Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 ở nước ta trong thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự nỗ lực quyết tâm, quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đã đề ra nhiều biện pháp với kết quả tích cực. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã ban hành nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, kịp thời để phòng, chống dịch hiệu quả, không để dịch lây lan trong cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc ổn định tâm lý nhân dân, doanh nghiệp, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và khó lường, quy mô cũng như phạm vi tác động của dịch, đặc biệt dịch đang có nguy cơ bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề và đang có những tác động đến nhiều mặt đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội là vậy, thế nhưng lại có những trường hợp dương tính với bệnh Covid-19 lại khai báo không đầy đủ và trung thực những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Điển hình là bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận. Được biết, số người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân lên tới 203, còn số tiếp xúc gần với F1 là 761 người. Hiện nay, có 10 ca nhiễm virus corona liên quan đến bệnh nhân số 34. Như vậy, liên quan tới bệnh nhân này đã có "ngót ngét" gần 1.000 người bị ảnh hưởng.
Việc khai báo nhỏ giọt của bệnh nhân số 34 trong những ngày qua khiến dư luận khá bức xúc. Ảnh minh họa
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, việc điều tra dịch tễ liên quan đến bệnh nhân số 34 rất phức tạp. Vì bệnh nhân là một doanh nhân, nên có nhiều quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người, nhiều nơi; khả năng lây lan bệnh cho nhiều người là rất cao. “Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại, nên đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về phía dư luận, những ngày qua, không ít người bày tỏ sự ái ngại, bức xúc đối với Bệnh nhân số 34 vì hành vi quanh co, khai báo nhỏ giọt, khiến cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian để khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc và triển khai các giải pháp ngăn chặn được tính bằng từng giờ, từng phút.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc khai báo thông tin phòng ngừa dịch bệnh chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và ý thức của mỗi cá nhân. Người dân, đặc biệt là các cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, khi được cơ quan chức năng kiểm tra phải trung thực cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26.2.2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đồng thời, theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
...
“Hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.
Cụ thể, điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, nếu người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, có thể bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Cũng theo Điều 240, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra.
Dịch Covid-19 được xác định đã bước sang giai đoạn hai, vô cùng phức tạp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, nói chung và của Bình Thuận nói riêng. Rõ ràng, việc khai báo nhỏ giọt, chậm trễ gây ảnh hưởng đến quá trình khoanh vùng dập dịch xảy ra liên quan đến bệnh nhân số 34 là rất đáng lo ngại. Quy định pháp luật đã rất rõ ràng và nghiêm minh, dư luận cũng đã bày tỏ thái độ cần dứt khoát. Đối với những bệnh nhân đã và đang bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà theo quy định, cần nghiêm túc tuân thủ yêu cầu của các cơ quan chức năng trước khi việc khai báo không trung thực, loanh quanh, né tránh...đưa việc đi quá xa và mất kiểm soát./.
Lan Anh