rất thương tâm, thậm chí bị đánh, hành hạ đến chết. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và hành vi bạo hành bị xã hội lên án gay gắt, tuy nhiên đây vẫn là một “góc khuất” trong xã hội.
Theo Báo cáo số 69/BC-ĐGS ngày 19/5/2020 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đồng thời, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn. Trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau là vấn đề gây bức xúc trong xã hội trong thời gian vừa qua.
Gần đây, nhất là vụ bạo hành của nữ chủ quán bánh xèo tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đối với 2 nhân viên của mình. Cụ thể, em T.Q.D 14 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học, đi làm tại quán bánh xèo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết với công việc chính là bưng bê đồ ăn, rửa bát và lau dọn; ăn ở tại quán. Sau một tháng làm việc bình thường, cậu bé bắt đầu chịu đòn roi của chủ quán. Ban đầu là những lần véo tay, tát vào mặt, đá rồi đánh bằng hung khí. Có lần, T.Q.D bị bà chủ dùng dĩa nấu bánh xèo còn nóng đập thẳng vào cánh tay khiến phồng rộp, chảy máu. Một tháng liên tiếp, ngày nào T.Q.D cũng bị đánh; không được ăn cơm như mọi khi mà chỉ hôm nào có bánh thừa của khách mới được ăn. Nguyễn Thị Ánh Tuyết còn dùng chày đập đá đánh vào đầu, lưng; dùng cái cạo vảy cá đánh thẳng vào lưng T.Q.D nên đến giờ khắp lưng cậu bé vẫn còn lỗ chỗ.
Cậu bé thứ hai bị Tuyết bạo hành là V.V.Đ. Em từng bị chủ quán chém, đánh gãy tay. Đặc biệt, cả 2 em thường bị bắt làm việc 12 tiếng mỗi ngày, nhiều khi từ 7h sáng hôm trước đến khoảng 4h sáng hôm sau và không được chủ quán trả lương, không được gặp người ngoài.
Cũng giống như 2 em ở trên, năm 2007 các cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự, điều tra vụ việc vợ chồng chủ quán phở ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội về tội hành hạ người khác và gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Cụ thể, trong hơn 10 năm làm việc tại quán phở của vợ chồng Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương, em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán bắt làm việc từ 4 giờ sáng đến 21 giờ tối nhưng không được trả lương và tiếp xúc với người khác. Trong quá trình làm thuê không lương ở đây, em Bình liên tục bị chủ nhà chửi bới, đánh đập dã man như dùng muôi múc nước phở hắt nước sôi vào người, dùng dây điện gập lại vụt vào người, dùng muôi bán phở đánh vào tay và đầu, dùng chân đá vào mặt và phần kín, bắt cởi quần áo, quỳ dưới trời rét nhiều giờ đồng hồ, dùng kìm điện kẹp vào mạng sườn, dùng gậy gỗ vụt vào ngón chân cái, dùng tay đánh vào mặt...
Em T.Q.D 14 tuổi, bị chủ quán bán bánh xèo đánh đập để lại nhiều thương tích trên người. (Ảnh internet)
Đỉnh điểm của việc bạo hành là vụ việc bé gái N.N.M. (sinh năm 2017) bị mẹ đẻ là Nguyễn Thị Lan Anh cùng cha dượng là Nguyễn Minh Tuấn (trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh đập dẫn đến tử vong. Vụ việc đã được Công an TP Hà Nội khởi tố hình sự với 2 bị can. Sau 2 ngày xét xử và nghị án, chiều 19/11/2020, Toà an nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết bị cáo Nguyễn Minh Tuấn tử hình về tội giết người và 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi) bị phạt tù chung thân về tội giết người, 18 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt là chung thân...
Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình về việc bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, đáng nói là các vụ việc chỉ bị phát hiện, đưa ra ánh sáng khi nạn nhân bỏ trốn, hay được người trong cộng đồng, xã hội giúp đỡ. Thậm chí đến khi tử vong, vụ việc mới được các cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết và khởi tố hình sự người gây ra bạo hành đó hoặc được các cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2019 có 1,4 triệu trẻ bị bóc lột trong tổng số 26,3 triệu trẻ em toàn quốc, gồm cả sử dụng lao động trái pháp luật. Con số này không hề nhỏ và nó khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Thực tế, những số liệu thống kê mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", còn nhiều những vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động có thể chưa được phát hiện.
Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/06/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó nhận định rõ: "Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý... Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa, giảm thiểu việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật… Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.”
Nghị quyết của Quốc hội thẳng thắn nêu: “Những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác quản lý nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em có mặt còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chưa làm hết trách nhiệm được giao. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình về phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa thực chất và chưa hiệu quả. Mặt trái của kinh tế thị trường, thiếu việc làm, đời sống khó khăn, tác động mặt trái tiêu cực của internet, mạng xã hội... cũng là những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc xâm hại trẻ em.”
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra (23/11/1945-23/11/2020) diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung yêu cầu thanh tra ngành LĐTBXH tập trung vào 3 lĩnh vực trong năm 2021. Trong đó thanh tra trong lĩnh vực trẻ em là một vấn đề quan trọng. Năm 2019, toàn ngành không có thanh tra nào về lĩnh vực trẻ em trong khi tình trạng bạo lực tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, nhất là xâm hại tình dục trẻ em tại gia đình, nhà trường tại nơi được xem là an toàn nhất. Đây là mảng tối trong ngành, thanh tra cần mạnh dạn tấn công vào lĩnh vực này.
Từ thực tế trên, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần chủ động đưa ra các giải pháp, biện pháp trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các vụ bạo hành. Đặc biệt, cần phải xét xử nghiêm minh, công bằng và đưa ra những hình phạt thích đáng đối với những đối tượng bạo hành, tạo sự răn đe, phòng ngừa hiệu quả trong xã hội. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có bạo hành trẻ em./.
Minh Nguyệt